Xử lý xe máy sau ngập nước thế nào để an toàn, tiết kiệm?
(Dân trí) - Tùy vào mức độ mà xe máy sẽ cần lau bugi, thay dầu, kiểm tra lại hệ thống điện hay thậm chí phải súc rửa động cơ sau khi đi vào vùng ngập nước.
Cơn mưa lớn tại TP HCM từ chiều tối 6/8 đã khiến hàng loạt xe bị chết máy. Thậm chí, một số khu vực "rốn ngập" như đường Nguyễn Hữu Cảnh, nước cao ngang yên xe, khiến ngay cả việc dắt bộ cũng trở thành "cực hình".
Theo anh Trần Đức Thái, một thợ sửa xe giàu kinh nghiệm, tùy từng trường hợp mà người dùng có cách xử lý phù hợp sau khi xe ngập nước, vừa để đảm bảo an toàn, vừa tiết kiệm chi phí.
Đối với khu vực ngập thấp, xe bị "sặc" rồi chết máy trong khi di chuyển thì có thể dắt xe đến khu vực cao ráo, sau đó tháo bugi và lau khô. Do nước và ẩm vào nên bugi không thể đánh tia lửa điện để khởi động động cơ.
Ngoài ra cũng cần đẩy nước ra khỏi ống xả, bằng cách đặt dốc đầu xe hoặc nghiêng cho nước chảy ra. Sau khi thực hiện hai bước này, người dùng khởi động lại là xe có thể vận hành được bình thường.
Nếu bị ngập sâu hơn, thợ sửa xe này khuyến cáo không nên ép khởi động để tránh trường hợp hỏng máy hoặc gây đoản mạch do các bộ phận điện đã bị chìm trong nước. Người dùng nên dắt xe đến các điểm sửa chữa để được xử lý đúng cách.
Lúc này, xe máy sẽ được thay nhớt do trước đó dầu bôi trơn đã bị pha lẫn cùng với nước nên giảm tác dụng. Thao tác này có thể khác một chút so với thay dầu thông thường, do cần dùng vòi thổi áp lực để đẩy ra hoàn toàn, trước khi đổ dầu mới.
Trong khi đó, bugi hay lọc gió có thể phải thay thế chứ không đơn thuần chỉ là làm khô. Việc thay lọc gió được xem là bắt buộc với xe tay ga sau khi bị ngập nước nặng, bởi bộ phận này thường đặt ngay trên mặt máy (phía dưới chắn bùn).
Hệ thống điện cũng là chi tiết cần đặc biệt lưu ý, nhất là khi xe máy hiện nay hầu hết đều sử dụng hệ thống phun xăng điện tử. Tiến hành sục rửa kim phun, làm khô các đường dây điện, kiểm tra mâm lửa, mô-tơ củ đề, ắc-quy.
Theo anh Thái, chi phí cho việc sửa chữa, khắc phục những chiếc xe máy bị ngập nước tùy thuộc vào tình trạng cũng như điều kiện tại mỗi nơi. Thông thường việc lau khô các bộ phận mà không cần thay thế sẽ lấy công 50-100 nghìn đồng với xe số và đắt hơn một chút đối với xe tay ga do việc tháo lắp rườm rà hơn.
Với các xe phải thay thế, chi phí chủ yếu rơi vào tiền mua linh kiện như bugi tầm dưới 100 nghìn đồng với xe phổ thông, lọc gió khoảng 100 nghìn đồng, thay nhớt và làm sạch… Tiền sửa chữa cho một chiếc xe máy ngập nặng, ngâm nước lâu có thể trên một triệu đồng.