Kinh nghiệm lái xe từ thực tế:
Phanh gấp khi đang ôm cua, người đi xe máy ngã sõng soài trước mũi ô tô
(Dân trí) - Mặc dù đường hẹp, góc cua khuất tầm nhìn, nhưng người đi xe máy không giảm tốc độ lúc ôm cua, nên khi thấy ô tô đã phanh gấp và trượt ngã.
Tình huống diễn ra vào chiều 1/7 ở Văn Giang, Hưng Yên.
Theo đó, hai thanh niên chở nhau trên xe máy đã ôm cua khá bất cẩn, dẫn tới việc phanh gấp và trượt ngã ngay trước mũi xe ô tô có camera hành trình.
Tình huống trên để lại bài học một số bài học quan trọng cho người điều khiển xe máy nói chung và xe tay ga nói riêng.
Thứ nhất là kỹ năng sử dụng phanh. Xe máy thường có thiết kế phanh đĩa phía trước, trong khi trọng tâm xe nằm ở phía sau, nên nếu không bóp phanh đúng kỹ thuật - cả hai phanh cùng lúc, thì rất dễ dẫn đến tai nạn do xe bị trượt, văng bánh sau.
Bóp phanh bên phải là phản xạ tự nhiên trong tình huống bất ngờ, vì hầu hết mọi người thuận tay phải. Tuy nhiên, nếu việc đó tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao thì cần tập thói quen bóp cả hai bên phanh cùng lúc.
Ở xe ga, hệ thống phanh trước thường là phanh đĩa, trong khi phía sau là phanh tang trống. Lực bóp phanh cũng như quãng đường phanh của hai loại này khác nhau, công với việc trọng lượng xe dồn về phía sau, nên việc bóp phanh trước đột ngột rất nguy hiểm, đặc biệt là trong điều kiện đường trơn ướt.
Người sử dụng xe tay ga nên tập thói quen luôn luôn phanh cả trước và sau cùng lúc, với lực phanh vừa đủ, tránh việc "phanh chết", dễ gây trượt ngã, văng xe do lực quán tính lớn.
Thứ hai là bài học về việc cần tập trung quan sát và giảm tốc độ khi tới đoạn đường cua khuất tầm nhìn, để có thể kịp thời xử lý tình huống bất ngờ.
Thứ ba là tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Nhiều người cho rằng nếu chỉ di chuyển trong nội đô, với tốc độ thấp, thì không cần phải đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy nhiều tình huống va chạm ở tốc độ thấp cũng có thể nguy hiểm, khi đầu trần va chạm với các bộ phận cứng của xe ô tô.
Bên cạnh đó, nếu bị ngã đập đầu xuống đường thì việc không đội mũ bảo hiểm sẽ dẫn tới nguy cơ chấn thương nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.
Chúc các bạn lái xe an toàn!