Vì sao Toyota chần chừ làm ô tô điện bất chấp cả ngành xe đang chạy đua?

Phạm Trung Đức

(Dân trí) - Đây có thể là động thái lùi một bước để tiến hai bước của Toyota.

Khi ông Akio Toyoda từ chức CEO của Toyota vào tháng 1 vừa qua, có vẻ như đó là một sự đầu hàng của nhà sản xuất ô tô Nhật Bản trước những chỉ trích của truyền thông. Các nhà phân tích và báo chí đã không ngừng phản ứng với Toyota vì chậm chạp trong cuộc đua làm xe điện, và tân CEO Koji Sato sẽ ưu tiên làm xe điện. Tuy nhiên, như vậy không nhất thiết là Toyota đẩy nhanh việc sản xuất xe điện bằng mọi giá. Trong ngắn hạn, hãng thậm chí có thể làm ngược lại.

Vì sao Toyota chần chừ làm ô tô điện bất chấp cả ngành xe đang chạy đua? - 1

Dù có kế hoạch ra mặt một loạt sản phẩm, nhưng xe điện vẫn chưa phải là ưu tiên số 1 của Toyota (Ảnh: MotorTrend).

Theo một bài viết đăng trên Automotive News, Toyota đang chọn cách tiếp cận gần như "không làm gì" với chiến lược xe điện. Ấn phẩm thương mại này cho biết đã nói chuyện với một số nhân sự cấp cao của Toyota và đưa ra kết luận là hãng có thể không hài lòng với nền tảng khung gầm e-TNGA đang dùng cho những mẫu xe điện đầu tiên - Toyota bZ4X và Lexus RZ, cũng như mẫu bZ3 dành cho thị trường Trung Quốc.

Tờ Automotive News cho biết, gần đây, các kỹ sư của Toyota đã tháo rời một chiếc Tesla Model Y để nghiên cứu; đây là một việc khá phổ biến trong ngành ô tô. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, tại California, bang có số lượng xe điện đăng ký nhiều gấp 5 lần so với bang đứng thứ hai, mẫu Model Y bán chạy hơn Toyota RAV4 và Model 3 bán chạy hơn Camry vào năm ngoái.

Những gì kỹ sư của Toyota tìm thấy là các kỹ thuật sản xuất có tính đổi mới, khiến một trong số họ (giấu tên) gọi Model Y là "một tác phẩm nghệ thuật". Kỹ thuật sản xuất nén "giga-press" của Model Y giúp gói gọn thân xe vào 2 phần lớn và bộ pin là một phần trong cấu trúc xe.

Trong khi đó, nền tảng khung gầm e-TNGA của Toyota đòi hỏi phải có nhiều phần nhỏ hơn ghép thành. Một nguồn tin nội bộ Toyota đã tiết lộ với Automotive News rằng cách tiếp cận của Tesla đã dẫn tới việc chiếc xe giảm được gần 100kg trọng lượng, lược bớt được hàng trăm chi tiết. Ngoài ra, bộ pin của Toyota được lắp đặt riêng biệt nên bị giới hạn về kích thước.

Tất cả dẫn tới việc phạm vi hoạt động của xe sau mỗi lần sạc ngắn hơn và không có các tính năng, như cốp trước. Một số hạn chế như vậy xuất phát từ thực tế là nền tảng khung gầm e-TNGA ban đầu được phát triển cho xe chạy xăng và hybrid vào năm 2015. Trên thực tế, Toyota vẫn đang trong quá trình chuyển đổi một số nhà máy của mình trên khắp thế giới cho phù hợp với nền tảng này. Nhưng giám đốc Sato và các cộng sự đã tạm dừng phát triển một số mẫu xe dùng nền tảng khung gầm e-TNGA để làm một nền tảng hoàn toàn mới dành riêng cho xe điện, theo tờ Automotive News.

Toyota cho biết, kế hoạch đang được tiến hành trước khi ông Akio Toyoda tuyên bố nghỉ hưu. Động thái này có vẻ hợp với tình hình hiện tại, nhưng ông Toyoda đã lãnh đạo công ty suốt 14 năm. Ngoài ra, Toyota có kế hoạch tiếp tục theo đuổi chiến lược sản phẩm đa dạng, gồm cả xe hybrid thường, hybrid sạc điện (PHEV) và xe chạy bằng khí hydro cho phù hợp với các thị trường khác nhau trên thế giới.

Bài viết của Automotive News chỉ ra rằng Toyota đã thu được kinh nghiệm đáng kể về xe điện nhờ liên doanh với hãng BYD của Trung Quốc, là công ty đã phát triển dòng bZ3. Toyota cũng có một trung tâm R&D xe không khí thải chuyên dụng và đã công bố kế hoạch nâng cấp nhà máy ở Kentucky (Mỹ) để sản xuất xe điện ở đó vào năm 2025.

Tuy nhiên, Toyota không chắc rằng xe điện do Tesla hoặc BYD sản xuất sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng nội bộ nghiêm ngặt của công ty. "Nếu BYD thử nghiệm pin của họ với quãng đường 100.000km, thì chúng tôi thử nghiệm pin với 200.000km", một nguồn tin nội bộ chia sẻ với Automotive News. Kiểu thử nghiệm như vậy rất tốn thời gian và tiền bạc, nhưng đã giúp củng cố danh tiếng huyền thoại về độ bền và chất lượng của hãng Toyota.

Các nguồn tin cũng cho biết, Toyota muốn đảm bảo rằng họ có thể kiểm soát nguồn vật liệu sản xuất pin để hiện tượng "nghẽn cổ chai" trong sản xuất trước khi chuyển hoàn toàn sang xe điện.

Một lãnh đạo công ty đã trao đổi thêm với Automotive News: "Chúng ta phải lập kế hoạch cho 20 năm tới, chứ không chỉ cho 5 năm".

Theo Autonews.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm