Trước VinFast, những hãng nào có ô tô 2 chỗ siêu nhỏ?
(Dân trí) - Nhờ tính thực dụng trong đô thị và giá bán dễ tiếp cận, ô tô hai chỗ siêu nhỏ được đông đảo người dùng trên thế giới quan tâm, tạo điều kiện cho nhiều hãng xe phát triển sản phẩm.
Những năm gần đây, trào lưu ô tô điện mini có xu hướng nở rộ tại Việt Nam, bằng chứng là sức hút của VinFast VF 3 với người tiêu dùng. Mới đây, hãng xe Việt tiếp tục gây chú ý khi đăng ký bản quyền kiểu dáng một mẫu ô tô 2 chỗ siêu nhỏ.
Với ngành công nghiệp ô tô thế giới, chủng loại xe siêu nhỏ này không hề mới lạ. Trước VinFast, đã có nhiều hãng xe ra mắt sản phẩm thuộc phân khúc này, cả xe xăng lẫn thuần điện.
Dưới đây là một số tên tuổi đã từng xuất hiện tại Việt Nam hoặc nổi tiếng ở các quốc gia lân cận.
Smart ForTwo
Smart ForTwo là một cái tên khá quen thuộc với người dùng Việt, do ở những năm 2010, một chiếc xe 2 chỗ siêu nhỏ xuất hiện trên đường phố gây tò mò và tạo hứng thú không kém gì các mẫu xe sang. "Bé hạt tiêu" này đến từ tập đoàn Daimler của Đức, nhập khẩu về Việt Nam theo diện tư nhân.
Do đó, dù sở hữu kích thước gọn nhẹ cùng trang bị ở mức cơ bản, mẫu xe này vẫn có giá bán không rẻ tại nước ta. Trên "sàn" xe cũ, một chiếc Smart ForTwo đời 2008, đi khoảng 30.000km được chào bán 680 triệu đồng, ngang giá mua mới của một mẫu xe hạng B như Mitsubishi Xforce (599-705 triệu đồng).
Smart ForTwo được trang bị động cơ 3 xi-lanh, dung tích 1.0L, kết hợp với hộp số tự động 5 cấp, tạo ra công suất tối đa hơn 80 mã lực và mô-men xoắn cực đại đạt 91Nm. Để tăng tốc từ 0-100km/h, xe cần khoảng 15,1 giây, theo công bố của nhà sản xuất.
Toyota C+pod
Ra mắt vào năm 2020, Toyota C+pod được xem là lời đáp trả của hãng xe Nhật Bản trước trào lưu xe điện siêu nhỏ đến từ Trung Quốc. Mẫu xe này lần đầu xuất hiện dưới dạng concept Ultra-Compact BEV, được Toyota "vén màn" tại sự kiện Tokyo Motor Show 2019.
Toyota C+pod sở hữu chiều dài, chiều rộng và chiều cao lần lượt là 2.490mm, 1.290mm và 1.550mm. Vỏ ngoài của xe có nhiều chi tiết được làm từ nhựa, nhằm giảm trọng lượng, giúp C+pod nặng chưa đầy 700kg.
Xe sử dụng mô-tơ điện đặt tại trục sau, cho công suất 12,3 mã lực và mô-men xoắn cực đại đạt 56Nm. Tốc độ tối đa của Toyota C+pod chỉ lên tới 60km/h, đi được nhiều nhất 150km sau mỗi lần sạc đầy.
Citroen Ami
Đến từ Pháp, Citroen Ami là một mẫu xe khá độc đáo khi sở hữu thiết kế hai đầu đối xứng. Mẫu xe này khá được ưa chuộng tại Châu Âu nhờ giá bán rẻ, tuy không đem lại những trải nghiệm lái thú vị nhưng phù hợp với nhu cầu di chuyển quãng ngắn trong đô thị.
Chiếc Citroen Ami từng được nhập về Việt Nam có chiều dài, chiều rộng và chiều cao lần lượt là 2.410mm, 1.390mm và 1.520mm. Mẫu xe này còn nhẹ hơn Toyota C+pod khi sở hữu tổng trọng lượng (bao gồm cả pin) chỉ 485kg.
Nội thất của xe có thiết kế dạng mô-đun để gắn các thiết bị như điện thoại hay loa bluetooth. Trên táp-lô chỉ có phím bấm điều chỉnh sưởi kính, quạt gió và đèn báo khẩn cấp, thậm chí cửa sổ phải gập lên bằng tay.
Citroen Ami được trang bị động cơ điện có công suất tối đa 8 mã lực, chỉ ngang một mẫu xe số phổ thông như Honda Wave 110cc (8,2 mã lực). Theo công bố của nhà sản xuất, Ami có thể đạt tốc độ tối đa là 45km/h, di chuyển được nhiều nhất 75km sau mỗi lần sạc đầy.
Baojun E100
Nhắc đến xe điện cỡ nhỏ, thật thiếu sót khi không đề cập đến các sản phẩm của Trung Quốc. Những dòng xe có xuất xứ tại thị trường này chưa được khách Việt ưa chuộng, nhưng liên tục "làm mưa làm gió" tại quê nhà.
Trong đó, mẫu xe 2 chỗ siêu nhỏ nổi bật có thể kể đến Baojun E100, dù dòng xe này đã được ra mắt từ năm 2017, được sản xuất bởi liên doanh của SAIC, General Motors và Wuling. Xe có thiết kế tương tự Smart ForTwo, có giá bán quy đổi chỉ khoảng 133 triệu đồng.
Baojun E100 được trang bị động cơ điện có công suất tối đa 39 mã lực và mô-men xoắn cực đại đạt 110Nm, cho phép xe đạt tốc độ tối đa 100km/h. Xe sử dụng bộ pin lithium-ion dung lượng 14,2kWh, đem lại tầm hoạt động lên tới 155km sau mỗi lần sạc đầy.