1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

2 “quý cô” sập bẫy hacker vì tin vào quà… ảo từ trời Tây

(Dân trí) - Nhóm tội phạm công nghệ cao (hacker) dựng lên “kịch bản” tán tỉnh làm quen các cô gái Việt trên mạng xin làm “bạn trai” rồi... tặng quà làm các cô gái nhẹ dạ tưởng thật chi tiền cho dịch vụ để rồi tiền mất, quà đâu chẳng thấy đâu đành ôm “quả đắng”.

Các hacker tại toà.
Các "hacker" tại toà.
 
Theo hồ sơ, vào khoảng đầu năm 2013 các đối tượng người Nigeria đã cấu kết với nhau và cùng một thiếu nữ Việt Nam là Lê Thị Kim Quyên (Mai, SN 1980, trú ấp 1, xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) sống với Mamado Abdallar Mark (39 tuổi, quốc tịch Nigeria) như vợ chồng tại 61/414C Phan Huy Ích, P 12, Q Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh đứng ra thành lập doanh nghiệp và làm Giám đốc Công ty TNHH TM&DV Lê Quyên (gọi tắt là công ty Lê Quyên), mở 2 tài khoản gồm: tài khoản VND và tài khoản USD tại ngân hàng Shinhanbank Việt Nam. Sau đó, Quyên cùng với Mark và một số người có quốc tịch Nigeria bàn bạc dùng mạng Internet để lấy cắp thông tin giao dịch của các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài và thông tin của công dân Việt Nam nhằm chiếm đoạt tài sản. Để triển khai thực hiện hành vi, Quyên và Mark cung cấp 2 số tài khoản nêu trên cho Nnadikwe Christian Sunday (SN 1981, trú Nigeria hiện ở số 201 lô 6 Chung cư B Trường đua Phú Thọ, P 15, Q 11, TP Hồ Chí Minh) để Sunday cung cấp cho Deke Collins (SN 1978, trú Nigeria hiện ở 22/6 đường 21, P 12, Q Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), sau đó Collins lại cung cấp cho Chief Brother có quốc tịch Nigeria, đang sinh sống tại Malaysia có số điện thoại 60163835399 và 60103323539 để thực hiện các phi vụ lừa đảo.

Bằng những thủ thuật công nghệ thông tin, Brother xâm nhập hộp thư điện tử của các công ty ở Việt Nam và tìm thấy thông tin giao dịch kinh doanh ngoại thương giữa doanh nghiệp này với một Công ty ở nước ngoài. Sau khi ngăn chặn giao dịch giữa công ty ở Việt Nam với công ty ở nước ngoài, Brother mạo danh là công ty ở Việt Nam để gửi email đề nghị phía nước ngoài chuyển trả tiền theo hợp đồng mua bán vào tài khoản của Chi nhánh Công ty Lê Quyên tại ShinhanBank Việt Nam. Tưởng thật, phía đối tác nước ngoài chuyển tiền theo chỉ định bằng email giả tạo của Brother.

Với thủ đoạn làm email mạo danh gây sự nhầm lẫn trong giao dịch chuyển tiền giữa 2 công ty. Rồi sau đó, Quyên cùng với Mark đến ngân hàng Shinhanbank Việt Nam rút toàn bộ số tiền rồi chia nhau như đã thỏa thuận. Theo đó, bọn chúng đã lừa đảo chiếm đoạt của Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu thủy sản Khánh Hòa số tiền 2.548.260.000 đồng và chiếm đoạt của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Huỳnh Vũ với số tiền 593.955.180 đồng.

Song, điều đáng nói ở vụ án này là có 2 “quý cô” sụp bãy nhóm tội phạm công nghệ cao này một cách thật mù quáng đến khó tin, dù món tiền họ bỏ ra để nhận những món quà “ảo” mà nhóm này lừa đảo không lớn nhưng cho thấy rõ một sự mất cảnh giác cao độ ở họ. Đó là vào khoảng tháng 4/2013 chị Dương Thị Ngọc Bích là dược sỹ làm việc tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn (trú 54B Lê Đại Hành, phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn) đã lên mạng và làm quen qua Facebook với một người có tên là William Coulter (quốc tịch Anh, do nhóm đối tượng lừa đảo này mạo danh). Sau đó Coulter báo cho chị Bích là anh ta có gửi cho chị món quà có giá trị lớn (1 nhẫn vàng trị giá 8.000 USD, 1 lọ nước hoa 25.000 bảng Anh) trong tháng 7/2013. Tiêp đó, Quyên lấy tên giả, tự xưng là người của công ty dịch vụ chuyển quà yêu cầu chị Bích chuyển hơn 85 triệu đồng để nộp thuế, nộp phạt và “lo lót” hải quan sân bay mới được nhận quà.

Ngày 15/8/2013 chị nạn nhân vào TP Hồ Chí Minh theo sự chỉ dẫn của Quyên. Tại đây, Quyên cho Bích số điện thoại của một người đàn ông nước ngoài, người đàn ông này đã nhắn tin yêu cầu chị Bích đến 1 khách sạn ở quận Tân Bình.

Tại khách sạn, người đàn ông da đen giới thiệu mình tên là Johny người đại diện của Coulter tiếp tục lừa đảo chị Bích bằng thủ đoạn rửa các tờ giấy có phủ bột màu trắng thành tờ 100USSD và yêu cầu chị Bích đưa 4.700USSD để mua hóa chất rửa tiền nhưng chị Bích không đồng ý. Biết mình đã sập bẫy lừa nên chị Bích đã trình báo với cơ quan điều tra yêu cầu điều tra làm.

Tương tự, vào đầu tháng 6/2013 chị Trương Thị Hồng Vân (trú 84/18 Hùng Vương, Nha Trang) đã lên mạng làm quen với một người tên là Austin Feric (quốc tịch Anh, cũng do nhóm này mạo danh). Đến tháng 8/2013, Austin báo cho chị Vân biết là anh ta có gửi món quà có giá trị lớn (gồm 1 laptop HP, 1 điện thoại Apple, 1 đồng hồ đeo tay và 1 bó hoa ép khô) cho chị Vân theo đường phi mậu dịch và dặn sẽ có người liên hệ theo địa chỉ và số điện thoại của chị Vân. Một tuần sau, Quyên xưng tên là Hoàng Thị Ngọc Lan nhiều lần điện thoại liên lạc yêu cầu chị Vân gửi tiền vào tài khoản của công ty ừa Lê Quyên. Và chị này cũng bị lừa hơn 60 triệu đồng.

Mới đây, TAND tỉnh Khánh Hòa đã mở phiên tòa đưa Sunday, Collins và Quyên ra xét xử (riêng Mark đã bỏ trốn hiện đang bị truy nã). Tại phiên tòa Quyên cho rằng cáo trạng truy tố mình không đúng, bị cáo không quan hệ như vợ chồng với Mark mà chỉ liên hệ buôn bán quần áo, giày dép.

Khi thẩm vấn người bị hại, tòa yêu cầu chị Vân khai trước toà (riêng chị Bích có đơn xin xử vắng mặt và yêu cầu tòa buộc các bị cáo phải bồi thường lại toàn bộ số tiền cho mình), chị này cho biết mình bị lừa vì quá tin người, chị bảo Mai (Quyên – NV) nói trong kiện hàng ngoài linh kiện điện tử còn có cái khác quý hơn nữa cứ nhận đi “Tôi hỏi Mai kiện hàng giờ đang ở đâu, cái quý đó là gì thì Mai bảo đóng lệ phí xong mới xác nhận” chị này nói. Tòa hỏi “Tòa hỏi tại sao hàng ở Hà Nội, lại chuyển tiền vào Sài Gòn?” thì Vân bảo không biết tại sao, và đã chuyển 2 lần tiền vào số tài khoản do Hoàng Thị Ngọc Lan cho, sau khi chuyển tiền vào buổi chiều thì tối đó tôi có nghi ngờ mình đã bị lừa. Nghe chị này trình bầy, vị đại diện viện kiểm sát nói “Cán bộ làm việc Nhà nước mà cứ “chát chít” trên mạng, trời “Tây” mà tin tưởng, tôi không biết chị nghĩ thế nào, giá trị món quà và giá trị niềm tin của chị ra sao, tự nhiên có người tử tế, tốt như vậy sao, sai lầm.

Người yêu gặp mặt, cưới xin rồi cho quà thì không nói, đằng này quan hệ trên mạng mới 6 tháng mà tin được tôi không hiểu chị như thế nào, chính vì lòng tham mà chị bị mất tiền vì những món quà... ảo, không có món quà nào không có tình cảm qua lại mà bỗng dưng từ trên trời rơi xuống hết”. Nghe xong, chị này im lặng ngẫm nghĩ một hồi rồi cho rằng do chị rất tin tưởng vì ngày nào người “ấy” cũng nói chuyện qua mạng và điện thoại liên tục cho chị.

Cuối cùng sau khi nghị án, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt Lê Thị Kim Quyên 15 năm tù. Hai bị cáo người Nigeria là Nnadikwe Christian Sunday và Deke Collins mỗi người 12 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về trách nhiệm dân sự, Tòa buộc bị cáo Quyên phải bồi thường cho Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu thủy sản Khánh Hòa (Khaspexco) hơn 509 triệu đồng, cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Huỳnh Vũ gần 119 triệu đồng, cho chị Dương Thị Ngọc Bích gần 85 triệu đồng và chị Trương Thị Hồng Vân 76 triệu đồng. Bi cáo Sunday phải bồi thường cho Khaspexco hơn 27 triệu đồng (đã trừ khoản khắc phục trước đó) và cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Huỳnh Vũ hơn 451 triệu đồng. Bị cáo Collins phải bồi thường cho Khaspexco hơn 1,56 tỷ đồng (đã trừ khoản khắc phục trước đó).

Riêng Mark - người tình của Quyên hiện đã bỏ trốn, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định truy nã từ khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Trịnh Anh