An ninh phiên xét xử bà Nguyễn Phương Hằng được siết chặt
(Dân trí) - Trước giờ diễn ra phiên tòa xét xử bà Nguyễn Phương Hằng, nhiều người dân hiếu kỳ đến. An ninh nơi đây được siết chặt, chỉ có người cấp thẻ mới được vào dự.
4h ngày 21/9, vài tiếng trước khi TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) cùng 4 đồng phạm về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, nhiều người dân từ các nơi đã tập trung về trước trụ sở tòa án để theo dõi vụ việc.
Khi biết lịch phiên tòa diễn ra hôm nay, 23h ngày 20/9, ông Đặng Phong Vũ (61 tuổi, ngụ huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) đi xe máy lên TPHCM để kịp theo dõi phiên tòa.
Người đàn ông này cho biết phải lên tận nơi để theo dõi phiên xét xử bà Nguyễn Phương Hằng vì không muốn theo dõi thông tin qua mạng xã hội. "Mạng xã hội đăng thông tin nhiều quá, tôi không biết đâu là đúng, sai nên phải đi trực tiếp", ông Vũ nói.
Trước khi đi ông được cháu ngoại chuẩn bị 2 bộ quần áo. Con rể ông cũng hướng dẫn cài bản đồ Google maps trên điện thoại để nắm được lộ trình đường đến TPHCM.
Tuy nhiên, ông đi một đoạn bản đồ bị lỗi không nắm được đường, bị lạc nhiều lần. "Tôi phải hỏi người dân hơn 20 lần mới đến được trụ sở TAND TPHCM. Tôi sẽ ở lại TPHCM 2 ngày để theo dõi phiên tòa", ông Vũ chia sẻ.
Không riêng ông Vũ, ông H. (63 tuổi) cũng tranh thủ dậy sớm và bắt xe đò từ thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) lúc 1h đến TAND TPHCM trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1) để theo dõi phiên tòa.
Ông cho biết muốn đến tận nơi để theo dõi phiên xét xử để nắm thông tin một cách chính xác nhất. "Chuyện đúng, sai do pháp luật giải quyết", người đàn ông nói.
Từ 1h, ông Đoàn Đức Nhật (48 tuổi, ngụ Long Thành, Đồng Nai) cũng đã dậy chuẩn bị đồ chạy xe lên theo dõi phiên tòa xét xử bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm.
Ông Nhật cho biết, đã theo dõi vụ án này từ lâu. Đến nay tòa xét xử nên bỏ hết công việc để đến theo dõi.
"Được biết phiên tòa dự kiến diễn ra 2 ngày nên tôi mang theo vài bộ quần áo ở nhà người thân", ông Nhật tâm sự.
Không chỉ người dân, nhiều YouTuber, TikToker cũng có mặt từ sớm để chuẩn bị livestream người đến dự phiên tòa.
Nam YouTuber N.T.H. (28 tuổi) chủ kênh Youtube có 200.000 người đăng ký cho biết trong tháng 9 này, phiên tòa xét xử bà Nguyễn Phương Hằng được xem là nổi nhất.
Anh H. hy vọng hôm nay sẽ quay được nhiều clip kiếm view (lượt xem) ăn theo sự kiện. "Tôi quay về chủ đề bà Nguyễn Phương Hằng đã lâu, từ lúc bà mới nổi trên mạng xã hội nói về ông Võ Hoàng Yên. Hầu như sự kiện nào liên quan đến bà Hằng, tôi đều làm clip cập nhật vụ việc. Tôi chỉ đưa tin về sự kiện còn chuyện đúng, sai cứ để tòa án phán xét", nam YouTuber nói.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, an ninh phiên tòa hôm nay được siết chặt. Hàng rào thép gai được lực lượng chức năng tăng cường chuyển tới để đảm bảo trật tự phiên tòa.
Theo quy định của tòa, chỉ những người được cấp thẻ mới được dự.
Liên quan vụ án, tòa án cũng triệu tập các ông, bà: Huỳnh Uy Dũng (chồng bà Nguyễn Phương Hằng), ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ), bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo), ông Nguyễn Đức Hiển (nhà báo), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ) cùng chồng là Lê Công Vinh (cựu cầu thủ bóng đá).
Ngoài ra, tòa còn triệu tập ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Đình Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, bà Trương Thị Việt Hà, Nguyễn Đình Kim đến tòa với tư cách là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan.
Theo hồ sơ vụ án, bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm đã lợi dụng, sử dụng 12 kênh mạng xã hội livestream xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự nhiều cá nhân như ông nghệ sĩ Hoài Linh, ca sĩ Vy Oanh, nhà báo Hàn Ni, ca sĩ Ðàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Thủy Tiên cùng chồng là Lê Công Vinh, ông Nguyễn Đức Hiển…
Quá trình điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng khai thông tin phát ngôn khi livestream và đăng tải trên Facebook về các cá nhân nêu trên do bà đọc trên mạng chưa được kiểm chứng và không có cơ sở chứng minh.
Bà Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm được áp dụng tình tiết giảm nhẹ do người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Ngoài ra, bà Hằng được một số cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội tặng nhiều giấy khen, bằng khen về hoạt động thiện nguyện, là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, bà và 4 đồng phạm có 2 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội thuộc trường hợp có tổ chức và phạm tội 2 lần trở lên.
VKSND TPHCM đã truy tố bà Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm ra trước TAND cùng cấp để xét xử về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Khoản 2, Điều 331 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định khung hình phạt với tội danh trên từ 2 năm tù đến 7 năm tù.