Xe máy vẫn là phương tiện chính tại đô thị Việt Nam
(Dân trí) - Theo số liệu khảo sát do GlobalWebIndex thực hiện, giao thông đô thị tại Việt Nam có sự góp mặt chủ yếu của xe gắn máy (xe máy, môtô) và ôtô cá nhân. Trong số đó 50% thường xuyên di chuyển bằng phương tiện xe gắn máy và 54% cho biết di chuyển bằng ôtô cá nhân với tần suất sử dụng nhiều hơn 1 lần/tuần.
Dưới đây là kết quả đầy đủ về các loại phương tiện thường xuyên được sử dụng:
- Xe gắn máy: 50%
- Xe ôtô cá nhân: 54% (sử dụng hơn 1 lần/tuần)
- Taxi: 30%
- Xe buýt: 27%
- Các ứng dụng gọi xe: 17%
- Chương trình chia sẻ phương tiện (Dùng chung xe): 13%
- Xe ôm: 12%
- Tàu hoả: 4%
Xe gắn máy (xe máy, môtô) đứng đầu trong danh sách các phương tiện được sử dụng thường xuyên bởi người Việt, với 38% người tham gia trả lời cho biết họ sử dụng xe gắn máy nhiều hơn so với năm trước đó.
Ôtô cá nhân là phương thức tiếp theo có xu hướng sử dụng tăng lên, với tỉ lệ 36% người được hỏi chia sẻ rằng họ dùng xe ô tô cá nhân thường xuyên hơn, tiếp đến là taxi (với 24%) và các ứng dụng gọi xe (23%).
Cũng theo kết quả khảo sát, việc di chuyển bằng “xe ôm” đang có dấu hiệu sụt giảm đáng kể tại Việt Nam, với 39% những người được hỏi nói rằng họ đang sử dụng hình thức di chuyển này ít hơn so với năm trước. 33% cho biết họ sử dụng xe buýt ít hơn, và 19% sử dụng các dịch vụ chia sẻ phương tiện ít hơn so với năm trước.
Đặc biệt, kết quả khảo sát này còn đề cập đến một thông số khá lí thú là mô hình “di chuyển đa phương thức” được đưa ra, với hơn 50% số người tham gia cho biết rằng họ sử dụng nhiều hơn một phương thức di chuyển hàng ngày, hoặc với tần suất nhiều hơn 2 lần mỗi tuần và chỉ có 5% nói rằng họ không bao giờ sử dụng nhiều hơn một phương tiện đi lại.
Cuộc khảo sát này được công bố trong một dự án phát triển của Ford châu Á Thái Bình Dương để đưa định hướng cho sự thay đổi về phương thức sử dụng phương tiện đi lại trong khu vực trong thời đại công nghệ kết nối thông qua điện thoại thông minh đang ngày càng phát triển. đang đem lại những cách thức mới, dễ dàng hơn trong việc lên kế hoạch cho những chuyến đi, bao gồm sử dụng phương tiện công cộng hay cá nhân - hoặc thậm chí kết hợp giữa cả hai phương thức.
Khảo sát này được thực hiện tại một số nước trong khu vực, bao gồm 12.619 người tại Úc (1.053 người), Trung Quốc (1.058 người), Hồng Kong (1.047 người), Ấn Độ (1.050 người), Indonexia (1.052 người), Malaysia (1.050 người), New Zealand (1.050 người), Philippine (1.052 người) và Việt Nam (1.051 người). Khảo sát được thực hiện từ tháng 12/2015 đến tháng 1/2016.
Như Phúc