Tìm hiểu sức mạnh của động cơ 2.0L bi-turbo trên Ford Everest mới

(Dân trí) - Ford Everest đã chính thức quay trở lại Việt Nam không chỉ với thiết kế ngoại thất mới, mà còn có sự khác biệt cực lớn là động cơ diesel mới, dung tích chỉ 2.0L, đi kèm hộp số tự động 10 cấp. Hơn thế, việc sở hữu động cơ tăng áp kép trên phiên bản cao cấp nhất Titanium AWD mang lại cho mẫu xe này một sự hấp dẫn đặc biệt.

Động cơ diesel I4 2.0L bi-turbo mới của Ford.
Động cơ diesel I4 2.0L bi-turbo mới của Ford.

Theo ông Peter Fleet - Phó chủ tịch Ford khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, việc lấy lại động cơ diesel 2.0L từ Ford Transit tại thị trường Châu Âu, kết hợp với hộp số tự động 10 cấp, đã mang lại một sức cạnh tranh mới là một sự lựa chọn đúng đắn để đem lại hiệu quả, sức mạnh mới và đặc biệt là sức cạnh tranh cực lớn. Riêng tại thị trường Việt Nam, với dòng động cơ dưới 2.000cc này, Everest của Ford còn được hưởng thuế Tiêu thụ đặc biệt chỉ 40%, thay vì 50% và 90% cho dòng động cơ 2.2L và 3.2L trước đây.

Nếu như ở các phiên bản 2018 vừa ra mắt, Fod Everest được trang bị tiêu chuẩn động cơ 2.0L tăng áp, phun nhiên liệu trực tiếp không gây nhiều tò mò thì với phiên bản cao cấp nhất sử dụng động cơ 2.0L tăng áp kép lại khiến nhiều người chú ý hơn cả. Đâu là lí do của sự khác biệt về sức mạnh, mức tiêu thụ nhiên liệu ra sao, và đặc biệt là lợi ích của dòng động cơ mới này trong tổng hòa thiết kế của chiếc xe...?

Dòng động cơ mới này của Ford sẽ được trang bị trên nhiều mẫu xe của hãng trên toàn thế giới.
Dòng động cơ mới này của Ford sẽ được trang bị trên nhiều mẫu xe của hãng trên toàn thế giới.

Thế hệ động cơ diesel 2.0L mới của Ford được sử dụng các vật liệu tiên tiến và có cấu trúc rất tinh tế. Nhỏ gọn, nhẹ, mạnh mẽ và hiệu quả, động cơ được trang bị công nghệ phun nhiên liệu trực tiếp điều khiển bằng hệ thống điện tử; cổ hút gió được tích hợp đúc liền khối với đầu xy-lanh và đai cam truyền động được nhúng trong dầu.

Peter Fleet Phó Chủ tích Ford Châu Á - Thái Bình Dương cho biết, Ford đã trang bị những công nghệ tiên tiến cho động cơ này, cũng như cải thiện sức bền vật liệu, nâng cấp các piston, tối ưu hóa tua-bin tăng áp và đặc biệt đã thử nghiệm động cơ này trên những cung đường khắc nghiệt nhất trước khi đến tay người dùng”.

Đánh giá thêm về tương lai của dòng động cơ này, ông P.Fleet cho biết thêm: "Động cơ này rất mạnh mẽ, có nhiều tiềm năng và tới đây sẽ trở thành dòng động cơ phổ biến của Ford trên toàn thế giới"​​. Và trên thực tế, ngoài Ford Everest mới tại Việt Nam, động cơ tăng áp kép này còn xuất hiện trên Ford Transit tại châu Âu, Ranger Raptor tại châu Á - Thái Bình Dương (sắp tới có thể là Việt Nam), và cả Ranger tại Thái Lan.

Mô tả cấu tạo của động cơ diesel 2.0L bi-turbo của Ford Everest.
Mô tả cấu tạo của động cơ diesel 2.0L bi-turbo của Ford Everest.

Động cơ diesel 2.0L tăng áp kép (bi-turbo) của Ford tận dụng cơ chế hoặc động của 2 turbo để tăng độ nhạy, giảm hiện tượng trễ của tăng áp (turbo lag) và đương nhiên - tối ưu nhiên liệu. Công dụng mà sự khác biệt về số lượng tăng áp này mang lại là việc momen xoắn cực đại đạt 500 Nm từ vòng tua máy thấp khoảng 1.750 vòng/phút, công suất tối đa đạt 210 mã lực tại 3.000 vòng/phút. Trong khi đó, việc vận hành còn được hỗ trợ bởi hộp số tự động 10 cấp duy nhất trong phân khúc, giúp thu hẹp độ trễ giữa các cấp số khiến việc vận hành trên các cung đường dốc, trơn trượt hay các con đèo dài đều trở nên mượt mà hơn.

Cách thức hoạt động của động cơ 2.0L Bi-Turbo trên Ford Everest như sau:

- Ở tốc độ động cơ khoảng 1.500 vòng/phút – Chỉ có tăng áp nhỏ hoạt động.

- Ở tốc độ động cơ trong khoảng 1.500 - 2500 vòng/phút - Cả hai tăng áp nhỏ và lớn cùng hoạt động.

- Ở tốc độ động cơ trên 3.000 vòng/phút - Chỉ có tăng áp lớn hoạt động.

Và theo các kỹ sư của Ford, việc trang bị tăng áp kép trên động cơ diesel I4 2.0L mới này không những mang lại hiệu quả cao hơn động cơ Duratorq I5 3.2L (197 mã lực, 470Nm) mà còn mang tới sức mạnh mới khi giúp tăng momen xoắn ở tốc độ thấp hay đạt công suất lớn khi ở tốc độ cao.