Bi - hài trộm cổ vật đình chùa

Không ly kỳ như những vụ trộm cổ vật cung đình Huế, các lăng tẩm, kẻ trộm thường nhắm đến các đình, chùa. Dù là những nơi ít được đề phòng hay cẩn mật canh gác đều xảy ra những vụ mất trộm cổ vật vừa bi vừa hài mà nghe xong nhiều người phải cười ra nước mắt.

Ngang nhiên dùng xe ô tô trộm cổ vật


Ngang nhiên dùng xe ô tô trộm cổ vật

Sáng sớm mùng 5-9-2013, một nhân viên trông xe ở đình làng Thanh Trì (phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội) hoảng hốt khi phát hiện ổ khóa cổng bị cắt, kẻ trộm còn để lại chiếc kìm cộng lực để phá khóa. Bên trong đình, 2 ổ khóa ở cửa lối vào khu Đại bái và Hậu cung cũng đã bị phá, cửa mở toang. 1 đôi hạc bằng đồng, cao khoảng 1,2m nặng tổng cộng hơn 150kg ở khu Đại bái và 1 chiếc chóe bằng sứ để đựng nước trong cùng khu Cung cấm đã không cánh mà bay. Kẻ gian còn để lại hiện trường nắp đậy của chiếc chóe cổ bởi chiếc nắp là đồ mới được mua từ bên Bát Tràng để đậy vào cho đủ bộ. Chỉ có phần thân chóe là đồ cổ đã có từ lâu đời. Đáng chú ý là mặc dù nhiều hộ dân sống quanh đình đều nghe thấy tiếng ô tô đi vào làng, tiếng chó sủa nhưng chẳng ai mảy may nghi ngờ “có người dám vào đình trộm hạc quý”.

Cùng chung thủ đoạn trên, kẻ trộm cũng ngang nhiên đưa xe tải vào đền Bồng Châu (Kim Động, Hưng Yên) để trộm đồ. Tháng 8-2013 vừa qua, người dân thôn Tân Mỹ II, xã Phú Cường, huyện Kim Động, Hưng Yên đã linh đình mở hội, làm lễ rước đạo sắc phong cổ trở về đền Bồng Châu (Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia). Tuy nhiên, đó chỉ là 1 trong số 69 đạo sắc phong cổ của đình mới bị đánh cắp trước đó không lâu. Một ngày đầu tháng 3-2013, bốn cụ trong Ban Khánh tiết đền Bồng Châu được báo ra đình họp gấp. Vừa tới nơi, các cụ chỉ biết ngơ ngác nhìn nhau khi cửa chính của đền mở toang, chiếc két sắt nặng tới 250kg cùng toàn bộ giấy tờ của đền trong đó có 69 đạo sắc phong cổ đã biến mất. Hài hước ở chỗ, xác định số đạo sắc phong là cổ vật quý, đền Bồng Châu đã quyết định đầu tư một khoản tiền lớn để mua về chiếc két sắt đặc biệt, muốn mở được phải có đủ cùng lúc cả 4 chìa khóa được giao cho các cụ trong Ban Khánh tiết mỗi người cất giữ một chiếc. Ai ngờ những tên trộm vẫn trèo tường, dỡ ngói, đột nhập vào đình, bẻ khóa khu Hậu cung và “thổi bay” cả chiếc két kiên cố. Ít lâu sau, một trong số 69 sắc phong này được rao bán trên mạng. Người dân thôn Tân Mỹ II đã cùng nhau đóng góp tiền cho các cụ đi Nam Định chuộc lại được 1 đạo sắc phong. 68 sắc phong còn lại vẫn chưa biết số phận ra sao?

Kẻ trộm gửi trả cổ vật
Kẻ trộm gửi trả cổ vật

Dù đã xảy ra cách đây 10 năm, nhưng vụ trộm cổ vật tại đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng (thuộc huyện Phúc Thọ, Hà Tây cũ) vẫn được đánh giá là một trong những vụ trộm cổ vật ly kỳ và hy hữu nhất từ trước tới nay. Vụ trộm xảy ra vào rạng sáng ngày    26-8-2003. Lúc ấy trời đổ mưa to nên mặc dù trong đền còn có một ông từ cùng người bảo vệ được cắt cử ở lại trực đã không nghe thấy tiếng động khi bọn trộm cưa khóa, đột nhập vào khu Hậu cung lấy đi 6 thanh kiếm được sơn son thếp vàng cùng 2 lư hương đồng mun và 22 đạo sắc phong do các triều đại phong kiến ban tặng, có niên đại từ năm 1740 (đời Cảnh Hưng thứ nhất - triều Lê) đến 1925 (đời Khải Định thứ 9 - triều Nguyễn). Đêm hôm ấy, các cụ trông coi công việc tại đền đều nằm mơ thấy mình bị bậc tiền nhân trách phạt vì bất cẩn, tắc trách làm “mất kiếm của Hai Bà”. Một đồn mười, mười đồn trăm, trong vòng chưa đầy 1 tháng, câu chuyện được thổi đi khắp hang cùng ngõ hẻm về số phận bi thảm của những kẻ trộm bị trừng phạt vì báng bổ thánh thần. Không biết lời đồn có tới tai nhóm trộm hay không. Tuy nhiên, nhóm trộm đã quyết định gửi trả lại 22 bộ sắc phong cho các cụ từ giữ đền thờ Hai Bà Trưng kèm theo một bức thư đề: “Mong các cụ thông cảm”. Người gửi còn viết: “Bức tranh của các cụ rất đẹp. Mong các cụ giữ gìn cho cẩn thận. Do điều kiện chúng cháu không mang lên được vì sợ liên lụy nên chúng cháu phải dùng cách này”. Số thư tịch cổ trên được đóng gói cẩn thận, cuộn tròn, đóng dấu bưu cục Văn Mỗ, thị xã Hà Đông, ngày 24-9-2003. Nhân viên bưu cục chỉ nhớ người gửi gồm một nam, một nữ thanh niên, không đề tên vào hóa đơn. Đó cũng là những dấu vết cuối cùng của bọn trộm đền Hát Môn. Ngoài 22 đạo sắc phong được gửi trả, 6 thanh kiếm và 2 lư hương đồng cổ cho đến nay vẫn bặt vô âm tín.

1.001 kiểu bảo vệ cổ vật

Nói về việc phòng chống nạn trộm cổ vật, có lẽ không đâu làm nghiêm cẩn và quyết liệt như ở chùa Nễ Châu (thuộc cụm di tích phố Hiến, phường Hồng Châu, TP Hưng Yên). Là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, ngôi chùa được xây dựng từ thời Lê Hoàn, có rất nhiều tượng Phật, cổ vật, sắc phong. Chính điều này đã khiến sư thầy Thích Đàm Phương - trụ trì chùa Nễ Châu lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa. Những cổ vật và đồ thờ cúng có giá trị trong chùa luôn là mục tiêu nhòm ngó của những tên trộm. Cũng bởi thế số lần trộm ghé thăm chùa Nễ Châu nhiều đến nỗi các thầy không nhớ được, vụ nhỏ thì mất dăm ba đồ thờ cúng, vụ lớn thì có lần chùa bị mất cùng lúc 5 pho tượng cổ. Lần khác, kẻ gian bẻ chấn song cửa vào lấy đi tất cả đồ thờ có giá trị. Cuối năm 2011, giữa ban ngày kẻ gian giả làm người đi cúng lễ lấy cắp 1 pho tượng Ngọc Nữ và 1 chiếc mõ cổ mấy trăm năm tuổi. Dù đã nhiều lần báo cáo chính quyền địa phương nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Trước mối nguy hiểm hiển hiện, thầy Thích Đàm Phương đã làm một việc chẳng giống ai: Dựng “chiến lũy xích sắt, dây thép” để bảo vệ cổ vật. Với những đồ thờ có giá trị, sư thầy dùng xích khóa lại, hoặc dùng sắt hàn thành khuôn cho vào trong khóa lại. Bên trong cửa các phòng, thầy dùng dây cáp lớn đan những thanh sắt vào nhau, làm thanh ngang chèn dọc tất cả các cửa để phòng kẻ gian bẻ song cửa vào. Để ngăn chặn trộm trèo thang đột nhập từ những khoảng trống trong chùa, phía trên, thầy dùng nhiều thanh sắt đan lại với nhau.

Nhưng xếp hạng nhất về độ bảo mật phải kể đến chiếc chuông cổ Nhật Tảo. Theo nhiều tài liệu, chiếc chuông cổ có niên đại tới hơn 1.000 năm. Thế nhưng, suốt nhiều năm ròng được treo ngoài cửa đình ở Đông Ngạc chẳng ai thèm ngó ngàng gì. Nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất. Chuông cổ không bị đánh cắp do thời bấy giờ chẳng ai biết giá trị thật sự của chiếc hồng chung này. Nhưng ngay khi, các nhà nghiên cứu xác định được niên đại và giá trị của chuông Nhật Tảo, người dân địa phương lại canh cánh với nỗi lo bị mất đi bảo vật vô giá này. Ban đầu, chuông được chôn xuống dưới đất không để ai biết, nhưng sau do lo lắng chuông cổ bị hỏng, các vị chức sắc của đình đã bàn nhau đưa chuông lên để sau tấm bình phong treo ở nóc đình. Mỗi lần kiểm tra chuông, phải bắc thang dài lên, gỡ tấm bình phong xuống mới có thể lấy được chuông. Nhận thấy, vẫn chưa an toàn, các vị quyết định di dời chuông tới một nơi trong đình. Muốn lấy được chuông nếu biết cách và có đủ 3 người thì cũng phải mất 2 tiếng mới đưa được chuông ra. Địa điểm đó chỉ 3 người được biết, chỉ biết rằng chuông cũng được để cách mặt đất để chống ẩm và cứ 3 tháng lại được đưa ra ngoài lấy không khí của trời đất. Nhiều người cho rằng nên đưa những bảo vật quý hiếm còn lưu giữ trong dân gian về các bảo tàng để có đủ điều kiện bảo quản và đảm bảo an toàn cho cổ vật. Nhưng ít ai biết, chính tại các bảo tàng cũng từng xảy ra nhiều vụ trộm cổ vật ly kỳ.

Theo Tùng Liên

ANTĐ