1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Bị cáo Trần Phương Bình lần thứ 2 lãnh án tù chung thân

Xuân Duy

(Dân trí) - Sau 1 tuần xét xử, ngày 14/1, Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao tại TPHCM tuyên án phúc thẩm vụ ông Trần Phương Bình và các đồng phạm gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank - giai đoạn 2).

Hội đồng xét xử (HĐXX) quyết định bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, kêu oan của các bị cáo; bác kháng cáo của người liên quan, nguyên đơn dân sự.

Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng tín dụng DongABank) mức án tù chung thân về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng, và tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp với bản án tù chung thân trong giai đoạn 1, bị cáo Bình phải chấp hành mức án tù chung thân.

 Các bị cáo còn lại trong vụ án bị tuyên y án mức hình phạt từ 3 - 18 năm tù.

Bị cáo Trần Phương Bình lần thứ 2 lãnh án tù chung thân - 1

Ông Trần Phương Bình lại nhận án tù chung thân.

Hồ sơ vụ án thể hiện, trong thời gian từ năm 2007 đến 2015, ông Bình với vai trò là Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch HĐTD của DongABank đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi phạm tội gây thiệt hại lớn.

Trong đó, ông Bình duyệt cho 4 nhóm khách hàng gồm: Hiệp Phú Gia - TTC (do Nguyễn Thiện Nhân điều hành và chỉ đạo), Đồng Tiến, M&C, Tân Vạn Hưng, vay không đúng quy định gây thiệt hại hơn 8.751 tỷ đồng.

Ngoài ra ông Bình còn có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt hơn 75 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DongABank lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.

Cuối năm 2020, TAND TPHCM xử sơ thẩm tuyên phạt ông Bình mức án chung thân về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt, ông Bình phải chấp hành án chung thân.

Liên quan đến vụ án, ông Phùng Ngọc Khánh bị tuyên 18 năm tù vì đã chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ khống vay DongABank hàng nghìn tỷ đồng, sau đó mất khả năng trả nợ. Hiện, dư nợ của nhóm này là 3.949 tỷ đồng.

Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt 2-8 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc ông Bình bồi thường cho DongABank 1.962 tỷ đồng thiệt hại từ hành vi lập chứng từ thu khống, 120 tỷ đồng (75 tỷ đồng và lãi) cho hành vi Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Trần Phương Bình lần thứ 2 lãnh án tù chung thân - 2

Tất cả các bị cáo bị bác kháng cáo.

Đối với khoản vay tại nhóm M&C, tòa buộc Phùng Ngọc Khánh bồi thường cho DongABank hơn 3.949 tỷ đồng; nhóm khách hàng Đồng Tiến phải hoàn trả cho ngân hàng gần 400 tỷ đồng (đối với 10 khoản vay tín chấp sai quy định); nhóm khách hàng Tân Vạn Hưng bị buộc hoàn trả 1.300 tỷ đồng đối với các khoản dư nợ.

Ông Trần Phương Bình, Trần Ngọc Khánh và 8 bị cáo khác sau đó có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.

Là nguyên đơn dân sự, DongABank cũng kháng cáo đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét số tiền buộc các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải bồi thường cho ngân hàng tính đến ngày đưa vụ án ra xét xử.

Tại tòa, phần lớn các bị cáo và người liên quan giữ nguyên kháng cáo. Riêng bị cáo Nguyễn Quang Thọ (43 tuổi) thay đổi kháng cáo từ xin giảm nhẹ sang kêu oan.

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Tăng Ngọc Linh (52 tuổi) và Nguyễn Văn Bảo (51 tuổi). Đối với những kháng cáo khác, đại diện cơ quan công tố đề nghị tòa bác kháng cáo.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận định, cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Trần Phương Bình và đồng phạm là đúng người, đúng tội, không oan sai. Các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng không đưa ra được các tình tiết mới nên không có căn cứ để xem xét.

Theo HĐXX, cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Linh mức án 5 năm tù, bị cáo Bảo mức án 3 năm tù là tương xứng với hành vi phạm tội nên không có căn cứ xem xét đề nghị của Viện kiểm sát.

Đối với kháng cáo của nguyên đơn dân sự (DongABank), tòa xác định cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ, toàn diện nên không có căn cứ xem xét, giải quyết. Đối với kháng cáo của những pháp nhân, cá nhân tòa cũng không chấp nhận.