Xe chạy điện Tesla phát nổ, bùng cháy dữ dội sau va chạm

(Dân trí) - Sự việc xảy ra hồi cuối tuần qua ở Moscow (Nga), khiến một người bị thương và chiếc xe trở thành đống sắt vụn.

Xe chạy điện Tesla phát nổ, bùng cháy dữ dội sau va chạm - 1

Theo đó, anh Alexei Tretyakov đang lái xe trên đường cao tốc, được cho là có bật hệ thống lái bán tự động Autopilot của Tesla. Không may là Tretyakov không trông thấy một chiếc xe đầu kéo đậu bên đường, và hệ thống Autopilot cũng vậy.

Kết quả là chiếc Tesla Model 3 đã lao vào xe đầu kéo với tốc độ gần 100 km/h. Sau cú đâm mạnh, chiếc xe chạy điện bốc cháy. Clip cho thấy chiếc xe bị lửa trùm kín và có hai tiếng nổ nhỏ.

Xe chạy điện Tesla phát nổ sau va chạm

Dù mọi người đã kịp thoát thân, nhưng theo hãng tin Reuters, anh Tretyakov đã bị gãy chân do vụ tai nạn. Hai con anh cũng ở trong xe ô tô, nhưng may mắn chỉ bị bầm tím. Có vẻ như cả ba đã kịp thoát ra khỏi xe trước khi lửa bùng lên dữ dội. 

Tesla Model 3 bùng cháy sau va chạm

Vụ việc đang được điều tra, nhưng nó đã xảy ra vào đúng thời điểm bất lợi cho Tesla, khi công ty vừa bị kiện do một vụ tai nạn liên quan hệ thống Autopilot và khiến một người thiệt mạng.

Xe chạy điện Tesla luôn phải đối mặt với những nghi ngờ xoay quanh bộ pin xe và hệ thống Autopilot.

Đối với hệ thống pin, sau khi xảy ra một loạt vụ cháy do pin của xe bị va đập với các vật thể trên đường, Tesla đã phải gia cố cho mẫu Model S một lớp bảo vệ dưới gầm xe. Trước khi có cải tiến, CEO Elon Musk của Tesla từng khẳng định rằng xe Model S có nguy cơ cháy là 1/8.000 vụ, thấp hơn 5 lần so với xe động cơ xăng truyền thống.

Sự nghi ngờ lên đến đỉnh điểm khi xảy ra vụ việc pin xe Tesla Model X tự đánh lửa, bốc cháy trở lại sau 6 ngày sau một vụ tai nạn chết người ở California (Mỹ) và xe đã được lực lượng cứu hỏa dập lửa. 

Khi đó, ông Juan Diaz - Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố Mountain View, quận Santa Clara cho biết: “Pin xe trở nên quá nóng, chúng tôi đã rất nỗ lực làm mát nhưng nó vẫn tiếp tục đánh lửa trở lại. Chúng tôi không có công cụ chuyên dụng để xử lý những loại pin xe về cơ bản đã bị phá hủy hoàn toàn. Trong trường hợp đặc biệt này, 6 ngày sau đó, nhiệt độ bên trong lõi pin đã tiếp tục tăng lên tới mức độ phát lửa. Đó chính là lý do tại sao chiếc xe này bốc cháy trở lại.”

Cũng giống như nhiều loại xe chạy điện khác, Tesla Model X có một bộ phận công tắc điện mà trong trường hợp cần thiết, lực lượng cứu hộ có thể tác động vào đó để cắt dòng điện chạy bên trong cụm pin. Tuy nhiên, thiết bị an toàn đó đã bị phá hủy trong vụ tai nạn vừa qua tại California, khiến lực lượng chức năng “bó tay” trong việc cắt dòng điện.

Ông Diaz xác nhận rằng phải mất 2 tuần sau vụ tai nạn, cụm pin mới được xác nhận là an toàn, sau khi Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ và Tesla khử kích hoạt.

Say vụ việc, Tesla vẫn khẳng định rằng trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, xe chạy điện của hãng an toàn hơn nhiều so với xe sử dụng động cơ đốt trong ICE thông thường.

“Các cụm pin của Tesla được thiết kế sao cho trong trường hợp hi hữu xảy ra hỏa hoạn, nó sẽ phát tán chậm để những người bên trong có thể thoát ra bên ngoài xe. Theo nhiều nhân chứng, điều đó dường như đã xảy ra trong trường hợp tai nạn này vì chúng tôi nhận thấy rằng không còn ai ở bên trong chiếc xe thời điểm hỏa hoạn xảy ra có thể gây nhiều rủi ro. Những vụ tai nạn nghiêm trọng như vậy có thể gây ra hỏa hoạn với bất cứ loại xe nào. Dựa trên dữ liệu “kinh nghiệm” thực tế hàng tỉ dặm của Tesla cho thấy, một chiếc xe ô tô chạy gas tại Mỹ sẽ có khả năng bắt cháy cao gấp 5 lần so với một chiếc xe điện Tesla,” hãng Tesla nhấn mạnh.

Còn với hệ thống Autopilot, Tesla bị cho là đã quảng cáo quá đà, khiến nhiều người tin rằng xe của hãng có thể tự lái trên đường cao tốc, trong khi thực tế nó chỉ là tính năng tự lái bán tự động, tức là vẫn luôn cần sự tập trung kiểm soát của tài xế.

Nhật Minh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm