Vụ cưỡng chế đầm tôm tại Hải Phòng:
4 cựu quan chức huyện Tiên Lãng nhận tội, xin giảm án
(Dân trí) - Sáng nay 01/8, TANDTC đã mở phiên toà xét xử vụ án liên quan tới 5 cựu quan chức huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang làm sai trong quá trình cưỡng chế đầm tôm gia đình ông Đoàn Văn Vươn. 4 bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội và xin giảm án
Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm là ông Ngô Hồng Phúc- Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa là Kiểm sát viên Lê Hồng Tuấn.
4 bị cáo bị truy tố về tội “hủy hoại tài sản” gồm: Nguyễn Văn Khanh (cựu Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo cưỡng chế huyện Tiên Lãng), Phạm Xuân Hoa (cựu Trưởng phòng tài nguyên môi trường huyện, Phó Trưởng ban chỉ đạo cưỡng chế huyện Tiên Lãng), Lê Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND xã Vinh Quang, thành viên Ban chỉ đạo cưỡng chế) và Phạm Đăng Hoan (cựu Bí thư Đảng uỷ xã Vinh Quang).
Riêng bị cáo Lê Văn Hiền (cựu Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng) bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, mặc dù không có đơn kháng cáo sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc nhưng trong phiên tòa phúc thẩm, HĐXX vẫn triệu tập tới tòa để làm rõ một số tình tiết trong vụ án và các hành vi phạm tội liên quan tới các bị cáo khác.
Phía bị hại là các ông bà Đoàn Văn Vươn, Nguyễn Thị Thương, Đoàn Văn Quý và Phạm Thị Báu (tức Hiền) đều có mặt ở phiên tòa. 10 người làm chứng được triệu tập tới phiên tòa nhưng vắng 3 người.
Phiên tòa phúc thẩm cũng tiến hành triệu tập những người trong hội đồng định giá tài sản bị thiệt hại gồm 3 người nhưng chỉ có 1 người tới dự là ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng giá công sản, Sở Tài chính Hải Phòng.
Có 5 luật sư tham gia phiên tòa phúc thẩm và đều bảo vệ quyền lợi cho phía bị hại là gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Trong khi đó, các bị cáo đều không mời luật sư bào chữa.
Chủ tọa phiên tòa - Thẩm phán Ngô Hồng Phúc trong phần tóm diễn biến của vụ án nêu rõ: Ngày 24/11/2011, UBND huyện Tiên Lãng ban hành Quyết định số 307/QĐ-UBND áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi 19,3ha đất giao nuôi trồng thuỷ sản đã hết thời hạn sử dụng đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn (xã Vinh Quang).
Cùng với đó, UBND huyện có Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 24/11/2011 về việc tổ chức cưỡng chế để thi hành quyết định hành chính thu hồi đất đối với gia đình Đoàn Văn Vươn.
Trong Kế hoạch 104 nêu rõ nội dung cưỡng chế bàn giao toàn bộ diện tích đất và công trình gắn liền với đất đã thu hồi cho UBND xã Vinh Quang quản lý. Tuy nhiên lúc đó, ông Nguyễn Văn Khanh được giao nhiệm vụ là Trưởng ban chỉ đạo cưỡng chế thu hồi đất đã trực tiếp chỉnh sửa, ký ban hành Thông báo số 225 ngày 28/12/2011 phân công nhiệm vụ cho các tổ công tác để tháo dỡ tài sản ở khu vực có quyết định cưỡng chế.
Tại hiện trường buổi cưỡng chế ngày 05/1/2012, ông Nguyễn Văn Khanh là người trực tiếp chỉ đạo cho Phạm Xuân Hoa, Lê Thanh Liêm, Phạm Đăng Hoan để đôn đốc những người được trưng dụng thuộc Tổ 2 trực tiếp tháo dỡ lều trông đầm, phá nhà của gia đình ông Vươn, ông Quý.
Việc tháo dỡ, phá nhà, hủy hoại tài sản trên khu đất bị cưỡng chế được thực hiện trong hai ngày 5 và 6/1/2012, gây thiệt hại về giá trị tài sản trị giá 295.389.842 đồng.
Đối với bị cáo Lê Văn Hiền với trách nhiệm là người đứng đầu cơ quan hành chính ở địa phương, đã không thực hiện đúng chức trách, không có biện pháp đôn đốc, kiểm tra, giám sát trong quá trình chuẩn bị cưỡng chế và tổ chức thực hiện cưỡng chế nên đã không phát hiện, ngăn chặn kịp thời gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước những hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo trên, vào ngày 10/4/2013, phiên tòa sơ thẩm vụ án “hủy hoại tài sản” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đã đưa 5 bị cáo trên ra xét xử.
Trong số này chỉ có bị cáo Nguyễn Văn Khanh bị phạt 30 tháng tù giam, còn lại các bị cáo khác đều chỉ bị án treo. Đồng thời, HĐXX còn yêu cầu 4 bị cáo Khanh, Hoa, Liêm và Hoan phải bồi thường thiệt hại hơn 295 triệu đồng cho gia đình ông Vươn, ông Quý về giá trị các tài sản đã bị hủy hoại.
Trước bản án trên sau phiên tòa sơ thẩm, phía bị hại đã có đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm đề nghị hủy bản án sơ thẩm. Đề nghị truy tố tất cả những người đã tham gia phá dỡ nhà và hủy hoại tài sản.
Đáng chú ý, ông Vươn và những người thân trong gia đình như bà Thương, Báu còn có đơn đề nghị giảm nhẹ hình phạt, thậm chí là khoan hồng cho ông Khanh. Cùng với đó, các bị cáo Khanh, Hoa, Liêm, Hoan cũng có đơn kháng cáo đề nghị giảm án.
Trong phần xét hỏi tại phiên tòa phúc thẩm, cả 5 bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình, trong đó có 4 bị cáo là Khanh, Hoa, Liêm và Hoan xin tòa cho giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Khanh cho rằng, bản án sơ thẩm 30 tù giam là quá nặng nên xin được tòa phúc thẩm cho hưởng án treo vì có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: Trong quá trình thực hiện cưỡng chế, bị cáo không có động cơ xấu, không có thù hằn gì với gia đình ông Vươn. Bị cáo Hoa xin giảm nhẹ hình phạt vì khi phạm tội chỉ là một cán bộ công chức có vai trò thực thi nhiệm vụ cấp trên giao.
Cả 2 bị cáo Liêm và Hoan thẳng thắn đề nghị HĐXX giảm mức hình phạt từ tù treo xuống cảnh cáo trước tòa vì khi thực hiện cưỡng chế chỉ là một cán bộ công chức, đảng viên nên phải phục tùng nhiệm vụ cấp trên giao.
Tiếp đó tòa chuyển sang phần xét hỏi đối với những người bị hại, làm chứng.
Dự kiến trong ngày mai (2/8), HĐXX sẽ tuyên án sau khi tiến hành luận tội và tranh luận với các luật sư bào chữa tại toà.
Quốc Đô