Trung Quốc "trả tự do" cho các hãng xe ngoại
(Dân trí) - Sau nhiều năm kiểm soát chặt chẽ các hãng xe ngoại bằng quy định phải lập liên doanh với ít nhất một hãng xe nội mới được phép sản xuất ô tô tại Trung Quốc, giờ đây chính quyền Bắc Kinh đã quyết định "nới tay", khi ngành công nghiệp ô tô trong nước đã tạm "đủ lông đủ cánh".
Quy định các hãng xe ngoại chỉ được nắm tối đa 50% nhà máy sản xuất ô tô ở Trung Quốc sẽ được dỡ bỏ vào năm 2020 đối với xe thương mại và năm 2022 đối với xe du lịch.
Khi đó, các công ty như Daimler, VW, Ford và Toyota có thể thoải mái sản xuất xe tại Trung Quốc hơn hiện nay, trong khi sức ép sẽ tăng lên đối với các hãng xe nội địa Trung Quốc.
“Trong một thập kỷ, các hãng xe ngoại sẽ từng bước tách ra độc lập và các hãng xe Trung Quốc sẽ mất nguồn vốn trong liên doanh,” chuyên gia phân tích Yale Zhang của công ty Automotive Foresight Co nhận định. “Các hãng xe ngoại sẽ rất mừng, vì không còn phải chia sẻ 50% lợi nhuận cho các đối tác Trung Quốc nữa.”
Nhiều khả năng Trung Quốc nới lỏng quản lý các hãng xe ngoại nhằm giảm sự căng thẳng trong quan hệ với chính quyền tổng thống Trump, cho thấy họ sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong việc ngăn chặn một cuộc chiến thương mại có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu.
Hiện tại, Trung Quốc chiếm gần một nửa doanh số của Volkswagen, cũng là thị trường quan trọng nhất của nhiều mẫu xe sang thương hiệu Mercedes-Benz, Audi and BMW.
Dù rất hoan nghênh quyết định này của Trung Quốc, nhưng các nhà sản xuất ô tô Đức và Mỹ khẳng định rằng sẽ không rời bỏ các đối tác Trung Quốc. Volkswagen cho biết các liên doanh hiện tại của hãng sẽ không bị ảnh hưởng. GM cũng có tuyên bố tương tự.
Trong khi đó, với Tesla, quyết định này mang tính đảo ngược tình thế, bởi cách đây không lâu, hãng đã không thể thuyết phục cơ quan quản lý Trung Quốc cho mở nhà máy ở nước này mà không cần lập liên doanh với một hãng xe trong nước.
Với các hãng xe nội địa Trung Quốc như BYD hay BAIC Motor, sức ép cạnh tranh từ các thương hiệu ngoại sẽ tăng lên rất nhiều.
Nhật Minh
Theo Bloomberg