5 Bộ cùng kết luận việc thông quan ụ nổi 83M không sai

(Dân trí) - Đại diện Bộ Tài Chính khẳng định, cơ quan giám định liên ngành (5 Bộ) đã thống nhất nhận định ụ nổi không phải là tàu biển. Theo đó, hải quan Vân Phong không có sai phạm gì trong việc giám định nên không thể quy trách nhiệm cho họ.

12h11’, tòa tuyên bố dừng buổi làm việc. 14h chiều nay, HĐXX tiếp tục việc xét hỏi.
 
11h53’, Chủ tọa phiên tòa hỏi thêm bị cáo Mai Văn Khang. Khang khẳng định có mặt thực tế kiểm tra tại ụ nổi và tại đó có gặp ông Goh. Tuy nhiên, chỉ 1 ngày sau ông này đã nhập cảnh vào Việt Nam.
Khang cũng cung cấp thông tin, Mai Văn Phúc trước khi có đoàn khảo sát đi đã đồng ý ký hợp đồng với một cơ quan giám định độc lập (Marilex) nhưng vẫn mời thêm đăng kiểm viên Lê Văn Dương đi cùng. Tuy nhiên, việc này không sai quy định.
 
11h46’, Đại diện Cục Đăng kiểm khẳng định lại, tại Việt Nam có những ụ nổi đã 60-70 tuổi vẫn hoạt động bình thường và đủ điều kiện hoạt động thì cơ quan quản lý vẫn phân cấp. Ông này dẫn chứng, ụ nổi của nhà máy đóng tàu Ba Son hiện nay thậm chí còn gần 100 tuổi.
 
Chủ tọa phiên tòa đặt vấn đề: “Đăng kiểm viên Lê Văn Dương khi đi giám định kỹ thuật ụ nổi 83M theo yêu cầu của Vinalines đã ghi nội dung kiểm tra thực tế thiết bị này vào biên bản. Trường hợp kiểm tra ụ có 3 máy phát điện mà 2 máy không họat động được, một máy đang đưa lên bờ sửa chữa… mà vẫn kết luận nói các thiết bị vận hành bình thường thì có đúng trách nhiệm không?”.

Đại diện Cục Đăng kiểm lý giải kiểu “đi vòng”, nếu đưa về sửa chữa có thể vẫn hoạt động được. Gạt đi quan điểm này, chủ tọa phiên tòa cho rằng đại diện Cục Đăng kiểm không đi thẳng vào vấn đề được hỏi.
 
11h13’, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa công bố 2 văn bản của Bộ GTVT với nội dung khẳng định ụ nổi không phải là tàu biển mà là một thiết bị sửa chữa tàu di động, nên không bị giới hạn bởi quy định tuổi nhập khẩu (không quá 15 tuổi).

Thẩm phán nhận định, kết luận giám định của liên Bộ cũng đã nêu rõ vấn đề này.
 
10h58’, Chuyển sang nhóm bị cáo là cán bộ hải quan, luật sư Vũ Thị Kim Ngọc “gợi ý” bị cáo thân chủ Huỳnh Hữu Đức về nhận định của cơ quan giám định liên ngành là hải quan không sai để đề nghị bị cáo trình bày về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bị cáo.

Được lời, bị cáo Huỳnh Hữu Đức than ngay về việc buộc trách nhiệm bồi thường đến 9 tỷ đồng tòa sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo và các đồng nghiệp.
 
10h45’, Luật sư Phúc đề nghị được hỏi thêm đại diện Bộ GTVT, Bộ Tài Chính. Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho rằng không biết văn bản trả lời của Bộ gửi cho bị cáo Lê Văn Dương.
Còn đại diện Bộ Tài Chính nhắc lại nội dung đã khẳng định cuối giờ chiều qua, cơ quan giám định liên ngành (5 Bộ) đã thống nhất nhận định ụ nổi không phải là tàu biển. Theo đó, hải quan Vân Phong không có sai phạm gì trong việc giám định nên không thể quy trách nhiệm gì các cán bộ đơn vị này.
 
10h39’, Luật sư Trần Thị Hồng Phúc đề cập đến văn bản trả lời của Bộ GTVT đối với đơn kêu oan của đăng kiểm viên Lê Văn Dương. Phân xử nội dung hỏi về việc ụ nổi có phải là tàu biển không, cơ quan chuyên môn này đã khẳng định ụ nổi không phải tàu biển. Theo Dương, đây là văn bản thứ 3 cùng về nội dung này Bộ GTVT đã đưa ra (văn bản được Bộ này gửi đến trại giam T16 Bộ Công an).
 
Theo Dương, hệ thống quy phạm tàu biển bao gồm cả container, chuông lặn ở biển, hệ thống điều khiển thiết bị tự động và từ xa… Nhưng rõ ràng, những thiết bị này không phải là tàu biển. Vậy thì sao lại quy kết ụ nổi cũng là tàu biển.
 
10h20’, Bị cáo Lê Văn Dương (đăng kiểm viên tham gia chuyến khảo sát ụ nổi 83M tại Nga) được hỏi lại về việc lập báo cáo kết luận khảo sát.
Luật sư Đào Hữu Đăng đề cập đến mẫu hướng dẫn khảo sát B10, Dương thanh minh có những nội dung chưa thực hiện đúng hướng dẫn này vì thời gian tiếp cận ụ nổi có hạn, do phía đối tác bố trí nên đoàn khảo sát khá bị động. Ông Đăng “gợi ý”, như vậy, việc làm chưa chuẩn mẫu B10 này không phải do bị cáo cố ý.
 
Dương thanh minh thêm, báo cáo B10 này đã được bị cáo báo cáo Cục Đăng kiểm trước khi hoàn thành, gửi cho Vinalines. Vì vậy, theo Dương, nếu sai thì sai khâu đầu ở lãnh đạo cơ quan chủ quản.
 
Dương cũng thừa nhận, với thời gian làm việc chỉ nửa buổi, bị cáo chỉ thực hiện giám định theo xác suất, không xem xét được toàn diện ụ nổi.

Đối với thiệt hại gây ra trong vụ án, bị cáo cho rằng bản thân đã nêu trung thực về tình hình ụ nổi như việc máy phát điện không hoạt động, ụ nổi han gỉ nhiều, nhiều phần không còn giá trị sử dụng, đã bị dừng phân cấp. Như vậy, theo cảm quan, ụ nổi này không đủ điều kiện nhập khẩu.

Nhưng khi Vinalines quyết định mua ụ nổi thì nghĩa là không cần báo cáo giám định này. Vì vậy, thiệt hại xảy ra, Dương để nghị miễn cho bị cáo phần trách nhiệm bồi thường này. Nếu không được, Dương đặt vấn đề, xin tòa cân nhắc lại tỷ lệ vì giá mua ụ nổi ban đầu như Dương biết chỉ là 2,3 triệu USD. Còn các khoản khác phát sinh là từ tiền vận chuyển, lai dắt, neo đậu, sửa chữa. Bị cáo cho rằng bản thân không phải chịu trách nhiệm đối với nội dung này.
 
9h51’, Luật sư Lê Minh Công đi sâu phân tích việc một cơ quan giám định độc lập đưa ra đánh giá về ụ nổi không khác so với kết luận của đoàn khảo sát do Vinalines cử đi Nga. Từ đó, ông Công cho rằng, việc quy kết hành vi của các bị cáo căn cứ trên kết luận này là không hợp lý.
 
9h41’, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp vặn bị cáo Trần Hải Sơn về việc nói lý do, nguồn gốc khoản tiền khi chuyển cho Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc. Sơn đáp: “Mặc nhiên các anh ấy biết là tiền gì”.
 
Ông Thiệp cho rằng, khi đưa tiền đã không nói tiền do đâu có thì việc ở cơ quan điều tra lúc nào cũng nhắc lại điệp khúc đưa tiền hoa hồng từ ụ nổi 83M là có chủ ý, không bình thường.
 
Ông Thiệp truy tiếp Sơn, yêu cầu tả lại nhà của Phúc tại quê An Dương, Hải Phòng như thế nào. Sơn cáu: “Khổ quá. Cứ hỏi tôi chi tiết xong vặn. Tôi không nhớ những cái đó nhưng nếu giờ HĐXX cho xe chở, tôi sẽ đưa về đúng căn nhà đó”.
 
9h32’, luật sư Ngô Ngọc Thủy hỏi lại thân chủ Dương Chí Dũng. Dũng khẳng định lại chỉ gặp ông Goh tại hội thảo về ụ nổi tại TCty một lần, chỉ bắt tay, chào xã giao.
Dương Chí Dũng tung hứng với luật sư bảo vệ của mình.
Dương Chí Dũng "tung hứng" với luật sư bảo vệ của mình.
 
9h29’, Luật sư Thắng chuyển sang thẩm vấn cựu Tổng GĐ Mai Văn Phúc. Phúc trình bày lại việc bản thân ý thức không lý gì đối tác cho không 1,666 triệu USD mà phải liên quan đến ụ nổi 83M nên bị cáo khai chắc việc này phải do Dũng hoặc Phúc quyết.

Liên hệ với việc Trần Hải Sơn tham ô hơn 3 tỷ tại nhà máy sửa chữa tàu biển, ông Phúc lý giải TCty không biết, lãnh đạo Vinalines không biết vì đó là công ty riêng do Sơn làm chủ, không phải thành viên của TCTy.
 
9h20’, Luật sư Thắng đề nghị được hỏi bà Trần Hải Hà (em gái Trần Hải Sơn). Bà Hà nói việc ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với AP là do Sơn nhờ, tin tưởng anh trai, bà Hà không nghi ngờ gì.
 
Luật sư băn khoăn, sau hợp đồng kinh doanh này, công ty Phú Hà hạch toán thuế với gần 30 tỷ đồng chuyển về thế nào? Bà Hà từ chối trả lời vì cho rằng đây là hoạt động kinh doanh riêng của doanh nghiệp.
Ông Thắng hỏi tiếp việc bà Hà mua nhà, đất trong quá trình này. Bà Hà phản ứng cho rằng đây là việc cá nhân, gia đình, luật sư không có quyền hỏi.
 
9h3’, Luật sư Trần Đại Thắng thẩm vấn bị cáo Trần Hữu Chiều. Chiều cho biết, tháng 1, 2/2007 công ty AP đã chào bán ụ Doc220. Chiều biết công ty này và GĐ Goh Hoon Seow từ khi đó.
 
Luật sư Thắng hỏi thêm Sơn, Sơn lý giải, các hợp đồng đều là hợp đồng khống, việc thanh toán, chuyển trả qua lại giữa công ty AP và Phú Hà đều là không có thật, chỉ có lần AP chuyển 1,666 triệu USD về Việt Nam. Dòng tiền đi phải có lý do nên bị cáo phải đưa vào một lý do không có thật. Hợp đồng hợp tác kinh doanh Sơn làm trên danh nghĩa công ty Phú Hà với AP là theo chỉ đạo của ông Goh.
 
“Nhưng làm hợp đồng hợp tác kinh doanh thì phải có chứng nhận đầu tư mới làm được?” – luật sư Thắng hỏi. Sơn trả lời không biết, chỉ làm theo hướng dẫn.
 
8h58’, Trần Hải Sơn xác nhận có tham gia đoàn khảo sát ụ nổi Doc220 trước khi đi Nga khảo sát 83M. Tại cuộc đó, Sơn khai có gặp ông Goh.
 
Luật sư Triển xoay bị cáo Trần Hải Sơn tại tòa.

Luật sư Triển "xoay" bị cáo Trần Hải Sơn tại tòa.
 
8h47’, Luật sư Triển đề cập bút lục ghi lời khai của Sơn về việc thỏa thuận với ông Goh Hoon Seow để chuyển khoản tiền 1,666 triệu USD về Việt Nam qua công ty Phú Hà. Thời điểm thỏa thuận diễn ra trước khi Vianlines ký hợp đồng mua ụ nổi. Khi đó, ông Goh gặp Sơn tại khách sạn Hoa Hồng, gần TCTy Hàng hải.
 
Chủ tọa phiên tòa “thổi còi” luật sư là việc đọc trích bút lục không đúng, trong 1 bút lục thì cũng câu trước nói, câu sau lại “ỉm” đi, nối giữa câu nọ với câu kia theo hướng có chủ đích.
 
8h35’, Luật sư Trần Đình Triển vặn hỏi Trần Hải Sơn về thời điểm gọi điện liên lạc với Dương Chí Dũng để đến đưa 5 tỷ đồng tại khách sạn Victory. Sơn biện giải, chính xác ngày hôm đó có liên lạc với cựu Chủ tịch Vinalines nhưng không nhớ rõ là 16h chiều hay tối hẳn.
 
Luật sư chỉ ra mâu thuẫn trong lời khai của Sơn khi bị cáo nói gặp Dũng, Dũng chỉ đạo “anh Phúc 10 tỷ, anh 10 tỷ, còn lại cho em chia anh em”, gặp Phúc tại phòng, Sơn lại kể Phúc ra lệnh “anh Dũng 10 tỷ, Phúc 10 tỷ, anh Chiều 500 triệu đồng, còn lại cho em chia anh em”. Sơn đáp, có thể có những bản khai không đọc lại hết, có thể ghi sai, có bản nhiều ngày sau mới ký.
 
8h30’, Luật sư Được nhắc lại việc Sơn khai 1 lần đưa tiền cho Phúc, Sơn rút tiền (2 tỷ đồng) tại Ngân hàng Hàng hải nhưng xác minh lại không có việc rút tiền này. Sơn chỉ đáp lại “giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra”. 
 
“Một vài lời khai có thể nhầm lẫn nhưng sự thật thì vẫn là sự thật” – Sơn nói cứng.
 
Luật sư vẫn truy chuyện tết năm 2008, Sơn có mang tiền đến cho Phúc tại quê An Dương, Hải Phòng. Ông Được muốn biết cụ thể ngày đưa tiền, Sơn nói không nhớ chính xác ngày tháng, chỉ nhớ khoảng thời gian.
 
8h18’, Dẫn lại lời khai của Phúc về nhận định thủ tục thanh tóan ụ nổi 83M hoàn toàn hợp pháp, bị cáo vẫn bày tỏ băn khoăn không hiểu vì sao cơ quan điều tra nói việc này thiếu chứng từ mà 2 lần hỏi ý kiến ngân hàng, đơn vị này vẫn khẳng định đã đủ, đúng nên ngân hàng mới giải ngân.
 
Luật sư Được trích bút lục hỏi cung Sơn nói khi đi khảo sát ụ nổi 220 về đoàn đã báo cáo Dũng, Phúc nhưng 2 “sếp” không nói gì. Đầu 2007 Dũng, Phúc tiếp tục chỉ đạo cán bộ đi khảo sát ụ nổi 83M với lời dặn làm sao mua được ụ này và mua thông qua công ty AP chứ không phải qua chủ ụ.
 
Về mối quan hệ của Sơn với Dũng, Phúc, luật sư Được đọc lại một lời khai: “Tôi phải làm việc với từng sếp Dũng, Phúc vì biết 2 người này không ưa nhau, mâu thuẫn lớn, thậm chí kéo bè kết phái ở TCTy làm tổn hại đến công việc chung”. Sơn xác nhận lời khai này.
 
Bị cáo Trần Hải Sơn trong ngày xét xử thứ 2

Bị cáo Trần Hải Sơn trong ngày xét xử thứ 2
 
Luật sư vặn lại: “Với quan hệ như thế thì liệu 2 ông Dũng, Phúc có cùng bàn bạc, thảo luận để cùng thống nhất một kế hoạch tham nhũng, tiêu cực?”. Sơn trả lời, việc đánh giá là tùy từng người.
 
8h12’, Ông Được đặt câu hỏi “Kể từ khi nhậm chức đến khi ký tờ trình về việc mua ụ chỉ 2 tháng?”. Xác nhận chi tiết này, Phúc lý giải, tất cả vấn đề liên quan đến dự án đều được cấp dưới chuẩn bị, Phó Tổng GĐ Trần Hữu Chiều trình lên.
 
Việc cử đoàn khảo sát ụ nổi 83M đi Nga, Phúc một lần nữa “thề” là không có chỉ đạo gì với đoàn. Phúc cũng không nhận lợi ích vật chất gì từ Sơn liên quan đến việc mua ụ. 
Lật lại lời khai của Sơn về việc đã 3 lần giao tiền cho Phúc, bị cáo phủ nhận ngay. Phúc cho rằng lời khai này đáng ngờ vì thay đổi lời khai liên tục, mỗi lần khác nhau. Lần đầu khai 2 lần mang tiền đến nhà Phúc ở làng Quốc tế Thăng Long, 1 lần ở nhà khu Thụy Khuê nhưng lần sau lại đổi lại là 1 lần mang về quê vì sau đó Sơn biết ngôi nhà ở Thụy Khuê Phúc và gia đình không ở, đã cho thuê từ lâu.
 
Lần Sơn khai mang tiền về quê An Hồng, An Dương, Hải Phòng cho Phúc, bị cáo cũng không xác nhận. Theo Phúc, Sơn khai khi đó con trai Phúc lái xe đưa vợ chồng Phúc về quê nhưng thực tế khi đó con trai Phúc đang du học ở Anh, không thể có mặt ở Việt Nam.
 
8h5’, Các luật sư bắt đầu nội dung xét hỏi bị cáo. Luật sư Hoàng Huy Được đề nghị hỏi Mai Văn Phúc (thân chủ của ông Được).

Phúc thuật lại việc bàn giao công việc khi nhậm chức Tổng GĐ Vinalines theo phương thức “trọn gói”, chỉ cùng Dương Chí Dũng “ký một chữ là xong, chưa đến 1 phút”.
 
Dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam được triển khai trước khi Phúc nhậm chức 14 tháng. Phúc cho rằng, việc làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đã xảy ra từ thời điểm đó. 
 
Đề cập về chuyện trách nhiệm với cương vị Tổng GĐ TCty, Phúc cho rằng trong thời gian tại nhiệm, bản thân đã cống hiến lớn (2 năm thu về 4000 tỷ đồng) nhưng “ở trong tù bị cáo cũng suy nghĩ rất nhiều về việc xảy ra tại Vinalines”.
 
Luật sư Được hỏi lại việc Phúc khai, ở Vinalines chỉ có Phúc hoặc Dũng có quyền quyết định việc mua ụ nổi nhưng bị cáo biện giải thêm, đó là thực hiện Nghị quyết, chủ trương của HĐQT.
 
7h55',
Cựu Chủ tịch Vinalines đã có mặt đầu tiên trong số các bị cáo tại phòng xử án trong ngày thứ 2

7h55', Ngày thứ 2 phiên xử phúc thẩm Dương Chí Dũng và các đồng phạm, cựu Chủ tịch Vinalines được đưa đến phòng xử án từ rất sớm. Trong khi các bị cáo khác vẫn ở trong phòng cách ly, một mình Dương Chí Dũng đã ngồi trước vành móng ngựa. Vẫn sơ mi trắng “đóng thùng”, giày tây, bị cáo tay vẫn mang còng. Gần 1 giờ sau, các bị cáo khác mới được đưa vào phòng xử. 
 
Dân trí tiếp tục cập nhật thông tin