Xét xử vắng mặt hơn 35.800 bị hại trong vụ án Trương Mỹ Lan

Xuân Duy

(Dân trí) - TAND TPHCM thông báo trong vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm, tòa án sẽ xét xử vắng mặt 35.824 bị hại là các nhà đầu tư mua trái phiếu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Ngày 6/9, TAND TPHCM có thông báo đối với 35.824 người bị hại trong vụ án Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn vạn Thịnh Phát) và 33 bị cáo ở giai đoạn 2.

Bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị xét xử về các tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Xét xử vắng mặt hơn 35.800 bị hại trong vụ án Trương Mỹ Lan - 1

Bị cáo Trương Mỹ Lan. (Ảnh: Hải Long).

Quyết định đưa vụ án ra xét xử và các phụ lục danh sách các bị hại, danh sách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án kèm theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, được Tòa án Nhân dân TPHCM đăng công khai trên trang thông tin điện tử.

Tòa án đề nghị 35.824 người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan theo dõi thông tin về ngày, giờ xét xử vụ án và cập nhật diễn biến vụ án trên trang thông tin điện tử của TAND TPHCM. 

Đồng thời, tòa án sẽ tiến hành xét xử vắng mặt bị hại, đương sự theo quy định tại Điều 62, Điều 65 và Điều 292 Bộ luật Tố tụng hình sự, đảm bảo quyền, lợi ích của các bị hại, đương sự theo đúng quy định của pháp luật.

Việc xét xử vắng mặt các bị hại, đương sự không gây ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bị hại, đương sự.

Đối với các cá nhân sở hữu trái phiếu, nhưng không thuộc 6 mã trái phiếu sau: QT2018.12.01, ADC 2018.09, ADC 2018.09.01, ADC 2019.01, SET.H2025, SNW-2018.10 do Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông, Công ty Cổ phần đầu tư Sunny World, Công ty Cổ phần đầu tư Quang Thuận và Công ty Cổ phần dịch vụ và thương mại TPHCM (Setra) phát hành thì không nằm trong phạm vi xét xử đối với vụ án này.

Theo cáo trạng, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được bà Trương Mỹ Lan thành lập từ năm 1992. Bà Lan nắm giữ 60% cổ phần và là Chủ tịch Hội đồng quản trị từ khi thành lập đến nay. Qua người thân, pháp nhân và cá nhân khác đứng tên hộ, bà Lan nắm giữ phần lớn cổ phần tại Ngân hàng SCB và Công ty Cổ phần chứng khoán Tân Việt (TVSI), qua đó thao túng, chỉ đạo, điều hành và chi phối mọi hoạt động của các pháp nhân này.

Từ năm 2018 đến năm 2020, bà Trương Mỹ Lan đã đề ra chủ trương và chỉ đạo các bị cáo Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB; Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng SCB; Nguyễn Phương Hồng, Phó tổng Giám đốc Ngân hàng SCB; Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI và Hồ Bửu Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, sử dụng bốn công ty: An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu khống.

Tổng khối lượng hơn 308 triệu trái phiếu đã huy động vốn của 35.824 nhà đầu tư, thu về số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng. Số tiền này được bà Lan sử dụng vào nhiều mục đích, không đúng mục đích phát hành, dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu.

Về hành vi rửa tiền, bà Lan và 8 đồng phạm bị cáo buộc chiếm đoạt hàng trăm nghìn tỷ đồng thông qua tham ô tài sản và phát hành trái phiếu. Đối với tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, cáo trạng nêu rõ, bà Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm đã vận chuyển trái phép hơn 4 tỷ USD.