Vì sao nhiều hãng xe từ chối tham gia Triển lãm ô tô Frankfurt?
(Dân trí) - Triển lãm xe hơi Frankfurt, một trong những sự kiện xe hơi lớn nhất trong năm 2017, đã phải nhận “hung tin”, khi 9 nhà sản xuất quyết định từ chối tham gia. Đó là Fiat, Peugeot, Nissan, Volvo, Alfa Romeo, Jeep, Mitsubishi, DS và Infiniti. Dù không có thông báo rõ ràng về nguyên nhân, nhưng hầu như ai cũng đoán được.
Tham gia các triển lãm xe hơi chiếm phần lớn ngân sách trong một năm của các nhà sản xuất, nên dễ hiểu khi họ trở nên kém mặn mà nếu khoản đầu tư này không hiệu quả.
Các nhà sản xuất xe hơi thường phải chi “khủng” cho các khu vực trưng bày tại triển lãm, hỗ trợ tài chính cũng như dành tặng những món quà miễn phí cho khách tham quan triển lãm. Câu hỏi được đặt ra là, liệu có bao nhiêu người trong số khách tham quan sẽ thực sự quyết định mua xe? Rút cục, doanh số tăng là mục tiêu của các nhà sản xuất.
Tham gia triển lãm xe hơi có đem lại tỷ lệ thu hồi vốn đầu tư, còn gọi là hoàn vốn đầu tư (ROI), như mong muốn không vẫn là một chủ đề gây nhiều tranh cãi; tuy nhiên, có một sự thật là nhiều nhà sản xuất đang dần thích nghi với các phương thức khác để cải thiện khả năng tiếp cận khách hàng và từ đó thúc đẩy doanh số bán hàng.
Ngày nay, các nhà sản xuất xe hơi chuộng các sự kiện riêng để giới thiệu xe hay cung cấp những trải nghiệm thực tế cho các khách hàng tiềm năng. Chi phí tổ chức các sự kiện như vậy thường chỉ bằng một phần so với chi phí tham gia các triển lãm xe hơi. Đứng trên góc độ khách hàng, họ có cơ hội gần gũi với chiếc xe, dành nhiều thời gian để tìm hiểu các tính năng của xe, mà không cần phải lo lắng về những người đang chờ đợi tới lượt… Và việc đi đến kí kết hợp đồng mới là mục tiêu cuối cùng mà các nhà sản xuất xe hơi hướng tới.
Thông thường, các triển lãm xe hơi cũng là nơi thể hiện tiềm lực của doanh nghiệp. Các nhà sản xuất lớn thường dành những khoản đầu tư lớn để xây dựng sân khấu hoành tráng, thiết kế chủ đề độc đáo, không chỉ nhằm thu hút người xem mà còn vượt xa các đối thủ khác. Cuộc chạy đua để nổi bật này thường khiến các nhà sản xuất nhỏ “im thin thít, lặn mất tăm” trong đám đông. Và khi mạnh tay chi tiêu khoản tiền này, tất nhiên vị trí “độc tôn” là điều các nhà sản xuất hướng tới.
Một vấn đề khác nữa là sự kiện triển lãm xe hơi thường hé lộ nhiều mẫu ô tô và mô tô mới trên internet, ngay trước cả khi các hãng sản xuất công bố chính thức. Trong một số trường hợp, việc hình ảnh của các mẫu xe được phát hành trên nền tảng kỹ thuật số đã ít nhiều làm mất đi hứng thú, hồi hộp của khách tham quan triển lãm.
Triển lãm xe hơi 2 năm một lần được tổ chức tại Noida, Ấn Độ cũng gặp phải tình trạng tương tự, khi những cái tên như Bajaj, Harley-Davidson, Royal Enfield, Volvo và Skoda đã vắng mặt tại triển lãm năm 2016 và hiện cũng chưa rõ những hãng nào sẽ góp mặt hay vắng mặt trong kỳ triển lãm năm 2018 tới.
Bên cạnh việc phải đối mặt với những vấn đề tương tự gây khó khăn cho các triển lãm xe hơi quốc tế, Triển lãm Auto Expo tại Ấn Độ còn phải đối mặt với một vấn đề đặc biệt, đó là kiểm soát đám đông. Ngay cả trong sự kiện mở cửa riêng cho khách mời và giới truyền thông, các khách tham quan và khách mời của các hãng xe nhằm thu hút sự quan tâm tới các gian trưng bày khiến các nhà báo ảnh chụp xe hơi bận rộn hơn, thậm chí còn thu hút sự chú ý hơn cả các hãng xe hơi.
Có thể nói, đây là thời điểm các triển lãm xe hơi phải cải thiện chất lương hơn, cung cấp nhiều giá trị hơn cho cả nhà sản xuất cũng như các khách tham quan. Khi đó, sức hấp dẫn của các triển lãm xe hơi sẽ tự động lôi cuốn họ.
Gia Bảo
Theo Overdrive