1. Dòng sự kiện:
  2. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2
  3. Xuyên Việt Oil

Ai ép Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Phú “tâm thần”?

Đang điều hành sản xuất kinh doanh của tập đoàn với mấy trăm cán bộ công nhân viên, bất thình lình anh Nguyễn Sơn Hải “được” bắt xuống Bệnh viện Tâm thần Trung ương I vào lúc nửa đêm.

Phía sau phác đồ điều trị hơn tháng trời của Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Phú là cả một câu chuyện khó tin và đau lòng…

Ai ép Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Phú “tâm thần”?


Ai ép Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Phú “tâm thần”? Hàng loạt tin nhắn trao đổi về bệnh tật giữa bác sĩ Tuấn và anh Hải (số điện thoại này trùng khớp với số của Phó Giám đốc Viện Sức khỏe tâm thần mà chúng tôi được cung cấp)

Nghi án bị bắt cóc để cưỡng ép “chữa bệnh”?

Trong bản tường trình gửi cho chúng tôi, anh Nguyễn Sơn Hải cho biết: Ngày 31/1/2015, anh Hải có việc đi cùng sư bác tên là Kiên (chùa Bằng). Về đến cửa nhà, anh bị 5, 6 người bắt cóc lên xe ô tô 7 chỗ. Anh Hải nhận ra 1 người trong số họ chính là người ngày hôm trước đã gặp ở cổng chùa Vân Hồ. Đám người đó đưa anh Hải xuống Trại Tâm thần Thường Tín. Đến đoạn đường Giải Phóng, anh Hải có hỏi tại sao không có đọc lệnh bắt mà lại bắt nhưng không nhận được câu trả lời. Sau đó toàn bộ tiền, 2 máy Ipad 3, 2 điện thoại Iphone 6 và 2 điện thoại Iphone 4 của anh Hải “được” thu giữ.

Khi xuống tới Trại Tâm thần Thường Tín, anh Hải được đưa lên tầng 2, “được” cưỡng chế tiêm rồi trói chặt chân tay cổ vào giường. Cả đêm hôm đó anh Hải ngủ trong tình trạng bị trói chặt. Đến tầm 9h sáng hôm sau anh được cởi trói để đi ăn cơm. Đến 5h chiều, anh Hải được gọi dậy đi ăn nhưng do quá mệt và không muốn ăn, anh được gọi đi theo về phía phòng trực. Một lần nữa, anh được trói lại dùng ống xông luồn qua mũi vào tận dạ dày và dùng xi lanh cho ăn bằng xông, sau đó được tiêm vào đùi 1 mũi. Hôm sau, dù rất mệt nhưng anh Hải phải cố đi ăn vì sợ bị dùng các biện pháp cưỡng chế. Trong thời gian liên tục 5 ngày, anh Hải được tiêm sáng 1 mũi, chiều 1 mũi.

 “Sau khoảng 15 ngày điều trị, người tôi nặng trĩu, mũi bị chảy máu ngày 5 đến 6 lần. Sau năm ngày tiêm, họ bắt đầu cho tôi uống thuốc ngày 2 lần vào 10h sáng và 7h tối”, anh Hải chua xót.

Để không bị cưỡng chế ăn, ngủ, anh Hải đã chọn cách phối hợp với bác sĩ, không phản đối, giẫy giụa và tìm cách để được về.

Điều đau lòng hơn là, trong quá trình “phối hợp điều trị” ấy, anh Hải nghe được thông tin mình là bệnh nhân được Phó Giám đốc Viện Sức khỏe tâm thần gửi xuống điều trị.

Xâu chuỗi lại nhiều hiện tượng trong sinh họat gia đình từ năm 2013, anh Hải giật mình kinh hoàng. Bởi lẽ, anh đã được uống thuốc do bác sĩ Tuấn kê cho dưới hình thức trộn vào thức ăn, sinh tố hàng ngày trong thời gian dài. Đây là nguyên nhân khiến anh bồn chồn, bứt rứt, choáng váng…

Mãi đến đầu tháng 2, anh Hải mới gọi điện thoại được cho Lương Văn Cường là nhân viên công ty, thuật lại việc bị bắt đưa xuống trại tâm thần, đang bị tiêm thuốc lú. Anh Hải đã nhắn Cường là nhắn với mọi người để cứu mình ra. Tuy nhiên, “phải đến ngày 4/3, sát ngày rằm tháng giêng, tôi phải viết đơn xin về ăn rằm với cam kết trở lại viện, nếu không sẽ bị công an bắt vì vi phạm pháp luật, bác sĩ Lê Thị Thanh Thu mới cho về ăn rằm”, anh Hải cho biết.

Kết quả khám bình thường

Tìm theo những bất thường trong lá đơn của tập thể cán bộ nhân viên Tập đoàn Thiên Phú và tường trình của anh Hải, chúng tôi đã tìm đến BV Tâm thần Trung ương I.

Làm việc với chúng tôi, bà Lê Thị Thanh Thu, Trưởng khoa Điều trị 4, BV Tâm thần Trung ương I cho biết: Bệnh nhân Hải đã tự ý bỏ viện ra về dù bà Thu không đồng ý, quá trình điều trị chưa kết thúc, không ai biết khi hưng phấn hay trầm cảm anh ta có thể gây ra nguy hiểm gì cho bản thân và xã hội.

Lấy cho chúng tôi xem tờ đơn xin về ăn rằm của anh Hải, bà Thu khẳng định, bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc hỗn hợp. Biểu hiện rõ nhất của bệnh là, nếu ở tuổi ấy, anh Hải phải mặc comple, thắt cà vạt đi làm chứ không thể là mặc nâu sồng, suốt ngày thuyết giảng về Phật pháp.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về mức độ mắc bệnh của anh Hải đã phải điều trị nội trú hay chưa, bà Thu cho biết, cứ có bệnh nhân thì bà điều trị, việc đó là của phòng khám!

Bệnh án sao lưu của bệnh nhân Nguyễn Sơn Hải ở phần khám bệnh ngày vào viện 31/1/2015 thể hiện: Bệnh nhân đến viện lúc 22h. Mạch 80, huyết áp 130/80. Cơ quan tuần hoàn T1, T2 đều rõ, không phát hiện tiếng ran bệnh lý. Các cơ quan hô hấp, tiêu hóa… nội tiết, dinh dưỡng và các bệnh lý khác chưa phát hiện dấu hiệu bệnh lý. Dây thần kinh sọ não chưa phát hiện tổn thương thần kinh khu trú, vận động tứ chi, trương lực cơ, cảm giác bình thường, phản xạ đáp ứng đều 2 bên. Ý thức định hướng lực xác định đúng. Tri giác chưa khai thác được các rối loạn. Tư duy chưa khai thác được hoang tưởng. Bệnh nhân được chẩn đoán là tâm thần phân liệt, tiên lượng dè dặt. Hướng điều trị an thần kinh và vitamin.

Về quá trình bệnh lý và diễn biến lâm sàng, tại bệnh án, bác sĩ Lê Thị Thanh Thu khẳng định: “Bệnh nhân bị rối loạn tâm thần từ năm 2013, đã điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần. Lần này bệnh phát với biểu hiện đêm ít ngủ, nói nhiều, đi đền chùa cúng lễ suốt ngày tụng kinh. Tóm tắt kết quả xét nghiệm cận lâm sàng có giá trị chẩn đoán không có gì đặc biệt. Phương pháp điều trị hóa dược”.

Tìm theo khẳng định của bà Thu về việc anh Hải đang là bệnh nhân, tự ý bỏ viện, chúng tôi khá ngạc nhiên khi toàn bộ kết quả khám của anh sau khi trốn được Bệnh viện Tâm thần Trung ương I ra về đều… hoàn toàn bình thường. Kết quả điện não đồ tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ngày 5/3 kết luận anh Hải “không thấy hình ảnh sóng điện não bệnh lý”. Kết quả khám ngày 9/4 khẳng định: “Hoạt động tâm thần không rối loạn, tiếp xúc tốt, không có hoang tưởng ảo giác, cảm xúc ổn định, hành vi tác phong ổn định”. Tương tự, kết quả khám tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc với nghiệm pháp BECK (thang đánh giá trầm cảm), test đánh giá lo âu (SAS)-Zung đều cho kết quả bình thường.

Chúng tôi cũng gõ cửa Bệnh viện Sức khỏe tâm thần để tìm hiểu về tiền sử bệnh của anh Hải theo khẳng định của bác sĩ Thu. Kiểm tra nhanh chúng tôi được biết, bệnh nhân Nguyễn Sơn Hải chưa từng điều trị tại đây. PGS.TS Nguyễn Kim Việt, Viện trưởng cho biết: Cũng có tình trạng bệnh nhân là người quen của bác sĩ, lãnh đạo viện và khám điều trị ngoại trú nên trên hệ thống lưu trữ của viện không theo dõi được.

PGS.TS Việt đã điện thoại cho ông Nguyễn Minh Tuấn để chính thức làm việc với chúng tôi xung quanh nội dung tố cáo ông Tuấn. Tuy nhiên, ông Tuấn không nghe máy và đến hết ngày không liên hệ lại với lãnh đạo trực tiếp của mình.

Chúng tôi cũng chính thức đặt lịch làm việc với lãnh đạo Viện Sức khỏe tâm thần về đơn tố cáo này nhưng đến nay chưa nhận được thông tin hợp tác.

Đâu là sự thật trong nghi án cưỡng chế điều trị tâm thần của Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Phú? Động cơ của vụ việc là gì? Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.

Theo Đan Quế - Ngô Khuyên

Báo Thanh tra