Xe phòng chống dịch "chết đứng" vì thuế TTĐB
Bộ Tài chính yêu cầu cơ quan Hải quan truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt cả với xe cứu thương, gây ra tình trạng nhiều xe nhập về không được thông quan trong khi ngành Y tế rất cần xe phục vụ công tác phòng chống dịch.
Bộ Y tế vừa có công văn hoả tốc gửi Bộ Tài chính về việc xử lý số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của lô hàng 52 xe cứu thương phòng chống dịch. Bộ Y tế cho biết, Bộ đã thực hiện kế hoạch đấu thầu mua 52 xe ô tô cứu thương với tổng giá trị hợp đồng trên 26 tỷ đồng và thời gian giao hàng là 118 ngày kể từ ngày ký hợp đồng ( 24/11/2008). Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ ô tô Ngọc Khánh là đơn vị trúng thầu lô hàng này và trong giá bỏ thầu không có thuế TTĐB bởi cho rằng xe cứu thương là xe chuyên dùng không thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Sau đó doanh nghiệp này đã đặt mua 52 xe cứu thương qua Công ty cổ phần ôtô Hyundai Việt Nam theo đúng hợp đồng đã ký với Bộ Y tế . Đến ngày 14/11/2008, toàn bộ lô hàng 52 xe đã cập cảng Việt Nam và được tiến hành làm thủ tục nhập khẩu. Nhưng cho đến tận bây giờm số xe trên chưa được thông quan vì vướng mắc về thuế TTĐB. Công ty Hyundai cho biết khi mở tờ khai nhập khẩu thì Hải quan yêu cầu họ phải nộp thuế TTĐB cho lô hàng này là 30%. Ngay từ thời điểm đó, Bộ Y tế đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đề nghị xem xét việc tính thuế cho lô hàng này. Đến ngày 21/4/2009, Bộ Tài chính có công văn gửi Hải quan các tỉnh và thành phố nêu rõ xe chuyên dùng dưới 24 chỗ ngồi (cụ thể các mặt hàng ô tô như xe cứu thương, xe chở phạm nhân, xe tang lễ) mở tờ khai hải quan nhập khẩu từ ngày 1/4/2009 mới là đối tượng không chịu thuế TTĐB (theo quy định của Luật thuế TTĐB mới có hiệu lực từ ngày 1/4/2009). Xe cứu thương nhập khẩu trước 1/4/2009 đang bị truy thu thuế TTĐB Bộ Tài chính cũng cho biết, Luật thuế TTĐB và thuế giá trị gia tăng áp dụng từ năm 2005 quy định xe ô tô dưới 24 chỗ ngồi thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB, chưa có quy định mặt hàng xe ô tô VAN và các loại xe chuyên dùng khác như xe cứu thương, xe tang lễ dưới 24 chỗ ngồi không thuộc đối tượng không chịu thuế TTĐB. Vì vậy các xe cứu thương nhập khẩu trước 1/4/2009 nằm trong diện phải chịu thuế TTĐB. Dựa trên căn cứ này, cơ quan Hải quan đã yêu cầu Công ty Hyundai phải nộp 30% thuế TTĐB với lô hàng 52 xe cứu thương nói trên vì lý do mở tờ khai nhập khẩu trước ngày 1/4/2009. Thời gian qua một số doanh nghiệp khác nhập khẩu xe cứu thương về cung cấp cho các cơ sở y tế trong nước cũng chịu chung tình cảnh này. Công ty TNHH Đầu tư Công nghệ và Thương mại Việt Nam cũng cho biết, năm 2006 họ có nhập khẩu một xe cứu thương cung cấp cho Sở Y tế Tuyên Quang và 2008 cung cấp 24 xe cho Ban quản lý dự án Y tế nông thôn ( Bộ Ytế), khi thông quan chỉ phải nộp thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng, nhưng đến nay Hải quan lại đang đề nghị truy thu thuế TTĐB với 2 lô xe trên. Trong khi xe đã giao hết cho khách hàng và trong giá thành không hạch toán thuế TTĐB. Tổng Cục Hải quan cho biết vào cuối năm 2008 Bộ Tài chính đã giao cho cơ quan này dự thảo công văn hướng dẫn thu thuế TTĐB với xe cứu thương. Ngay khi đó Tổng Cục Hải quan đã có ý kiến cho rằng: "mặt hàng xe cứu thương chỉ phục vụ cho mục đích nhân đạo, nếu áp dụng thuế TTĐB là chưa hợp lý, không phù hợp với mục tiêu của Luật thuế TTĐB vì mục tiêu của luật thuế TTĐB với ô tô là để hướng dẫn tiêu dùng, điều tiết thu nhập. Từ thực tế trên Tổng cục Hải quan cho rằng không nên áp dụng thuế TTĐB với xe cứu thương nhập khẩu". Và trên thực tế từ cuối năm 2008 trở về trước Hải quan đã không thu thuế TTĐB với xe cứu thương khi làm thủ tục nhập khẩu. Tuy nhiên, đến nay họ vẫn phải làm công việc truy thu thế với các xe cứu thương nhập khập mở tờ khai trước ngày 1/4/2009, bởi đó là chỉ đạo của Bộ Tài chính. Theo con số thống kê, có khoảng 700 xe cứu thương nhập khẩu sẽ phải truy thu thuế TTĐB với số tiền lên tới 80 tỷ đồng. Điều quan trọng là các xe này đã nhập về làm thủ tục thông quan và chỉ phải nộp thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng. Số xe này đã giao hết cho khách hàng chủ yếu là các cơ quan y tế và không hạch toán thuế TTĐB vào giá thành. Như vậy cũng giống như trường hợp xe tải VAN, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu xe cứu thương từ năm 2003 đến nay đang đứng trước tình cảnh phải nộp một khoản tiền thuế lớn mà họ không biết lấy đâu ra bởi không hạch toán vào giá bán. Theo Trần Thuỷ Vietnamnet