1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Bác đơn vụ việt kiều Mỹ 10 năm kiện bệnh viện mắt ở Sài Gòn

(Dân trí) - Chiều 23/7, TAND TPHCM mở phiên xét xử sơ thẩm lần 2 vụ ông Huỳnh Hữu Thông (tên gọi khác là Huynh Tom Vu, quốc tịch Hoa Kỳ) kiện công ty TNHH Bệnh viện mắt Thái Thành Nam (trụ sở quận 1) đòi bồi thường thiệt hại.

Theo hồ sơ, năm 2009, do mắt bị mờ, ông Thông đến bệnh viện tư nhân Mắt Sài Gòn II -công ty TNHH Bệnh viện mắt Thái Thành Nam (gọi tắt Bệnh viện mắt Thái Thành Nam) khám. Bác sĩ xác định ông bị đục thuỷ tinh thể.

Ngày 5/6/2009, ông nhập viện và được 2 bác sĩ Thái Thành Nam và Trần Phạm Duy trực tiếp phẫu thuật theo phương pháp Phaco +IOL. Chi phí phẫu thuật hết 7,9 triệu đồng.

Ông xuất viện trong ngày, được hẹn một tuần sau tái khám. Sau đó, ông Thông nhận thấy có biểu hiện bất thường tại mắt phải nên đến Bệnh viện mắt TPHCM (quận 3) khám.

Tại đây, bệnh viện kết luận mắt phải bị loạn dưỡng giác mạc, loét giác mạc và nếu không điều trị kịp thời sẽ bị mù vĩnh viễn. Lo sợ cho sức khoẻ, ông Thông vội vã quay về Mỹ điều trị mắt với số tiền 46.700 USD.

Sau đó, ông trở lại Việt Nam yêu cầu bệnh viện mắt Thái Thành Nam bồi thường 85.000 USD (bao gồm chi phí khác). Trong quá trình giải quyết, ông Thông xác định lại chỉ yêu cầu bồi thường hơn 46.700 USD. Bệnh viện Mắt Thái Thành Nam không đồng ý vì sau khi phẫu thuật, ông Thông quay lại khám thị lực ông là 3m đếm được ngón tay. Bác sĩ có cho thuốc về điều trị,  hẹn tái khám theo dõi theo chỉ định nhưng ông không làm theo. 10 tháng sau, ông lại làm đơn yêu cầu bệnh viện bồi thường.

Năm 2014, TAND TPHCM đã bác yêu cầu đòi bồi thường của ông Thông vì cho rằng không có căn cứ nói bác sĩ có lỗi do nhiều lý do khác nhau. Không chấp nhận phán quyết của tòa sơ thẩm, ông Thông kháng cáo và được cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu. Tuy nhiên, 2 bản án này bị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hủy, giao toàn bộ hồ sơ vụ án cho TAND TPHCM để xử lại từ đầu.

Tại phiên tòa hôm nay, đại diện nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Tuy nhiên, phía bị đơn cho rằng số tiền nguyên đơn đưa ra là không phù hợp và không đồng ý bồi thường cho nguyên đơn.

Bị đơn cho rằng những biến chứng ông Thông gặp phải chỉ là những biến chứng bình thường. Nếu ông Thông điều trị theo phác đồ phía bệnh viện đưa ra thì sẽ khỏi nhưng ông Thông bỏ ngang nên lỗi thuộc về ông Thông và bệnh viện sẽ không chịu trách nhiệm.

Ngay lập tức, phía nguyên đơn cho rằng do quá trình tố tụng kéo dài nên ông Thông hết visa phải quay về Mỹ tiếp tục điều trị. Việc ông Thông về Mỹ có sự đồng ý của bác sỹ trực tiếp điều trị cho ông Thông.

Đại diện Viện KSND cho rằng, 27 hóa đơn chữa trị tại bệnh viện Mỹ mà đại diện ủy quyền của ông Thông cung cấp cho tòa trước đó không đảm bảo tính xác thực. Các hóa đơn đều được xin cấp vào ngày 1/12/2018, không phải hóa đơn sau mỗi lần khám và chữa trị. Phía nguyên đơn cũng không chứng minh được các chứng từ trên là hợp pháp. Do đó, Viện KSND đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận định: nguyên đơn không có đủ cơ sở chứng minh việc chữa trị của bệnh viện mắt Thái Thành Nam có sai sót. Sau khi khám, ông Thông được chẩn đoán mắc đục thuỷ tinh thể và việc bệnh viện mắt Thái Thành Nam  thực hiện phương pháp Phaco để điều trị cho ông là đúng. Từ đó, HĐXX quyết định bác toàn bộ đơn khởi kiện của nguyên đơn.

Tòa cho rằng, nguyên nhân thị lực không tăng do phù giác mạc có thể điều trị khỏi nhưng bệnh nhân đã không điều trị theo đúng phác đồ của bệnh viện mà trở về Mỹ để chữa trị. HĐXX nhận định, các hóa đơn nguyên đơn cung cấp đều có thời gian dịch vụ từ năm 2005 đến 2018, nội dung các hóa đơn lại không thể hiện điều trị mắt trái hay mắt phải.

Kết luận của Hội đồng khoa học và kết luận giám định pháp y của Phân viện Pháp y TPHCM được thực hiện sau khi ông Thông chữa trị tại bệnh viện Mỹ nên không đủ cơ sở chính xác để xác định các biến chứng của ông Thông do bệnh viện mắt Thái Thành Nam gây hay do bệnh viện tại Mỹ gây ra.

Sau khi tuyên án, phía nguyên đơn cho biết sẽ kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Xuân Duy