1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Bi hài người vợ ký giấy “chuyển nhượng” chồng cho tình địch giá 50 triệu đồng

Số tiền lớn làm bà Nhị lung lay suy nghĩ rồi đồng ý làm cam kết bằng giấy tờ. Và đây, cũng là ngọn nguồn của hàng loạt chuyện bi hài sau này.

Bà Nhị chật vật nuôi đàn con cùng mẹ chồng già cả, trong lúc ông chồng đào hoa nằng nặc đòi sống với nhân tình trẻ đẹp hơn. Giữa lúc đó, cô nhân tình đột ngột tìm tới đặt vấn đề… sống chung với chồng bà Nhị, kèm theo khoản “hỗ trợ” 50 triệu đồng. Số tiền lớn làm bà Nhị lung lay suy nghĩ rồi đồng ý làm cam kết bằng giấy tờ. Và đây, cũng là ngọn nguồn của hàng loạt chuyện bi hài sau này.

Xây nhà, xây luôn... tổ ấm với gia
chủ


Xây nhà, xây luôn... tổ ấm với gia chủ

Tòa thụ lý vụ kiện đúng quy định pháp luật

Ông Khưu Để Dành, Chánh án TAND huyện Thoại Sơn, cho rằng: Lần trước nguyên đơn khởi kiện, người chồng thừa nhận và lãnh trách nhiệm trả lại tiền nên tòa đình chỉ vụ kiện. Lần sau nguyên đơn lại khởi kiện và đưa ra tờ thỏa thuận, trong đó có nội dung nguyên đơn cho mượn 50 triệu đồng, bên bị đơn thừa nhận có nhận số tiền này. Do đó tòa thụ lý vụ kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản và tuyên buộc bị đơn trả lại tiền là đúng quy định pháp luật.

Câu chuyện “tình tay ba” cười ra nước mắt này được chúng tôi ghi lại theo lời kể của ông Khưu Để Dành (Chánh án TAND huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Theo lời kể của ông Dành thì sau khi nhận khoản “hỗ trợ” 50 triệu đồng, chồng bà Nhị lại “lật kèo”. Từ đây, người phụ nữ kia đã đâm đơn kiện ra tòa đòi lại tiền.

Ngược dòng quá khứ, người dân xã Phú Thuận (huyện Thoại Sơn, An Giang) đều biết gia đình bà Bùi Thị Nhị thuộc diện nghèo. Vợ chồng bà vừa phải lo đàn con đông đúc, vừa phải chăm mẹ già yếu. Ông Trần Văn Thương (chồng bà Nhị-PV) làm nghề dựng nhà, quanh năm suốt tháng ông đi dựng nhà gỗ, mái tôn cho người dân trong vùng. Nghề ấy cũng giúp cho ông kiếm bát cơm, đồng tiền về phụ vợ, nuôi con và chăm mẹ già quá tuổi.

Ông Thương sẽ là người đàn ông được kính trọng nếu không có chuyện tình ái ngoài luồng. Chuyện xảy ra ông đi dựng nhà cho một người phụ nữ. Ngày khánh thành nhà, chẳng hiểu sao ông lại có ý định ở lại… cùng dựng tổ ấm với gia chủ. Nhân tình của ông Thương là người phụ nữ luống tuổi, sống cùng xã tên là Bùi Thị Hiền. Đường tình duyên của bà Hiền vô cùng lận đận. Điều đáng nói, tuy sống một mình nhưng kinh tế bà lại khá vững vàng.

Năm 2010, bà Hiền lên kế hoạch dựng nhà. Trong suốt thời gian xây, ông Thương được gia chủ giao cho thầu toàn bộ việc xây cất. Nhận nhiệm vụ, ông Thương sốt sắng và cần mẫn như con ong thợ. Suốt quá trình dựng nhà, ông Thương và gia chủ khá thân mật, điều này khiến nhiều người nghi ngờ và chuyện có đến tai bà Nhị. Tuy nhiên, bà Nhị lại tin chồng bao năm qua hay lam hay làm, chẳng thể có chuyện lăng nhăng. Mãi đến lúc ông Thương về nhà, đùng đùng tuyên bố đã “phải lòng” bà chủ thì người vợ già mới ngã ngửa. Vậy là thời gian qua, chồng âm thầm phản bội mà bà chẳng hề hay biết.

Trong con tức giận, bà Nhị tìm đến nhà bà Hiền chửi bới, thậm chí đánh ghen. Ông Thương thì thẳng thừng tỏ rõ quan điểm: “Nếu bà không cho tôi qua lại với cô ấy, thì tôi bỏ hẳn bà, sang ở luôn với người ta”. Được nước, bà Hiền cũng công khai nói với người vợ đau khổ: “Tôi đã quá yêu ông Thương, thực lòng muốn chung sống với ông ấy. Bà Nhị về tìm cách ngăn chồng thì ông chồng trăng hoa làm mình làm mẩy, hoặc bỏ đi hàng tuần mới về, hoặc gây áp lực để được vợ đồng ý cho đi “ăn vụng”.

Khi sự việc còn đang nhùng nhằng ở đó thì một ngày, bà Hiền đột ngột tìm sang nhà bà Nhị. Vừa gặp nhau, bà Hiền đã đặt vấn đề với bà Nhị cho ông Thương về sống với mình. Nếu được, bà sẽ hỗ trợ tình địch 50 triệu đồng. Trước lời đề nghị này, bà Nhị càng thêm bối rối. Từ dạo chồng ngoại tình, bà một nách nuôi cả con nhỏ lẫn mẹ già nên vô cùng túng bấn. Giờ nếu thuận lòng, bà sẽ có thêm khoản tiền lớn trang trải. Nghĩ đi nghĩ lại, bà quyết định lấy số tiền 50 triệu để “chuyển nhượng” chồng.

Cuộc “chuyển nhượng” tai hại

Thế rồi cả ba người gồm ông Thương, bà Nhị và bà Hiền cùng làm đơn thỏa thuận, nội dung đơn có đoạn như sau: “Ngày 24/5/2010 Âm lịch, tôi là Bùi Thị Nhị đồng ý cho chồng tôi là Trần Văn Thương sống cùng chung với chị Bùi Thị Hiền ngụ tại… Nay chúng tôi làm tờ thỏa thuận này để làm bằng chứng. Kể từ nay không ai xúc phạm tới ai”. Sau khi ký xong, bà Nhị nhận 50 triệu đồng còn bà Hiền được toàn quyền sở hữu ông Thương.

Sau ngày thỏa thuận, bà Hiền giữ rịt ông Thương không cho về. Hạnh phúc bên tình mới, ông Thương cũng chẳng buồn ngó ngàng gì tới người vợ già nữa. Ông như con đò, bến nào êm thì neo kỹ, lúc nổi giông gió ông lại đi. Xã hội đàm tiếu chán rồi dần thành quen, chuyện ông Thương “cao tay” có cả vợ lẫn bồ lan truyền khắp nơi một thời gian đã lặng xuống. Thi thoảng, ông mới đáo về nhà một chuyến để nhìn mặt mấy đứa con, động viên người vợ rồi ông quay lại ở với nhân tình. Có chồng hờ hững cũng như không, lúc này bà Nhị mới thấy cái tai hại sau quyết định nhẹ dạ của mình.

Thời gian trôi qua thấm thoát đã được 2 năm, ông Thương cứ qua lại giữa vợ và nhân tình, tất nhiên thời gian phần lớn ông dành cho nhân tình. Nhưng có lẽ bản tính trăng hoa, hoặc một phần bị người tình lấn lướt, cuộc sống của ông Thương với nhân tình cũng chẳng mấy hạnh phúc. Một ngày nọ, ông lẳng lặng bỏ đi bặt tăm mà không nói với ai một lời. Bà Hiền liên lạc không được, chạy qua nhà bà Nhị tìm cũng không thấy. Cay cú, bà Hiền quyết định đòi lại bà Nhị khoản tiền 50 triệu, vì ông Thương đơn phương phá vỡ thỏa thuận. Bà Nhị bỗng dưng trở thành con nợ.

 

Mối quan hệ tay ba bỗng dưng nổi sóng, trong năm 2012, địa phương đã tổ chức hòa giải ba lần nhưng ông Thương đều lánh mặt. Còn bà Nhị khai trước đây mình không hề hỏi mượn tiền của bà Hiền, việc bà Hiền đưa cho 50 triệu đồng là phụ mình nuôi con, nuôi mẹ chồng để mình chấp thuận… giao chồng cho bà này. Không chịu lời giải thích này, bà Hiền quyết định khởi kiện ra tòa. Ngày 28/6/2013 tại TAND huyện Thoại Sơn, ông Thương lãnh trách nhiệm và cam kết trả lại 50 triệu đồng cho người tình dứt điểm trong 60 ngày. Nguyên đơn chấp thuận, rút yêu cầu khởi kiện nên tòa quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Quá thời hạn cam kết mà người tình cũ không trả tiền, bà Hiền lại khởi kiện yêu cầu bà Nhị và ông Thương trả 50 triệu đồng.

Lần này, bà Hiền đưa ra tờ thỏa thuận có dòng chữ “cho chị Bùi Thị Nhị mượn số tiền mặt là 50 triệu đồng thời hạn 1 năm”, trong đó chữ “mượn”,  số “1” và vài chỗ có dấu sửa, được tô đậm lên. Căn cứ vào đó bà Hiền quả quyết mình cho mượn tiền để… được chung sống với người tình, chứ không phải bỏ tiền ra để… mua chồng. Trong khi đó tại tòa, bà Nhị vẫn khẳng định không hề có chuyện vay mượn, mà bà Hiền tự nguyện cho tiền để mình chấp thuận… giao chồng cho bà này. Đồng thời chỉ ra các chữ “mượn” và “thời hạn 1 năm” trong tờ thỏa thuận là… ghi thêm. Bà Nhị lập luận thêm: “Chồng tôi đã ở chung với bà Hiền nên… cấn trừ là hết. Nếu đòi thì đòi ông Thương, tôi không đồng ý trả”.

Tuy nhiên, TAND huyện Thoại Sơn căn cứ tờ thỏa thuận và việc hai bên thừa nhận có đưa tiền, nhận tiền nên buộc bà Nhị và ông Thương có trách nhiệm trả 50 triệu đồng cùng tiền lãi phát sinh hơn 11 triệu đồng. Bà Nhị cho rằng tòa chưa xem xét toàn bộ sự thật khách quan, xử không đúng nên kháng cáo toàn bộ nội dung bản án. Bà Nhị cũng viện dẫn trước đó vào ngày 28/6/2013 tại tòa, ông Thương nhận trách nhiệm trả tiền và đã được bà Hiền đồng ý nên bà Nhị không còn điều kiện khởi kiện yêu cầu mình phải trả nợ. Trong khi bà Hiền vừa mất nhân tình vừa tiếc tiền nên quyết “ăn thua” bằng được. Bà Nhị lỡ tiêu hết tiền, mất công cho chồng đi… ở với nhân tình suốt 2 năm giờ bị lật kèo nên cũng không đồng ý trả tiền. Câu chuyện cuộc tình tay ba đầy bi hài này xem ra vẫn chưa có hồi kết.    

“Tôi cho rằng trong vụ tranh chấp này cần tập trung vào giấy thỏa thuận ba bên giữa bà Nhị, bà Hiền, ông Thương để làm rõ 50 triệu đồng bà Hiền đưa cho bà Nhị là khoản tiền bà Hiền tặng cho bà Nhị để “bù đắp tổn thất tinh thần” hay là khoản tiền bà Hiền cho bà Nhị vay. Theo đó, toà án cấp phúc thẩm cần tổ chức giám định lại giấy thỏa thuận ba bên để xác định sự thật của vụ án”, LS. Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM. Còn theo LS. Lê Quang Vũ, thỏa thuận ba bên về mặt đạo đức, thuần phong mỹ tục thì không phù hợp, nhưng không vi phạm pháp luật. Lẽ ra các bên nên giải quyết vấn đề này theo trình tự pháp luật là bà Nhị, ông Thương giải quyết việc ly hôn, cấp dưỡng xong, rồi ông Thương có thể đến sống chung với bà Hiền và bà Hiền có thể đưa tiền cho ông Thương thanh toán tiền cấp dưỡng. Lưu ý, việc ông Thương không chịu sống chung với bà Hiền nữa không phải là lỗi của bà Nhị.

Theo Phi Phong

Báo Gia đình & Xã hội

* Tên nhân vật đã được thay đổi