Bà Trương Mỹ Lan tiếp tục hầu tòa, xét xử vắng mặt gần 36.000 bị hại
(Dân trí) - TAND TPHCM cho biết, việc xét xử vắng mặt gần 36.000 bị hại không gây ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bị hại.
Sáng 19/9, TAND TPHCM xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 33 đồng phạm về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Đây là phiên tòa xét xử giai đoạn 2 của vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cùng các tổ chức liên quan.
Khoảng 5h30, hơn chục chiếc xe chở 34 bị cáo đến TAND TPHCM. Lực lượng cảnh sát, an ninh có mặt từ sớm để đảm bảo trật tự phiên tòa.
An ninh phiên tòa được thắt chặt, chỉ những người được triệu tập hoặc cấp thẻ mới được vào bên trong. Phóng viên được TAND TPHCM cấp giấy, bút để ghi chép tại khu vực riêng.
8h35, chủ tọa phiên tòa bắt đầu công bố quyết định xét xử. Sau khi công bố xong quyết định trên, người phiên dịch truyền đạt lại cho những bị cáo có quốc tịch nước ngoài nghe, hiểu.
Theo báo cáo của thư ký, HĐXX triệu tập 505 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, tuy nhiên tại tòa nhiều người không có mặt.
Người đầu tiên bước lên bục khai báo, bà Trương Mỹ Lan khai to, rõ. Người phụ nữ này nói trong giai đoạn 1 của vụ án mình bị TAND TPHCM quy buộc phạm tội Tham ô tài sản, Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và bị phạt mức án tử hình.
Phiên tòa tiếp tục thẩm vấn lý lịch các bị cáo.
Gần 100 luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, người liên quan và bị hại. Trong đó, riêng bà Lan có 4 luật sư. 534 tổ chức, cá nhân được triệu tập với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Trong vụ án này có 35.824 người được xác định là bị hại, tuy nhiên tòa án sẽ tiến hành xét xử vắng mặt những người này.
Lãnh đạo TAND TPHCM cho biết, việc xét xử vắng mặt các bị hại, đương sự không gây ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ.
Phiên tòa có sự tham gia của gần 1.000 người gồm người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, luật sư, người phiên dịch, lực lượng hỗ trợ… nên TAND TPHCM đã dựng rạp, bố trí nhiều phòng nhằm phục vụ công tác xét xử.
Trong lần xét xử này, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc đã có hành vi vận chuyển trái phép hơn 4,5 tỷ USD (khoảng 106.730 tỷ đồng) qua biên giới trong 10 năm; rửa tiền hơn 445.000 tỷ đồng và lừa 35.824 bị hại qua hình thức phát hành trái phiếu khống, chiếm đoạt hơn 30.869 tỷ đồng.
Trương Huệ Vân (cháu bà Lan) bị cáo buộc giúp bà Lan chiếm đoạt 13.000 tỷ đồng của trái chủ; ông Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) bị cáo buộc đồng phạm với vợ "rửa" số tiền 33 tỷ đồng.
Ở giai đoạn 1 của vụ án, bà Trương Mỹ Lan bị xác định trong 10 năm thâu tóm SCB đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi. Tuy nhiên, đến thời điểm xét xử sơ thẩm, đã có một số khoản vay đã được tất toán, bị cáo Lan cũng nộp thêm một số tiền khắc phục hậu quả nên còn bồi thường hơn 673.800 tỷ đồng.
TAND TPHCM tuyên phạt bà Lan 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt, bà Lan phải chấp hành án tử hình.