Vì sao không nên bật đèn khẩn cấp khi lái xe trời mưa?
(Dân trí) - Đúng như tên gọi, đèn khẩn cấp được thiết kế chỉ để dùng trong những trường hợp khẩn cấp, và trời mưa thì không phải. Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều người vẫn dùng sai loại đèn này.
Đèn khẩn cấp không phải là "đèn xi nhan đi thẳng". Tuy nhiên, nhiều người nhầm lẫn rằng có thể dùng đèn khẩn cấp khi trời tối hoặc mưa lớn như một dấu hiệu cảnh báo để các tài xế khác tránh xa. Điều này hoàn toàn sai.
Ngược lại, việc bật đèn khẩn cấp khi lái xe trời mưa tiềm ẩn nhiều mối nguy.
Khi học lái ô tô, chúng ta đều được dạy rằng đèn khẩn cấp là để báo hiệu một chiếc xe phải dừng vì lý do khẩn cấp. Vì thế, nếu không thật sự phải dừng xe khẩn cấp mà bạn bật đèn khẩn cấp sẽ khiến các tài xế phía sau hiểu nhầm, có thể sẽ phanh gấp hoặc giật mình trong khi tầm quan sát đang bị hạn chế vì trời mưa. Nếu muốn các xe khác thấy mình rõ hơn, hãy dùng đèn cốt (đèn chiếu gần). Nguyên tắc này có thể áp dụng cả khi trời nhiều sương mù.
Ý nghĩ của câu chuyện "Chú bé chăn cừu" chính là một lý do nữa để bạn không nên bật đèn khẩn cấp khi lái xe trời mưa. Khi việc dùng sai đèn khẩn cấp trở thành một điều bình thường, nguy cơ tai nạn sẽ cao hơn, vì các tài xế có xu hướng "coi thường" đèn khẩn cấp, rất dễ đâm vào chiếc xe đang gặp sự cố phải dừng giữa đường, đặc biệt là khi trời mưa, tầm quan sát bị hạn chế rất nhiều.
Ngoài ra, đèn khẩn cấp nháy liên tục thực sự ảnh hưởng đến khả năng quan sát của các tài xế khác; họ sẽ khó thấy xe bạn bật xi-nhan để rẽ hoặc chuyển làn.
Nhiều người nghĩ rằng chỉ ở những nước đang phát triển, các tài xế mới dùng sai, còn ở các nước phát triển, người dân đã tiếp xúc với ô tô từ lâu, nên sẽ hiểu rõ cách dùng đèn khẩn cấp. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy.
Ở Nhật Bản, không hiếm gặp cảnh tài xế bật đèn khẩn cấp để cảm ơn tài xế khác đã nhường đường. Hay ở một số nước phát triển khác, tài xế dùng đèn khẩn cấp khi vượt xe khác hoặc khi đi qua giao lộ. Một số tài xế lại sử dụng đèn khẩn cấp như một cách báo hiệu cho các tài xế khác trên đường hãy tránh xa xe họ khi họ đang chạy tốc độ cao.
Tại Việt Nam, nhiều tài xế thậm chí sử dụng đèn khẩn cấp để "hợp pháp hóa" việc dừng, đỗ xe trái phép. Tuy nhiên, trường hợp các phương tiện không gặp sự cố kỹ thuật nhưng lợi dụng bật đèn khẩn cấp để dừng, đỗ xe ở những tuyến đường có biển cấm phương tiện dừng, đỗ sẽ vẫn bị xác định là vi phạm quy định tại Điểm e Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về dừng, đỗ xe, và bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Ngoài việc sử dụng đèn hợp lý, khi lái xe trời mưa, bạn cần giảm tốc độ và duy trì khoảng cách an toàn với xe phía trước lớn hơn bình thường, đủ để bạn kịp xử lý khi có tình huống bất ngờ xảy ra, vì trời mưa khiến tầm quan sát bị hạn chế, hệ thống phanh cũng hoạt động kém hiệu quả hơn do đường trơn ướt.
Một lưu ý nữa là nên tránh đi vào những vùng nước đọng vì xe bạn có thể "sa bẫy", trượt bánh trên mặt đường bị nước che phủ, hoặc tạo sóng nước gây nguy hiểm cho các tài xế khác. Đây cũng chính là lý do bạn không nên đi ở làn ngoài cùng bên trái; khi mà làn đường ngược lại ngay sát cạnh là làn đường xe chạy với tốc độ cao nhất, rất dễ có xe tạo sóng nước khiến bạn "mù tạm thời", rất nguy hiểm.