1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Án xâm hại tình dục trẻ em được hướng dẫn xét xử như thế nào?

(Dân trí) - Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em áp dụng hình phạt đặc biệt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm luân thường, đạo đức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng nghề nghiệp, công việc; xâm hại trẻ em dưới 13 tuổi.

Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao vừa công bố dự thảo lần 4 Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em để lấy ý kiến góp ý rộng rãi.

Theo dự thảo, xâm hại tình dục trẻ em là hoạt động tình dục xâm hại trẻ em hoặc dụ dỗ, tổ chức cho trẻ em tham gia hoạt động tình dục. Độ tuổi xác định trẻ em là dưới 16 tuổi. Hoạt động xâm hại tình dục trẻ em được thực hiện do đồng thuận với trẻ em dưới 13 tuổi; do cưỡng bức, do hứa hẹn các lợi ích vật chất (tiền, tài sản) hay các lợi ích phi vật chất (ví dụ: cho điểm cao, đánh giá tốt, tạo cơ hội tiến bộ…).

Án xâm hại tình dục trẻ em được hướng dẫn xét xử như thế nào? - 1

(Ảnh minh hoạ).

Dự thảo hướng dẫn chi tiết về một số tình tiết định tội. Trong đó, “giao cấu” là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào. Giao cấu với trẻ em dưới 10 tuổi được xác định là đã hoàn thành không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập.

“Hành vi quan hệ tình dục khác” là một trong các hành vi: a) Quan hệ tình dục của người cùng giới tính; b) quan hệ tình dục của người khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục tiếp xúc về thể chất với cơ thể trẻ em nhưng không có mục đích giao cấu; c, quan hệ tình dục của những người khác giới tính thuộc một trong các trường hợp: sử dụng bộ phận sinh dục xâm nhập vào bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể; sử dụng bộ phận khác trên cơ thể xâm nhập vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm; sử dụng dụng cụ tình dục, dụng cụ khác xâm nhập vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể.

“Dâm ô” là một trong các hành vi sau: a) Dùng bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác tiếp xúc về thể chất (trực tiếp hay gián tiếp qua áo quần) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của trẻ em (vuốt ve, sờ mó, bóp, cấu véo, hôn, liếm) có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục; b) Sử dụng dụng cụ tình dục, dụng cụ khác tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục.

“Trình diễn khiêu dâm” là hành vi dùng cử chỉ, hành động, lời nói, chữ viết, ký hiệu, hình ảnh, âm thanh nhằm kích thích tình dục; phô bày bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, khỏa thân, thoát y hoặc thực hiện các động tác mô phỏng hoạt động tình dục (bao gồm giao cấu, thủ dâm và các hành vi tình dục khác) dưới mọi hình thức…

Áp dụng hình phạt đặc biệt nghiêm khắc

Dự thảo nghị quyết nhấn mạnh áp dụng hình phạt đặc biệt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm luân thường, đạo đức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng nghề nghiệp, công việc; xâm hại trẻ em dưới 13 tuổi.

Áp dụng các hình phạt bổ sung cao nhất theo quy định của Bộ luật Hình sự và các đạo luật khác có liên quan. Trong trường hợp cần thiết có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề liên quan đến trẻ em; cấm xuất hiện tại nơi có đông trẻ em.

Thời hạn xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là trẻ em được thực hiện theo thủ tục rút gọn đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định. Đưa các vụ án khác ra xét xử trong thời hạn không quá ½ thời hạn pháp luật cho phép đối với các trường hợp tương ứng.

Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em, Tòa án phải thực hiện xét xử kín, tuyên án công khai theo đúng quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Khi tuyên án, Hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án;

Phân công Thẩm phán có kiến thức hoặc kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến trẻ em. Khi tham gia xét xử, Thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của Tòa án nhân dân, không mặc áo choàng;

Căn cứ vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, Tòa án cần hạn chế triệu tập bị hại là trẻ em đến phiên tòa nếu vẫn giải quyết được vụ án bằng việc áp dụng các biện pháp thay thế khác (ví dụ: sử dụng lời khai của họ ở giai đoạn điều tra, truy tố; mời họ đến Tòa án hoặc địa điểm hợp pháp khác để lấy lời khai trước bằng văn bản, bằng ghi âm, ghi hình có âm thanh…).

Trường hợp phải triệu tập bị hại là trẻ em đến phiên tòa, Tòa án cần tạo điều kiện để họ làm quen, tiếp xúc với môi trường Tòa án, với quy trình và thủ tục xét xử; bố trí cho họ ngồi ở phòng cách ly và sử dụng các thiết bị điện tử (ví dụ: micro, loa, ti vi, camera...) để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của họ khi họ khai báo, tham gia tố tụng tại phiên tòa.

Trường hợp không bố trí được phòng cách ly thì để họ ngồi ở phòng xử án nhưng phải có màn che ngăn cách với khu vực của bị cáo và khoảng cách giữa Hội đồng xét xử với người bị hại là trẻ em không quá 3m.

Dự thảo còn nhấn mạnh, khi xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em, Tòa án không được yêu cầu bị hại là trẻ em tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội; sử dụng câu hỏi có tính chất công kích, đe dọa, gây xấu hổ, xúc phạm; đối chất với người phạm tội tại phiên tòa; để bị cáo hỏi trực tiếp bị hại là trẻ em.

“Tòa án phải xem xét và đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp theo quy định khi bị hại, người thân thích của bị hại yêu cầu hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiến nghị bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của bị hại, người thân thích của họ”- dự thảo đề xuất.

Thế Kha