Sẽ giảm thuế nhập khẩu nhiều linh kiện ôtô về 0% từ 2016?
Đây là đề xuất được Bộ Tài chính đưa ra để lấy ý kiến của các Bộ, ngành nhằm gỡ khó cho các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Lý giải cho đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng, theo lộ trình hội nhập, từ năm 2018, thuế suất ôtô nguyên chiếc trong khối ASEAN sẽ về 0% và đây là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước.
Bên cạnh đó, việc thực hiện cắt giảm thuế trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nên thuế nhập khẩu với một số loại xe nguyên chiếc còn bất cập, có thể bằng hoặc thấp hơn linh kiện, phụ tùng. Điều này là chưa thực sự khuyến khích sản xuất, ráp lắp ô tô trong nước.
Chính vì vậy, Bộ Tài chính đưa ra đề xuất, đối với bộ phận bật lửa điện của xe con dưới 2.000cc cần đẩy nhanh quá trình giảm thuế nhập khẩu theo hướng về 0% vào năm 2016.
Linh kiện dành cho xe tải như động cơ diesel, hộp số và nội thất, phụ kiện từ Hàn Quốc và Nhật Bản cũng cần được đẩy nhanh thuế xuống 0% thay vì 2018-2019 như kế hoạch ban đầu,
Đối với linh kiện, phụ tùng xe con dưới 2.000cc, sẽ điều chỉnh thuế suất với 7 mặt hàng trong nhóm động cơ và các bộ phận như hộp số, cụm bánh xe, bật lửa điện.
Trong đó, thuế nhập khẩu dành cho động cơ ôtô của Hàn Quốc từ 20% xuống 3%, bằng mức cam kết trong FTA Việt Nam - Nhật Bản từ năm 2016. Bên cạnh đó, các bộ phận như hộp số, cụm bánh xe cũng cần đẩy nhanh giảm thuế xuống 5% vào năm 2016 thay vì 12-20% như kế hoạch cam kết với Nhật Bản, Hàn Quốc trước đó.
Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh thuế có tác động tích cực tới việc triển khai thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô. Qua đó, ngành sản xuất lắp ráp được định hướng chuyển sang nhập khẩu linh kiện, phụ tùng từ các đối tác công nghệ cao, tạo động lực đột phát cho ngành sản xuất trong nước.
Đối với thu ngân sách, những điều chỉnh trên có thể giúp giảm bớt tác động giảm thu ngân sách Nhà nước sau năm 2018 do ngân sách được bù đắp từ ngành sản xuất lắp ráp ôtô trong nước phát triển, làm tăng thu nội địa.
Theo Hà Thanh
Kinh tế đô thị