1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Bà Hứa Thị Phấn qua đời, ai sẽ trả thay khoản bồi thường 11.000 tỷ đồng?

Xuân Duy

(Dân trí) - Theo luật sư, các hàng thừa kế của bà Phấn không được nhận di sản nên không có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại thay nếu sau khi thu hồi hết tài sản của bà này.

Sau thời gian bệnh nặng, bà Hứa Thị Phấn (tức đại gia Sáu Phấn) đã qua đời tại bệnh viện Tân Hưng, quận 7, chiều 13/2.

Bà Phấn là người bị tuyên phạt 30 năm tù cho nhiều bản án trong vụ sai phạm tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín (TrustBank). Ngoài ra, người phụ nữ này còn phải có trách nhiệm bồi thường gần 18.000 tỷ đồng do những sai phạm mình gây ra.

Nhiều người đặt câu hỏi, vậy khi bà Phấn chết, trách nhiệm hình sự và dân sự liên quan các vụ án sẽ phải xử lý ra sao?

Về hình sự, theo quy định của pháp luật, khi bà Phấn qua đời, cơ quan chức năng sẽ thực hiện các thủ tục tố tụng đình chỉ đối với người này.

Về trách nhiệm dân sự, trong số 18.000 tỷ đồng phải bồi thường, cơ quan thi hành án đến nay đã thu hồi được 7.000 tỷ đồng. Số còn lại, một luật sư thuộc Đoàn luật sư TPHCM cho biết, Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại có quy định rất rõ.

Theo đó, người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Quyền và nghĩa vụ thi hành án đã chuyển giao cho người được hưởng thừa kế. Cơ quan Thi hành án chỉ làm lại các thủ tục thi hành án để người hưởng thừa kế trở thành người được thi hành án hoặc người phải thi hành án để việc thi hành án được tiếp tục thực hiện.

Trường hợp của bà Hứa Thị Phấn chết, nếu bản án tuyên án có phần nghĩa vụ dân sự phải thi hành thì người hưởng thừa kế (theo di chúc hoặc theo pháp luật) có trách nhiệm thi hành án trong phạm vi di sản của bà Hứa Thị Phấn để lại. Như vậy, để thi hành án tiếp tục thì phải xác định ai là người hưởng di sản thừa kế của bà Hứa Thị Phấn, sau đó cơ quan thi hành án mới ra quyết định về việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án này để tiếp tục thực hiện thi hành án.

Trong khi đó, một luật sư từng bảo vệ cho bà Phấn trong cả 3 vụ án cho biết, trong quá trình điều tra nhà chức trách đã kê biên rất nhiều tài sản của bà này. Những tài sản kê biên nhằm đảm bảo cho quá trình thi hành án và hiện đã thu hồi được một phần.

Khi được hỏi hiện bà Phấn đã qua đời, nếu các tài sản kê biên không đủ để bồi thường 18.000 tỷ đồng thì các hàng thừa kế của người này có phải chịu trách nhiệm hay không?

Luật sư cho biết, hiện các con của bà Phấn đang sinh sống ở nước ngoài. Trước khi chết, bà Phấn không có di sản thừa kế để lại. Theo nguyên tắc, không có quyền lợi thì không có nghĩa vụ nên những hàng thừa kế của bà Phấn không có trách nhiệm bồi thường phần thiệt hại nếu có sau khi thu hồi hết tài sản của bà Phấn.

Bà Hứa Thị Phấn qua đời, ai sẽ trả thay khoản bồi thường 11.000 tỷ đồng? - 1

Bà Hứa Thị Phấn qua đời sau thời gian bệnh nặng (Ảnh: T.L).

Theo hồ sơ, năm 2007, bà Phấn đại diện Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Phú Mỹ cùng người thân mua 85% cổ phần của TrustBank, tương đương 2.500 tỷ đồng và giữ chức vụ cố vấn cấp cao HĐQT ngân hàng. Nhà băng này có tiền thân là Ngân hàng Nông thôn cổ phần Rạch Kiến huyện Cần Đước, Long An.

Tuy giữ chức vụ cố vấn nhưng bà Phấn sở hữu 85% cổ phần ngân hàng và là người đứng sau điều hành, làm lũng đoạn toàn bộ hoạt động của TrustBank. Hành vi sai phạm của bà Phấn đã gây thất thoát hàng tỷ đồng.

Trong tất cả giai đoạn của vụ án, bà Phấn bị cáo buộc chiếm đoạt tổng cộng 12.000 tỷ đồng của Trustbank.

Cuối tháng 5/2018, xét xử giai đoạn một, bà Phấn bị TAND TPHCM tuyên phạt 20 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Giai đoạn 2 của vụ án, bà Phấn tiếp tục bị  TAND TPHCM phạt 20 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, còn bị TAND TPHCM Hà Nội tuyên 17 năm tù. Tổng hợp hình phạt bà Phấn phải chấp hành 30 năm tù (mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn). Tổng số tiền bà Phấn bị buộc bồi thường là gần 18.000 tỷ đồng.

Ngoài lần đầu tiên xuất hiện tại tòa năm 2016 với tư cách người liên quan trong vụ án Phạm Công Danh, bà Phấn vắng mặt trong tất cả các phiên tòa sau đó vì lý do sức khỏe. Theo kết luận giám định tại thời gian đó, bà này bị mất 93% sức khỏe, đi lại khó khăn.