Bị cáo Trương Mỹ Lan: "Tiền cho nhân viên SCB rất nhỏ so với tôi"
(Dân trí) - Nói về việc thưởng tiền cho nhân viên ngân hàng SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan nói đó là tiền cá nhân của bà. "Tiền của tôi không cần chứng minh vì nó rất nhỏ so với tôi", bị cáo nói.
Sáng 13/3, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo liên quan đại án Vạn Thịnh Phát tiếp tục thẩm vấn.
Chủ tọa lưu ý các luật sư đăng ký bào chữa với thư ký phiên tòa. Trong trường hợp cần phiên dịch cũng báo lại cụ thể để HĐXX tiện sắp xếp điều hành.
Bà Trương Mỹ Lan "xúi" thuộc cấp cho vợ nghỉ việc rồi cho 20 tỷ đồng
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, bào chữa cho bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan: "Khi cần giải ngân rút tiền tại SCB, bị cáo sẽ chỉ đạo Trần Thị Mỹ Dung và Trương Khánh Hoàng. Sau đó 2 người này thông báo cho ông Dũng tài khoản nào là của bà, tài khoản nào của Vạn Thịnh Phát, rồi bị cáo Dũng ký chứ không quan tâm có đúng không?"
Bị cáo Lan bác bỏ: "Dạ không".
Luật sư tiếp tục hỏi bị cáo Lan lý do chọn ông Bùi Anh Dũng làm Chủ tịch HĐQT. Bà Lan nói không phải do bà chọn. Lúc này, luật sư đọc lại lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, trong đó có ghi bị cáo nói do ông Dũng hiền lành nên bổ nhiệm.
Lúc này, bị cáo Lan lý giải cho rằng, thời điểm đó ông Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB, đã bỏ trốn) đưa vợ đi Mỹ chữa bệnh nên có nói với bà Lan là ông Dũng hiền lành. "Anh Thành chọn, tôi không có quyền tiếp cận và cũng không biết Bùi Anh Dũng", bị cáo Lan khai.
Tiếp đó, luật sư nêu bị cáo Dũng có bản tường trình gửi cơ quan điều tra, ghi rằng vào dịp Tết năm 2020, bị cáo Lan thưởng cho ông ta 20 tỷ, năm 2021 thưởng tiếp 20 tỷ. Luật sư đề nghị bị cáo Trương Mỹ Lan xác nhận đúng không.
Bà Lan khai có nhưng không nhớ con số là 2 tỷ hay 20 tỷ đồng. Bị cáo lý giải khi đó ông Dũng là chủ tịch, vợ và con trai của ông đều làm tại SCB. Do đó, ông Đinh Văn Thành nói bà khuyên ông Dũng xem lại vì vợ con cùng làm chung ngân hàng thì "kỳ lắm".
"Tôi thấy vậy nên nói Dũng là em nói vợ em chứ người ta nói phu nhân chủ tịch cản trở ngân hàng sẽ khó coi. Gia đình em khó khăn thì cho vợ nghỉ đi, chị cho em tiền để vợ con yên ổn đời sống đi. Tôi không nhớ 2 tỷ hay 20 tỷ đồng", bà Lan nói.
Cựu Chủ tịch HĐQT SCB bác lời khai hưởng mức lương 500 triệu đồng/tháng
Trả lời luật sư, bị cáo Bùi Anh Dũng cho biết ông giữ chức Chủ tịch HĐQT ở SCB nhưng ngân hàng không trả lương mà trả thù lao 180 triệu. Về lời khai trước đây bị cáo nói 500 triệu, ông Dũng nói bị nhầm, con số đó là của ban điều hành.
Trước đó, nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, Hồ Bửu Phương xét hỏi thân chủ và các bị cáo liên quan.
Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh đặt câu hỏi thế nào là khoản vay đã cơ cấu. Bị cáo Dung cho biết, đó là khoản vay đã tới hạn nhưng không trả sẽ được cơ cấu một thời gian dài hơn. Cơ cấu có hai dạng là bao gồm gốc lẫn lãi, hoặc chỉ gốc và trả lãi. Riêng các khoản vay tại SCB đều cơ cấu cả gốc và lãi.
"Thực tế các khoản vay tại SCB là khoản vay ngắn hạn, tới hạn là trả vào hoặc sẽ cơ cấu khoản vay. Trả vào thì buộc phải có khoản vay mới để đáo hạn khoản vay cũ. Khoản vay mới giải ngân nhưng dòng tiền không ra khỏi ngân hàng", bị cáo Dung khai.
"Cáo trạng quy kết bị cáo hợp thức hóa 617 hồ sơ khoản vay, có nhớ bao nhiêu khoản vay đã được cơ cấu, tức là khoản vay không giải ngân ra mà tất toán nợ cũ để tạo khoản vay mới?", luật sư Vinh hỏi. Dung trả lời không nhớ số liệu cụ thể nhưng các khoản vay ở SCB tới thời điểm vụ án xảy ra là đều đã tới hạn.
Cùng bào chữa cho bị cáo Dung, luật sư Nguyễn Thành Công hỏi bị cáo có thực hiện hành vi nâng khống tài sản khi giá trị tài sản ít hơn số lượng tiền, hay là bổ sung thêm tài sản vào cho đủ.
Cựu Phó Tổng giám đốc SCB lý giải rất thần tượng và có lòng tin tưởng tuyệt đối vào bà Lan. Mỗi lần bà Lan yêu cầu sử dụng tiền, Dung sẽ có 2 guồng thực hiện. Một là dùng tiền trả vô khoản cũ (gốc và lãi), nếu tài sản không đủ thì tài sản cũ được nâng lên để đảm bảo cho khoản vay mới. Guồng 2 là giải ngân cho bà Lan sử dụng tiền. Cụ thể là bà Lan đưa tài sản, bị cáo Dung liên hệ công ty định giá, công ty định giá cho giá theo yều cầu, bị cáo thực hiện cho vay.
Luật sư Công hỏi bị cáo Dương Tấn Trước về dự án Mũi Đèn Đỏ mà ông Trước được bị cáo Trương Mỹ Lan giao phụ trách pháp lý.
"Với người tư vấn dự án cho Vạn Thịnh Phát, liên quan dự án Mũi Đèn Đỏ, định giá của Savills 180.000 tỷ, so với giá của Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân là hơn 17.000 tỷ, bị cáo thấy chênh lệch ra sao?", luật sư hỏi.
"Tôi hoàn toàn không biết. Tôi là người không liên quan SCB, chỉ vì có mối quan hệ chị Lan nên mới rơi vào hoàn cảnh hôm nay. Tôi chỉ đọc phần cáo trạng liên quan tới mình", bị cáo Trước trả lời.
Cũng tại phiên tòa sáng nay, luật sư Nguyễn Văn Quynh, bào chữa cho bị cáo Trương Khánh Hoàng (nguyên Quyền Tổng giám đốc SCB) và bị cáo Dương Tấn Trước, hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan về số cổ phần, cổ phiếu mà bị cáo này thưởng cho nhân viên SCB. Trong đó, theo cáo trạng, bà Lan thưởng cho bị cáo Hoàng 10 triệu cổ phần.
Về điều này, bị cáo Lan giải thích sở dĩ bà cho nhân viên SCB vì thấy họ đã cống hiến cho ngân hàng rất nhiều, làm việc vất vả nên ghi nhận đóng góp.
"Cho nhân viên SCB có cần xét duyệt của ai không? Theo bị cáo tiền đó của SCB hay tiền bị cáo?", luật sư Quynh hỏi.
"Toàn bộ tiền của bị cáo", bà Lan trả lời.
Luật sư hỏi Chủ tịch Vạn Thịnh Phát có gì chứng minh đó là tiền của bị cáo hay không, bà Lan nói bạn của bà có nhiều cổ phần bán cho SCB, còn bà không cần chứng minh. "Tiền của tôi không cần chứng minh vì nó rất nhỏ so với tôi", bị cáo Lan nói.
Bị cáo Trương Khánh Hoàng xác nhận bà Lan cho bị cáo 10 triệu cổ phần vào thời điểm Hoàng nghỉ việc.
"Ý thức chủ quan của bị cáo thế nào khi đã nghỉ rồi mà bà Lan vẫn cho?", luật sư Quynh hỏi.
"Giống chị Lan trình bày là lúc đó SCB có ý định tái cơ cấu lại nên niêm yết cổ phiếu, bị cáo nghỉ chị Lan thưởng cho công sức gắn bó SCB", bị cáo Hoàng trả lời và cho biết tự nguyện nộp tất cả số cổ phần để khắc phục thiệt hại vụ án.