Tham vọng lớn nhưng đây là rào cản BYD thành thế lực ô tô top đầu toàn cầu

Gia An

(Dân trí) - Chất lượng xe bị nghi ngờ cũng như những đề phòng của phương Tây đối với một gã khổng lồ đến từ Trung Quốc khiến BYD gặp không ít khó khăn khi tiến ra thị trường nước ngoài.

Theo dữ liệu từ CleanTechnica, doanh số xe thuần điện của BYD năm 2022 đạt 911.140 chiếc, tăng 184% so với cùng kỳ 2021.

Trong năm 2022 khó khăn đủ đường, từ những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng đến cơn khủng hoảng chip trầm trọng làm ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô, đây là những con số ấn tượng, cho thấy "sức mạnh" của BYD.

Gặp "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" tại thị trường nội địa

Nếu chỉ tính riêng xe điện, BYD là hãng ô tô lớn thứ 2 thế giới năm 2022 với thị phần 12,6%, tăng mạnh so với mức 7% của năm 2021.

Tham vọng lớn nhưng đây là rào cản BYD thành thế lực ô tô top đầu toàn cầu - 1

Một chiếc xe được sạc điện tại đại lý BYD ở Thượng Hải, Trung Quốc (Ảnh: VCG).

Tuy nhiên, thành tích ấn tượng này chủ yếu đến từ "sân nhà", tức thị trường Trung Quốc, nơi nhà sản xuất này chiếm hoàn toàn "thiên thời - địa lợi - nhân hòa". Thiên thời ở chỗ chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển dịch sang xe điện và có những gói hỗ trợ khổng lồ cho cả nhà sản xuất xe điện trong nước cũng như người mua xe điện.

Trong khi đó, "địa lợi" của BYD có được là do hệ thống sản xuất đạt đến trình độ rất cao tại Trung Quốc. Bên cạnh là khả năng làm chủ hàng loạt công nghệ cốt lõi của xe điện gồm pin, chip, động cơ, các bộ điều khiển… BYD cũng sở hữu hệ thống phân phối rộng rãi cùng mạng lưới bán hàng lớn giúp họ có lợi thế đặc biệt mà các nhà sản xuất ô tô mới khó sánh kịp.

Còn "nhân hòa" chính là việc người Trung Quốc ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các mẫu xe sử dụng năng lượng xanh và dành sự ưu ái lớn cho các sản phẩm nội địa.

Dải sản phẩm của BYD cũng đang rất phong phú, đa phần là các mẫu CUV cỡ nhỏ như Song, Yuan hay sedan như Qin, Han… nhắm đến phân khúc giá tầm trung để thu hút người dùng.

Tham vọng lớn nhưng đầy trắc trở tại phương Tây

Dù chưa công bố rõ ràng các kế hoạch xâm nhập thị trường phương Tây, những nguồn tin thân cận với doanh nghiệp này đều khẳng định BYD có kế hoạch rất lớn với các thị trường bên ngoài Trung Quốc.

Chẳng hạn, hãng này đã dành hẳn một năm để nghiên cứu phương thức tốt nhất để đưa các mẫu xe điện của mình vào thị trường Mỹ, bắt đầu từ triển lãm CES tại Las Vegas (Mỹ) hồi đầu năm 2022. Kế hoạch này tất nhiên vẫn chưa thành công và hiện tại, BYD vẫn chưa hiện diện tại Mỹ.

Tham vọng lớn nhưng đây là rào cản BYD thành thế lực ô tô top đầu toàn cầu - 2

Thành công tại Trung Quốc nhưng tham vọng tiến vào thị trường Mỹ và châu Âu với BYD sẽ không hề dễ dàng (Ảnh: AutoCar).

Châu Âu là câu chuyện khác khi một số mẫu xe của BYD đã tiếp cận thị trường này. Tuy nhiên, có không ít hoài nghi từ chính phủ các nước phương Tây dành cho các mẫu xe điện của BYD, thứ mà một số nước gọi là "con ngựa thành Troy" của Trung Quốc. Nó ám chỉ việc các mẫu xe này có thể gửi dữ liệu của người dùng về Trung Quốc, giống nghi vấn dành cho một số mẫu smartphone Trung Quốc từng xuất hiện tại Mỹ, châu Âu.

Trong khi đó, các chuyên gia an ninh mạng Australia thì gọi những chiếc ô tô hiện đại được sản xuất tại Trung Quốc là "những máy tính di chuyển dữ liệu trên bánh xe" và rằng một chiếc ô tô điện Trung Quốc còn sở hữu nhiều dòng code hơn cả một chiếc máy bay phản lực Boeing 747.

Tất cả chỉ dừng ở nghi vấn nhưng chỉ cần có nghi vấn này, nó sẽ là bức tường vô hình ngăn cản việc hãng này hiện diện mạnh mẽ tại các thị trường nước ngoài. An ninh, an toàn dữ liệu luôn là vấn đề đặc biệt nhạy cảm với bất cứ quốc gia nào, nhất là trong bối cảnh dữ liệu được xem là "dầu thô" mới của thế giới hiện đại.

Huawei là một ví dụ điển hình của việc từ một gã khổng lồ công nghệ nhưng dính nghi vấn gây ảnh hưởng đến an ninh, an toàn dữ liệu khiến Mỹ đưa tập đoàn này vào "danh sách đen". Điều này dẫn đến việc bộ phận sản xuất di động của tập đoàn này gần như "bay màu" tại các thị trường quốc tế chỉ sau 2 năm, làm cho "gã khổng lồ" đến từ Trung Quốc thiệt hại 30-40 tỷ USD mỗi năm từ doanh thu mảng di động.

Đó là chưa kể chất lượng của những chiếc ô tô điện sản xuất tại Trung Quốc có đủ tốt hay không để chạy trên các cung đường ở Mỹ, châu Âu. Đây là vấn đề cần được kiểm chứng qua thời gian nhưng có một thực tế là cho đến nay, BYD đã "xưng hùng xưng bá" tại thị trường quốc nội nhưng vẫn cực kỳ lặng lẽ trên thị trường quốc tế.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm