Tesla lại bị kiện vì hệ thống lái tự động
(Dân trí) - Hãng xe chạy điện Mỹ đang một lần nữa vướng vào những tranh tụng pháp lý liên quan đến hệ thống lái tự động Autopilot của chiếc Tesla Model X trong một vụ tai nạn chết người ở California hồi năm ngoái.
Theo hồ sơ vụ kiện, ngày 23/3/2018, khi chiếc Tesla Model X của ông Walter Huang đi tới gần khu vực đường kẻ vạch báo hiệu sự phân chia các làn đường US-101 với lối ra SH-85, thì tính năng lái tự động Autopilot đã điều khiển xe rẽ sang trái, ra khỏi làn đường dự kiến và đâm thẳng vào dải phân cách bằng bê-tông.
Nhiều giờ sau vụ tai nạn, ông Huang đã tử vong, và theo đơn kiện, Tesla phải chịu trách nhiệm về việc không có những hướng dẫn và cảnh báo đầy đủ để phòng tránh tai nạn do lỗi của xe và không trang bị cho xe hệ thống phanh tự động khẩn cấp hoạt động hiệu quả.
Theo đơn kiện của gia đình nạn nhân, Tesla đã phóng đại những tiện ích của công nghệ Autopilot và ông Huang tin rằng chiếc crossover của mình có thể tự tránh va chạm. Cũng theo đơn kiện, chiếc Model X bị lỗi và lẽ ra nên được trang bị các hệ thống phòng tránh tai nạn.
Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) đã xem xét vụ tai nạn và đưa ra báo cáo sơ bộ vào mùa hè năm ngoái. Theo đó, chiếc Model X đã chạy xuyên qua khu vực phân chia làn đường rồi đâm vào bộ phận hấp thụ xung lực thường được lắp ở đầu dải phân cách với tốc độ khoảng 114 km/h. Sau cú va chạm, chiếc crossover xoay tròn và phần đầu xe bị xé tung.
Trước khi xảy ra tai nạn, chiếc Model X có đưa ra hai cảnh báo bằng hình ảnh và một cảnh báo bằng âm thanh nhắc tài xế đặt tay lên vô-lăng. Ở phút cuối cùng trước khi xảy ra va chạm, tài xế có đặt tay lên vô-lăng chỉ trong 34 giây. Trong 6 giây cuối cùng, tay tài xế không đặt lên vô-lăng.
Dù lẽ ra ông Huang nên tập trung nhìn đường và đặt tay trên vô-lăng, nhưng theo NTSB, hệ thống Autopilot cũng góp phần vào tai nạn. 8 giây trước khi xảy ra va chạm, chiếc Model X chạy sau xe khác với tốc độ khoảng 104 km/h. Một giây sau đó, chiếc crossover bắt đầu đánh lái sang trái dù vẫn chạy theo xe trước.
4 giây trước khi xảy ra va chạm, chiếc Model X không chạy theo xe phía trước nữa và việc này khiến xe tăng tốc vì hệ thống kiểm soát hành trình được cài đặt tốc độ 120 km/h. Chiếc Model X sau đó đã đâm vào dải phân cách và không hề phanh hay đánh lái tránh trước khi xảy ra va chạm.
Đơn kiện cũng cho rằng chính quyền bang California phải chịu trách nhiệm về việc không sửa bộ phận hấp thụ xung lực của dải phân cách bằng bê-tông. Bộ phận này đã bị đâm hỏng trong vụ tai nạn liên quan đến một chiếc Toyota Prius vào ngày 12/3, và việc bộ phận hấp thụ xung lực không được sửa đã khiến ông Huang thiệt mạng.
Bên trái là bộ phận hấp thụ xung lực nguyên vẹn và bên phải là cái đã bị ô tô đâm hỏng.
Bộ phận hấp thụ xung lực thường được lắp ở đầu dải phân cách bằng bê-tông nhằm giảm nguy cơ chấn thương cho người ngồi trên xe khi xảy ra va chạm.
Nhật Minh
Theo Carscoops