1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Con gái bà Trương Mỹ Lan rao bán nhà 1 tỷ USD ở Hà Nội để khắc phục hậu quả

Hoài Thanh Xuân Duy

(Dân trí) - Bà Trương Mỹ Lan nói con gái bà đang rao bán tòa nhà ở Hà Nội trị giá 1 tỷ USD để khắc phục hậu quả.

Chiều 12/3, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Trương Mỹ Lan tiếp tục thẩm vấn thân chủ cùng một số bị cáo trong vụ án.

Bà Trương Mỹ Lan có 8 cổ đông là công ty nước ngoài?

Trả lời luật sư Giang Hồng Thanh, bị cáo Lan trình bày lại mong muốn con gái bà là Chu Duyệt Phấn sẽ giúp thu hồi nợ từ những người đang thiếu tiền bà. Song, bị cáo cũng bày tỏ lo ngại con gái đang điều trị bệnh ở nước ngoài, sức khỏe không được tốt nên nhờ sự hỗ trợ của cơ quan tố tụng.

Về điều này, HĐXX một lần nữa nhắc lại tòa đã có thông báo, HĐXX và các cơ quan tố tụng sẽ giúp các bị cáo thu hồi nợ.

Ngoài ra, bà Lan cho biết thêm con gái bà cũng đang rao bán tòa nhà ở Hà Nội trị giá 1 tỷ USD để khắc phục hậu quả.

Con gái bà Trương Mỹ Lan rao bán nhà 1 tỷ USD ở Hà Nội để khắc phục hậu quả - 1

Bị cáo Trương Mỹ Lan cùng các bị cáo tại phiên tòa ngày 12/3 (Ảnh: Hoàng Hùng).

Bên cạnh đó, trong phiên tòa sáng cùng ngày, bà Lan bày tỏ muốn đem cổ phần của bản thân, các con và bạn bè ủy quyền không hủy ngang cho Ngân hàng Nhà nước để tiếp tục điều hành.

Tại phiên tòa chiều cùng ngày, luật sư hỏi bà Lan có mong muốn được tạo điều kiện như thế nào để thực hiện việc chuyển cổ phần cho Ngân hàng Nhà nước, bị cáo cho biết có 8 cổ đông là công ty nước ngoài, hiện tình cảnh bà không thể tác động được nên mong tòa hỗ trợ bà.

Theo cáo trạng, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự để xác minh, làm rõ vụ án.

Trong đó, Bộ Công an đề nghị Tổng Chưởng lý quần đảo Brishtish Vigin thuộc Vương quốc Anh, Tổng Chưởng lý quần đảo Cayman thuộc Vương quốc Anh và Cục Tư pháp Khu hành chính đặc biệt HongKong, nước CHDCND Trung Hoa, phối hợp xác minh 8 công ty nước ngoài với các nội dung: thông tin về pháp nhân, người đại diện pháp luật, quan hệ với Trương Mỹ Lan và các cá nhân khác tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Việt Vĩnh Phú; xác định việc mua, sở hữu cổ phần tại SCB, Công ty Việt Vĩnh Phú và các nội dung có liên quan đến SCB.

Song, đến nay Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an chưa nhận được kết quả trả lời.

Cũng trong chiều nay, HĐXX hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan về căn cứ và bằng chứng nào để chứng minh việc bị cáo cho SCB mượn tài sản, bởi lẽ các bị cáo làm việc ở SCB tại tòa không xác nhận việc mượn tài sản từ bị cáo.

Trả lời câu hỏi này, bị cáo Lan loanh quanh không đi vào trọng tâm. HĐXX nhắc nhở bị cáo và cho biết cơ quan sẽ đánh giá dựa trên các hợp đồng, hồ sơ. 

"Lúc bị cáo bị bắt là có 3 tòa nhà", bị cáo Lan nói và cho rằng 3 tòa nhà này đã cho SCB mượn.

Con gái bà Trương Mỹ Lan rao bán nhà 1 tỷ USD ở Hà Nội để khắc phục hậu quả - 2

Bị cáo Nguyễn Cao Trí tại tòa ngày 12/3 (Ảnh: Hoàng Hùng).

Chồng bà Trương Mỹ Lan khai lý do giúp vợ "rút ruột" ngân hàng

Theo cáo trạng, bị cáo Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ) là chồng bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), có quốc tịch HongKong (Trung Quốc). Bị cáo này là người sáng lập, có 99,26% cổ phần của Công ty cổ phần Times Square Việt Nam. Ông Cơ và vợ cùng nhau tham gia điều hành các hoạt động của công ty và triển khai dự án tòa nhà Times Square với chức năng là Khu liên hợp văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại và các công trình dịch vụ tại khu đất 22-36 Nguyễn Huệ và 57-69F Đồng Khởi (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM).

Năm 2009-2012, ông Cơ thống nhất với vợ sử dụng tài sản gồm quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai tại dự án tòa nhà Times Square do Công ty cổ phần Times Square sở hữu, để đảm bảo cho các khoản vay đứng tên các cá nhân, tổ chức do bà Lan chỉ định, từ đó có tiền để đầu tư vào dự án và sử dụng vào mục đích riêng của bà Lan. Sau đó, ông Cơ với vai trò Chủ tịch HĐQT đã ký các biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, Nghị quyết chấp thuận việc thế chấp, bảo lãnh cho các khoản vay do bà Lan chỉ đạo tại SCB.

Đến năm 2017, do các khoản nợ đến hạn, ông Cơ tiếp tục ký Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông ngày 15/8 của Công ty Times Square, để đảm bảo đối với dư nợ hơn 35.000 tỷ đồng theo danh sách khách hàng khống của SCB.

Ông Chu Lập Cơ khai ký những thủ tục bảo lãnh khoản vay theo chỉ đạo của bà Lan, không có quan hệ với các cá nhân đứng tên vay vốn, chỉ ký khống các thủ tục. Sau khi trừ đi giá trị tài sản đảm bảo được định giá bởi bên thứ 3 và được SCB chấp nhận, thiệt hại liên đới còn lại là hơn 9.100 tỷ đồng.

Tại tòa, trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Chu Lập Cơ nói mình là chủ sở hữu Công ty Times Square. Khi được luật sư hỏi ông Cơ tại sao ký một số văn bản để thể chấp tòa nhà Times Square tại ngân hàng SCB dù không phục vụ cho mục đích cá nhân cũng không phục vụ cho công ty. Trả lời câu hỏi trên, bị cáo Chu Lập Cơ nói mình ký văn bản đều trên cơ sở đề nghị và sự thuyết phục của vợ mình sử dụng để tái cấu trúc lại ngân hàng, cứu ngân hàng SCB trước sự sụp đổ.

Con gái bà Trương Mỹ Lan rao bán nhà 1 tỷ USD ở Hà Nội để khắc phục hậu quả - 3

Bị cáo Chu Lập Cơ (Ảnh: Hải Long).

Ông Chu Lập Cơ nói mình ký nhiều văn bản bằng tiếng Việt mặc dù không hiểu ngôn ngữ này. Lý giải về việc làm trên, chồng bà Trương Mỹ Lan nói mình tin tưởng vào hệ thống, vào thư ký nên đã ký các văn bản trên để vay tiền tại ngân hàng SCB.

Bên cạnh đó, người đàn ông này nói mình không bàn bạc với bà Trương Mỹ Lan về việc sử dụng các nguồn tiền vay tại ngân hàng SCB. Bị cáo Cơ nói mình làm các hành vi như cáo trạng quy kết chỉ với mục đích cứu ngân hàng, giúp tổ chức tín dụng này tái cơ cấu thành công.

Khi được luật sư hỏi nhận thức về hậu quả trong vụ án, bị cáo Chu Lập Cơ nói do không hiểu biết pháp luật Việt Nam. Ông không cố tình phạm tội, không lường trước được hậu quả.

"Tôi không hình dung được hậu quả. Tôi không nghĩ hôm nay mình trở thành bị cáo đứng đây. Giờ đây, tôi mong dùng các tài sản của mình để khắc phục hậu quả trong vụ án", bị cáo Chu Lập Cơ trình bày.

Phạm tội do sắp về hưu

Cũng trong phiên chiều nay, các luật sư cũng xét hỏi các bị cáo nguyên là cán bộ Ngân hàng Nhà nước. Những bị cáo này bị cáo buộc có sai phạm trong quá trình thanh tra, giám sát ngân hàng SCB để xảy ra sai phạm, gây thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Theo đó, bị cáo Nguyễn Văn Hưng (nguyên Phó Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước) thừa nhận, trong suốt quá trình thanh tra chỉ chỉ đạo bị cáo Đỗ Thị Nhàn và không chỉ đạo xuống các tổ trưởng trong đoàn thanh tra.

Quá trình thanh tra, bà Nhàn có tờ trình báo cáo tình trạng SCB. Lý do chưa ký tờ trình gửi thống đốc chuyển SCB nhóm 1 đáng lẽ phải chuyển nhóm 3-5 do bị cáo cho rằng chưa được làm rõ.

Tiếp đó, bị cáo Hưng nói mình phạm tội do một phần sắp về hưu nên có sự chểnh mảng, chưa làm hết trách nhiệm của mình trong quá trình thanh tra ngân hàng SCB và để xảy ra hậu quả.

Về phần mình, bị cáo Đỗ Thị Nhàn khai rằng toàn bộ hoạt động thanh tra theo chỉ đạo của Nguyễn Văn Hưng.

Hồ sơ vụ án thể hiện, bà Nhàn có đi gặp bà Trương Mỹ Lan để thuyết phục bà chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bán một số tài sản nhằm trả nợ cho ngân hàng. Liên quan tới nội dung này, bị cáo Nhàn khai ông Hưng không chỉ đạo.

Khi được hỏi về việc bị cáo Hưng chỉ đạo bằng miệng hay bằng văn bản, bà Nhàn khẳng định cả 2. Bị cáo Hưng cũng thừa nhận điều này trong quá trình điều tra, xét hỏi.