Wuling Bingo bị đặt câu hỏi về khả năng leo dốc, kén sạc tại Việt Nam?
(Dân trí) - Được đánh giá là hấp dẫn hơn "đàn em" Mini EV, Wuling Bingo vẫn tạo nên nhiều luồng tranh cãi về khả năng vận hành, tính tiện dụng cho phần đông khách hàng nước ta.
Ra mắt khách Việt vào đầu tháng 11, Wuling Bingo thu hút sự chú ý khi chốt giá niêm yết thấp hơn một số đồn đoán trước đó. Mẫu xe điện Trung Quốc này có 4 phiên bản, giá bán 349-569 triệu đồng; trong đó 3 bản thấp có kiểu dáng hatchback, bản cao nhất được định vị là SUV.
Wuling Bingo có giá khởi điểm tương đương bản tiêu chuẩn của Kia Morning (349 triệu đồng) và thấp hơn một chút so với Hyundai Grand i10 (từ 360 triệu đồng). Mẫu xe điện hạng A của VinFast là VF 5 có giá từ 460 triệu đồng khi thuê pin và từ 540 triệu đồng khi mua kèm pin.
Song song với sự quan tâm của khách hàng trước một mẫu xe mới, giá cạnh tranh thì Wuling Bingo cũng gây tranh cãi với một số câu hỏi xung quanh khả năng vận hành.
Wuling Bingo khó leo dốc cao khi chở đủ người?
Các phiên bản hatchback của Wuling Bingo được trang bị một động cơ điện đặt tại cầu trước, sản sinh công suất tối đa 67 mã lực và mô-men xoắn cực đại 150Nm.
Sau khi ra mắt, đã có đơn vị truyền thông tại Việt Nam trải nghiệm và đánh giá mẫu xe điện Trung Quốc này. Trong đó, đoạn video chiếc xe Wuling Bingo không thể leo lên dốc (được cho là có độ dốc 12 độ) tại vườn quốc gia Ba Vì tạo nên nhiều tranh cãi.
Trước những hình ảnh này, số đông người dùng đều có ý kiến trái chiều với Wuling Bingo. Tài khoản mạng xã hội Long Nguyễn cho biết: "Chở full tải mà không leo nổi dốc thì người ở chung cư không nên mua xe này".
Nickname Duy Khánh lại có ý kiến khác: "Động cơ của Bingo yếu thì yếu thật, nhưng chiếc này làm ra để đi trong đô thị thôi, cũng không có chung cư nào có dốc lên tới 12 độ cả".
Đây không phải là đơn vị đầu tiên thử nghiệm khả năng chinh phục dốc cao của Wuling Bingo. Trước đó, một kênh YouTube quốc tế có tên gọi Moladin cũng thực hiện bài thử nghiệm tương tự, với phiên bản hatchback.
Theo đó, chiếc xe không thể tiến về phía trước sau khi dừng ở giữa dốc lúc chở 5 người, dù có tính năng hỗ trợ khởi hành ngang dốc. Thậm chí, khi chỉ còn một mình tài xế, xe vẫn không thành công, một phần do đoạn dốc trong clip có độ ẩm và bùn, không phải đường nhựa trơn hoàn toàn.
Hỗ trợ sạc nhanh nhưng sẽ rất "kén" khi dùng tại Việt Nam
Ngoài khả năng leo dốc, vấn đề sạc của Wuling Bingo cũng thu hút nhiều luồng thảo luận.
Khác với "đàn em" Mini EV chỉ có cổng sạc AC (thường được gọi là sạc chậm), Wuling Bingo có cổng sạc DC (thường được gọi là sạc nhanh). Về lý thuyết, xe có khả năng sử dụng các trụ sạc nhanh tại các trạm công cộng đang được nhiều đơn vị thứ 3 phát triển tại Việt Nam.
Tuy nhiên, cổng sạc nhanh của Bingo lại theo tiêu chuẩn GB/T tại Trung Quốc, không phải CCS2 (tiêu chuẩn Châu Âu) đang được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam. Do đó, nếu muốn sử dụng tính năng sạc nhanh, người dùng sẽ phải mua một bộ chuyển (adapter) từ GB/T sang CCS2.
TMT Motors sẽ mở bán bộ chuyển đổi này nhưng chưa có giá chính thức. Trên thị trường adapter có giá khoảng 20-30 triệu đồng tùy loại.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, đại diện mảng kinh doanh ô tô điện của TMT Motors cho biết đơn vị đã khảo sát và thấy rằng phần lớn khách hàng của họ sẽ sạc tại nhà. Vì vậy, cổng sạc và bộ sạc phân phối kèm theo Wuling Bingo dù là GB/T hay CCS2 cũng không phải vấn đề quan trọng.
Thực tế, khách đặt mua sớm Bingo sẽ được tặng một bộ sạc AC công suất 3,3kW và một bộ sạc DC công suất 7kW. Hãng nói rằng thời gian sạc từ nguồn điện 220V với sạc AC để pin từ 20 lên 80% là 8 giờ; trong khi với sạc DC rút ngắn còn 4 giờ.