Bác đơn kiện Công ty Coca-Cola Việt Nam sản xuất sản phẩm có dị vật
Ngày 23/9, Tòa án Nhân dân quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã mở phiên tòa sơ thẩm xem xét đơn khởi kiện của khách hàng kiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nước giải khát Coca-Cola (viết tắt là Coca-Cola Việt Nam).
Sau một ngày làm việc, Hội đồng xét xử quyết định bác đơn khởi kiện của người tiêu dùng. Theo Hội đồng xét xử, vật chứng khởi kiện là chai nước ép mang nhãn hiệu Splash khác so với hơn 60 mẫu mà Coca-Cola đưa ra so sánh tại tòa.
Do vậy, Hội đồng xét xử nhận định, không có căn cứ xác định sản phẩm chai nước ép mang nhãn hiệu Splash là của Công ty Coca-Cola sản xuất và hoàn thiện.
Vụ việc bắt nguồn từ ngày 5/10/2011, chị Nguyễn Thị Bình Minh (sinh năm 1982, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mua một số chai nước cam ép thủy tinh mang nhãn hiệu Splash (sản xuất ngày 29/6/2011, hạn sử dụng ngày 29/12/2011, mã 2352 C3) do Chi nhánh Coca-Cola Việt Nam tại Hà Nội sản xuất. Chị Minh phát hiện trong số đó có một chai nước Splash chứa nhiều tạp chất và hai ống thủy tinh vỡ.
Để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chị Minh ủy quyền cho người đại diện làm việc với Coca-Cola Việt Nam nhưng không có kết quả. Vì vậy, chị Minh đã làm đơn khởi kiện. Mục đích khi khởi kiện Coca-Cola Việt Nam của chị không phải chỉ vì quyền lợi của cá nhân mà còn hướng tới lợi ích chung của người tiêu dùng Việt Nam.
Phía nguyên đơn - người tiêu dùng, yêu cầu tòa xem xét để tuyên bị đơn hoàn trả cho nguyên đơn khoản tiền tương đương với tiền mua một chai nước cam ép Slash vào thời điểm thanh toán. Chị Nguyễn Thị Bình Minh cũng yêu cầu Coca-Cola Việt Nam có văn bản giải thích rõ với người tiêu dùng về nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện tạp chất, ống thủy tinh trong sản phẩm nước cam ép Splash, đồng thời xin lỗi công khai trên báo năm số liên tiếp đối với cá nhân nguyên đơn nói riêng và người tiêu dùng Việt Nam nói chung về việc để sản phẩm khuyết tật lưu hành trên thị trường.
Trong vụ việc này, Tòa án Nhân dân quận Bắc Từ Liêm đã hai lần trưng cầu giám định Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an.
Theo Kết luận giám định số 1894/C54 (P3) ngày 29/8/2013 của Viện Khoa học hình sự, dấu vết dập ép ở nắp chai thủy tinh nhãn hiệu Splash Minutenid có đặc điểm khác với đặc điểm của dấu vết dập ép ở nắp của 63 chai (Coca-Cola gửi mẫu làm so sánh); không phát hiện dấu vết mở ra và đóng lại ở nắp.
Do kết quả này chưa cụ thể nên Tòa tiếp tục trưng cầu giám định khác về các nội dung chai thủy tinh có nhãn Splash Minutemaid có phải là sản phẩm của Coca-Cola Việt Nam sản xuất không; chỉ tiêu kiểm tra đóng chặt của nắp chai; chỉ tiêu hàm lượng đường trong sản phẩm, vị-mùi, ngoại quan của sản phẩm...
Sau khi giám định, Viện Khoa học hình sự đã có Kết luận giám định số 288/C54 (P4) ngày 5/1/2015, trong đó nêu rõ các màu in trên nhãn của chai thủy tinh được giám định đều cùng loại với các màu tương ứng in trên nhãn chai Minute Maid Splash do Coca-Cola Việt Nam tại Hà Nội cung cấp. Sơn màu đỏ trên nắp chai thủy tinh cùng loại sơn, nhưng khác màu với sơn màu vàng của nắp chai nhãn Minute Maid Splash do Coca-Cola cung cấp làm mẫu so sánh. Thành phần và các chỉ tiêu hóa lý của chai nước và mẫu do Coca-Cola Việt Nam cung cấp tương tự nhau, mẫu giám định chỉ có một chai nên không kiểm tra được độ kín của nắp chai.
Tại phiên tòa, giám định viên của Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an giải thích do Viện Khoa học hình sự không có máy đo độ kín nắp chai nên đã liên hệ với các đơn vị khác. Tuy nhiên, các đơn vị này cũng không có máy móc nên phải sử dụng thiết bị của Công ty Coca-Cola Việt Nam. Nếu dùng máy này, phải dùng vòi bơm khí; thao tác có thể khiến nắp bị bật ra, thành phần trong chai cam ép sẽ không chính xác nữa. Mẫu chỉ có duy nhất một chai nên không kiểm tra được độ hở-kín của nắp chai.
Về thành phần trong chai cam ép, giám định viên trình bày, khi phân tích các thành phần trong chai nước được gửi đến, cơ quan giám định dựa trên bảng công bố tiêu chuẩn của Coca-Cola Việt Nam để đối chiếu. Chai nước được giám định, thành phần chính là chất tạo màu, cam ép, chất bảo quản… đều nằm trong khung tiêu chuẩn cho phép của Coca-Cola. Giám định viên cũng cho rằng kết luận giám định chỉ có thể kết luận là tương đối, không thể kết luận là 100%.
Giải thích về sự khác biệt ở nắp chai, giám định viên này cho biết năm 2011, nắp chai của Coca-Cola có màu đỏ hồng, nắp chai gửi đến đối chiếu màu vàng. So sánh đặc điểm dấu vết, độ uốn lượn cong của các đường gờ là khác nhau…/.
Theo Kim Anh
www.vietnamplus.vn