Toyota chính thức trở lại thời “gia đình trị”

(Dân trí) - Lần đầu tiên trong vòng 14 năm, vị trí quyền lực nhất tập đoàn ô tô Nhật Bản Toyota đã trở về với gia đình người sáng lập Kiichiro Toyoda.

 
Hôm nay, 23/6, Akio Toyoda, cháu nội của Kiichiro Toyoda, sẽ chính thức đảm nhiệm cương vị chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn Toyota. Đây là kết quả cuộc bỏ phiếu của các cổ đông tập đoàn bầu ban lãnh đạo mới.

 

Trong suốt 25 năm gắn bó với tập đoàn do ông nội mình sáng lập, Akio Toyoda, 53 tuổi, từng làm ở nhiều bộ phận, không chỉ tại Nhật Bản, mà cả ở Mỹ và Trung Quốc.

 

Mặc dù tập đoàn đã cố gắng hết sức chuẩn bị cho hậu duệ của gia đình Toyoda một sự “lên ngôi” không phiền muộn, nhưng Akio Toyoda vẫn phải đối diện với một sự thật hiển hiện là ông lên nắm quyền giữa thời điểm đầy thách thức của nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới Toyota.
 
Toyota chính thức trở lại thời “gia đình trị” - 1
Ông Akio Toyoda (Ảnh: Getty)

 

Toyota đã lỗ 7,7 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2009, mức lỗ quý lớn nhất trong lịch sử tập đoàn, do tác động của tình hình sụt giảm kinh tế toàn cầu không chừa một nhà sản xuất nào.

 

Tập đoàn dự kiến tiếp tục lỗ trong năm tài chính 2009-2010 (bắt đầu tính từ ngày 1/4/2009) khi phải đối mặt với tình hình đã trở nên quen thuộc với hầu hết các nhà sản xuất ô tô nhưng lại khá mới mẻ với Toyota - có số nhân công và nhà máy vượt nhu cầu.

 

“Những vấn đề mà ông Akio phải đối mặt nghiêm trọng hơn bất kỳ lãnh đạo nào khác từng gặp phải trong lịch sử tập đoàn,” bà Maryann Keller, nhà phân tích của công ty tư vấn Stamford (Mỹ), nhận xét. “Ông Akio sẽ phải đối mặt với tình trạng thừa công suất, sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh Hàn Quốc và có thể là cả Trung Quốc.”

 

Toyota đang đứng trước nhiều lựa chọn công nghệ quan trọng, sau khi đã tập trung phát triển hệ thống hybrid xăng-điện. Giờ đây, họ phải nỗ lực tìm kiếm giải pháp mới, rẻ hơn để sản xuất ô tô cỡ nhỏ và cắt giảm chi phí mà không phải sa thải nhân công ký hợp đồng dài hạn.

 

Những thách thức này khiến một số nhà phân tích đặt ra câu hỏi, có tốt hơn cho Toyota nếu lựa chọn một người dày dạn hơn ông Akio lên lãnh đạo tập đoàn.

 

Mặc dù Akio Toyoda cũng có nhiều kinh nghiệm, nhưng các chuyên gia cho rằng khó đánh giá khả năng lãnh đạo của ông ấy.

 

Trong khi đó, nhóm các nhà lãnh đạo hiện thời và trước đây của Toyota, trong đó có cha của Akio, chủ tịch danh dự Shoichiro Toyoda, khẳng định rằng Akio đã sẵn sàng.

 

Gia tộc Toyoda vẫn có ảnh hưởng rất lớn tới Toyota dù hiện chỉ giữ số ít cổ phần - chưa đến 5%, theo tính toán của giới phân tích. Ông nội của Akio, ông Kiichiro Toyoda, đã thành lập công ty vào năm 1937, chọn tên Toyota bởi số nét chữ (trong tiếng Nhật) tạo thành con số may mắn hơn tên gia đình.

 

Nhiều thành viên gia đình Toyoda, trong đó có Eiji Toyoda - anh họ của ông Kiichiro, và Shoichiro, con trai ông, từng giữ cương vị chủ tịch tập đoàn. Kể từ khi Akio Toyoda gia nhập công ty vào năm 1984, các đồng nghiệp đã dự đoán một ngày nào đó ông sẽ trở thành người lãnh đạo Toyota.
 
Toyota chính thức trở lại thời “gia đình trị” - 2
Ông Akio trong lễ ra mắt mẫu Toyota Prius thế hệ thứ 3 tại một đại lý ở Tokyo, Nhật Bản, hôm 18/5/2009 (Ảnh: Getty) 

 

Bảng thành tích của Akio khá ấn tượng. Không như hầu hết những người tiền nhiệm, Akio Toyoda thông thạo Anh ngữ. Ông có bằng MBA của Trường Babson ở Massachusetts (Mỹ), bên cạnh bằng luật của Đại học Keio ở Tokyo, Nhật Bản.

 

“Ông ấy là một người sáng dạ. Ông ấy đã tiếp thu nền giáo dục phương Tây, và có tầm nhìn toàn cầu,” David Cole, chủ tịch Trung tâm nghiên cứu ô tô, người đã quen Akio Toyoda từ cuối thập niên 90, nhận xét.

 

Sau khi lấy bằng MBA, Akio Toyoda đã giữ cương vị phó chủ tịch New United Motor Manufacturing Inc., liên doanh của Toyota với GM tại Fremont, tiểu bang California, Mỹ.

 

“Ông ấy sẽ không lãnh đạo theo kiểu chuyên quyền độc đoán. Ông ấy là người tự nhận thức được rằng mình không biết hết mọi thứ,” Cole nói.

Từ năm 2005 đã xuất hiện tin đồn Akio Toyoda là ứng viên cho vị trí chủ tịch Toyota. Khi vị trí này thuộc về ông Katsuaki Watanabe, những người trong tập đoàn đã gọi sếp mới là “người giữ chỗ”, người sẽ chỉ lãnh đạo Toyota trong vài năm.

Toyota chính thức trở lại thời “gia đình trị” - 3
Ông Akio Toyoda trong trang phục đua xe đứng bên chiếc Lexus IS F (Ảnh: AP)

 

Những ai quen biết Akio Toyoda đều nhận xét ông là người thân thiện, cởi mở, và không ngại rủi ro. Ông thích đua xe, và từng tham gia nhiều giải đua nổi tiếng, như Nürburgring 24-hour ở Đức. Ông đã về thứ 87 vào tháng trước, trong tổng số khoảng 170 xe tham gia.

 

Ông thường xuyên xuống thăm đại lý và gặp gỡ các vị lãnh đạo khác trong công ty. “Ông ấy đầy nhiệt huyết và lạc quan về tương lai, điều mà tôi nghĩ rằng dễ truyền sang người khác,” Mark Templin, giám đốc Lexus, thương hiệu xe sang của Toyota, tại Torrance, California, Mỹ, nhận xét.

 

Hồi tháng 4, Akio Toyoda đã gặp mặt 60 chủ đại lý hàng đầu của Toyota tại Mỹ trong một bữa tối ở Washington DC. Đi cùng ông là Yoshi Inaba, cựu giám đốc bán hàng của Toyota, người được Akio thuê lại để giúp ông điều hành hoạt động tại Mỹ.

 

“Họ làm cho bạn thực sự tin rằng họ thành tâm quan tâm tới phản hồi của bạn,” Tammy Darvish, phó chủ tịch Darcars Automotive Group, một đại lý lớn của Toyota ở Maryland, nói.

 

Ngoài việc đưa Inaba trở lại, ông Akio Toyoda còn bổ nhiệm các cộng sự thân tín vào những vị trí quan trọng trong bộ máy tập đoàn. Xung quanh ông là những vị lãnh đạo giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực bán hàng và sản xuất, như Yuki Funo, chủ tịch Toyota Motor Sales, người sẽ trở lại Nhật Bản trên cương vị phó chủ tịch điều hành. Người ta cho rằng Toyoda tỏ ra khá khôn khéo khi đưa các chuyên gia về tài chính lên lãnh đạo tập đoàn cùng ông.

 

Tuy nhiên, ngay cả khi ông đã thiết lập quanh mình hàng rào ủng hộ vững chắc, hiện vẫn chưa rõ ai, không kể cha ông, sẽ gây khó cho các quyết định của ông.

 

Ban lãnh đạo của công ty Nhật Bản không có trách nhiệm giống ở các công ty Mỹ. Ở Toyota, nhiều quyết định quan trọng do các vị lãnh đạo hiện thời và cả trước đây (giờ ở vị trí cố vấn) quyết định.

 

Hiện nay, ở độ tuổi 80, ông Shoichiro Toyoda dự kiến nghỉ hưu trong tháng này, không làm chủ tịch danh dự của Toyota nữa. Hiroshi Okuda, một cựu chủ tịch cứng rắn của Toyota, cũng sẽ thôi vị trí cố vấn cấp cao trong thời gian tới. Nhưng những ai hiểu rõ Toyota đều nói rằng những vị tiền bối này sẽ vẫn có ảnh hưởng tới tập đoàn.

 

Nhật Minh

Theo Detroit News

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm