Hôm 4/9, thị trưởng Marco Bucci cho biết luật đã sẵn sàng và đang đợi hội đồng thành phố phê chuẩn.
Chính quyền địa phương ban đầu đã cố thực thi luật cấm tương tự vào năm 2016, dẫn tới làn sóng phản đối trên khắp thành phố đã khai sinh thương hiệu Vespa cách đây 70 năm.
Những người yêu thích xe Vespa đã phản đối lệnh cấm này, ban đầu phát động chiến dịch trên Twitter với hashtag #lamiavespanonsitocca (có nghĩa là “Đừng động vào Vespa của tôi”), sau đó mở một chiến dịch phản đối trên toàn thành phố. Hội đồng thành phố khi đó cuối cùng đã phải nhượng bộ.
Tuy nhiên, thị trưởng mới, ông Marco Bucci đã khơi lại ý tưởng này khi cố gắng hiện đại hoá thành phố.
Ông nhấn mạnh rằng lệnh cấm này sẽ ưu tiên việc chuyển đổi sang xe chạy điện. Chính quyền sẽ có chính sách hỗ trợ tài chính cho việc này.
“Để tôi nói cho rõ, nhiều thành phố khác của nước Ý, trong đó có thủ đô, đã ban hành lệnh cấm sử dụng các loại xe hai bánh gây ô nhiễm, nhưng chỉ có ở Genoa là phải vất vả như vậy,” thị trường thành phố nói.
“Ở đây, lượng xe Piaggio cổ lưu thông rất lớn, và thực tế là chẳng có xe scooter hai thì cũ nào ngoài những chiếc Vespas.
“Không ai nói rằng không nên có xe hai bánh, mà là chỉ nên có xe 4 thì,” ông nói thêm.
Những chiếc Vespa động cơ hai thì trên đường phố Italia. (Ảnh: AFP)
Chính Vespa, ngoài việc có các động cơ phun xăng 4 thì, cũng có cả xe chạy điện.
Một động cơ hai thì trước đây, đốt cháy hỗn hợp xăng và dầu, được cho là gây ô nhiễm bằng 30-50 động cơ 4 thì.
Trong khi xe Vespa cổ là một thiết kế mang tính biểu tượng ở khắp nơi, thì ở Genoa, loại xe này có ở khắp nơi. Xe tay ga nói chung đóng vai trò quan trọng với người dân thành phố này, bởi hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển rộng khắp, tuyến tàu điện ngầm duy nhất của thành phố chỉ có 8 ga.
Ba câu lạc bộ Vespa của thành phố, cùng với các hiệp hội xe máy địa phương, hồi năm 2016 đã phản bác rằng các mẫu xe cũ chỉ có khoảng 3.000 chiếc và chỉ góp một phần rất nhỏ vào tình trạng ô nhiễm của thành phố, đặc biệt là khi so sánh với khí thải phát ra từ các con tàu tấp nập ra vào cảng Porto Antico của thành phố mỗi ngày.
Tuy nhiên, thị trưởng mới không đầu hàng trước lý lẽ này; ông cho rằng thành phố cần phải có một bước nhảy vọt.
“Chúng tôi muốn trở thành một trong những thành phố tốt nhất ở châu Âu trong vấn đề bảo vệ môi trường,” ông chia sẻ.
Năm nay, thành phố Amsterdam của Hà Lan đã cấm các xe sản xuất trước năm 2011 lưu hành trong khu vực trung tâm, còn thành phố Paris của Pháp năm 2016 đã cấm xe máy và xe tay ga sản xuất trước năm 2000 lưu thông ở khu vực trung tâm thành phố vào cuối tuần.
Nhật Minh
Theo The Local