Ô tô Trung Quốc ồ ạt về Việt Nam, ngoài giá rẻ còn có gì để cạnh tranh?
(Dân trí) - Thiết kế bắt mắt, nhiều trang bị và giá rẻ là những ưu điểm của ô tô Trrung Quốc, nhưng chất lượng và chính sách hậu mãi vẫn là điểm khiến nhiều người dùng Việt lo ngại.
Với sự phát triển của xã hội, ô tô đang ngày càng trở thành phương tiện di chuyển được người Việt hướng đến, từ phục vụ gia đình cho tới kinh doanh chạy dịch vụ.
Nắm bắt được nhu cầu đi lên của khách hàng, các hãng xe liên tục tung ra các sản phẩm mới cũng như nâng cấp các dòng xe hiện có để theo kịp thị hiếu của người dùng.
Nhiều thương hiệu ô tô Trung Quốc chuẩn bị "cập bến"
Năm 2023, thị trường Việt Nam tiếp tục thu hút nhiều hãng xe mới. Trong đó có nhiều thương hiệu ô tô đến từ Trung Quốc.
Đầu tiên là Chery, từng xuất hiện tại nước ta vào năm 2009 nhưng dần biến mất vào năm 2013 do doanh số không đạt kỳ vọng. Nguyên nhân là do tại giai đoạn đó, khách Việt còn có nhiều nghi ngại về chất lượng đối với các dòng xe có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trong vài năm gần đây, nhiều sản phẩm đến từ các thương hiệu Trung Quốc như Zotye, BAIC hay Beijing liên tục được đưa về Việt Nam, thu hút được sự quan tâm của một bộ phận khách hàng nhờ thiết kế bắt mắt, trang bị hấp dẫn nhưng giá bán lại rẻ hơn nhiều so với các đối thủ cùng phân khúc đến từ Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Nhận thấy người dùng đã bớt đi nhiều định kiến với xe Trung Quốc, cùng với đó là sự tự tin về dải sản phẩm của mình, Chery ấp ủ kế hoạch một lần nữa quay trở lại thị trường Việt Nam, có thể ngay trong năm nay.
Tuy nhiên vẫn chưa rõ thời điểm ra mắt chính thức của hãng xe này tại nước ta, dường như Chery vẫn đang tìm kiếm nhà phân phối.
Tương tự với Chery, Haima sẽ trở lại Việt Nam trong năm nay với nhà phân phối mới. Thương hiệu ô tô Trung Quốc này đã từng xuất hiện tại nước ta hơn 10 năm về trước nhưng không thành công.
Vào giữa tháng 2/2023, Haima đã ký kết thỏa thuận hợp tác với công ty CarVivu. Theo kế hoạch, ba mẫu xe Haima gồm 8S, 7X và 7X-E sẽ được đưa về Việt Nam và mở bán trong nửa cuối năm 2023 thông qua các đại lý đặt tại Hà Nội và TPHCM.
Trong đó, Haima 8S thuộc phân khúc CUV cỡ C, cạnh tranh trực tiếp với Hyundai Tucson và Mazda CX-5 còn 7X là MPV thuộc tầm trung, cạnh tranh với Toyota Innova.
Đáng chú ý, Haima 7X-E là phiên bản thuần điện của 7X, sở hữu động cơ điện có công suất tối đa 201 mã lực và mô-men xoắn cực đại đạt 340 Nm. Xe có phạm vi hoạt động lên tới 510 km, thời gian sạc đầy với chế độ sạc nhanh là 10 tiếng.
Tại Trung Quốc, Haima 7X-E có giá quy đổi cao nhất lên tới 900 triệu đồng do đó khi về Việt Nam, giá bán của mẫu MPV chạy điện này có thể vượt ngưỡng 1 tỷ đồng. Hãng vẫn chưa công bố kế hoạch xây dựng trạm sạc.
Haima 7X-E cũng không phải là mẫu ô tô điện Trung Quốc duy nhất sẽ "cập bến" Việt Nam trong năm nay. Mới đây, công ty cổ phần ôtô TMT (TMT Motors) đã ký hợp tác chiến lược với liên doanh SGMW (gồm GM - SAIC - Wuling).
Theo kế hoạch, Wuling Hongguang Mini EV sẽ được lắp ráp tại nhà máy ô tô Cửu Long của TMT đặt tại Văn Lâm, Hưng Yên từ quý hai năm nay. Xe chính thức được mở bán vào cuối năm 2023.
Wuling Hongguang Mini EV là mẫu xe điện bán chạy nhất Trung Quốc với doanh số đạt hơn 550.000 chiếc vào năm 2022 vừa qua. Tại thị trường nội địa, mẫu xe này có bốn phiên bản và nhiều khả năng tại Việt Nam đợt đầu sẽ chỉ phân phối bản Macaron.
Xe có chiều dài, chiều rộng và chiều cao lần lượt là 2.917 mm, 1.493 mm và 1.621 mm, còn nhỏ hơn một mẫu xe hạng A như Kia Morning. Mô-tơ điện trên bản Macaron có công suất tối đa 27 mã lực cùng mô-men xoắn cực đại đạt 85 Nm cho tốc độ tối đa 100 km/h.
Theo công bố của nhà sản xuất, phiên bản này có phạm vi hoạt động vào khoảng 170 km cho một lần sạc đầy. Wuling Hongguang Mini EV không có công nghệ sạc nhanh mà chỉ có thể sạc thông qua bộ sạc di động kèm xe sử dụng nguồn điện dân dụng 220V, thời gian sạc đầy vào khoảng 6 - 9 tiếng tùy dung lượng pin.
Trang bị trên phiên bản Macaron nằm ở mức cơ bản với một túi khí cho người lái, phanh chống bó cứng ABS, phân bổ lực phanh điện tử EBD, camera lùi, cảm biến đỗ xe, cảnh báo áp suất lốp, phát hiện người đi bộ ở dải tốc độ thấp.
Không chỉ thu hút các hãng xe Trung Quốc, thị trường ô tô Việt Nam cũng hấp dẫn hãng xe đến từ Châu Âu: Skoda. Đây là thương hiệu ô tô đến từ Séc trực thuộc tập đoàn Volkswagen AG.
Tháng 10/2022, Skoda đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược cùng TC Motor để xây dựng nhà máy lắp ráp đặt tại Hạ Long (Quảng Ninh), dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2024 với công suất lên tới 120.000 xe/năm.
Tuy nhiên ngay trong năm nay, cụ thể là tháng 4/2023 tới đây, Skoda sẽ chính thức ra mắt khách hàng Việt bằng màn "chào sân" của bốn sản phẩm nằm ở phân khúc sedan và SUV hạng C/D gồm: Octavia, Superb, Karoq và Kodiaq.
Cả bốn mẫu xe này sẽ được nhập khẩu nguyên chiếc từ Châu Âu. Đến năm 2024, hãng sẽ giới thiệu hai mẫu xe lắp ráp trong nước đầu tiên là Slavia cùng Kushaq, nằm ở phân khúc sedan hạng B và SUV cỡ B.
Tiềm năng của thị trường ô tô Việt Nam
Cũng giống như những thị trường quốc tế, khách hàng mua ô tô Việt Nam ngày càng trẻ hóa. Khác với những năm về trước, lứa tuổi tiếp cận với ô tô đã trẻ hơn, đem lại cơ hội phát triển thị phần cho các hãng xe, bằng chứng là sự xuất hiện của phân khúc SUV đô thị cỡ A với những cái tên tiêu biểu như Toyota Raize hay Kia Sonet.
Đối tượng khách hàng ngày càng trẻ hóa đi kèm với sự gia tăng của nhu cầu sở hữu ô tô. Trong cả năm 2022, thị trường Việt Nam tiêu thụ hơn 500.000 xe hơi, trong đó trừ nhưng thương hiệu không công bố doanh số thì có 510.259 chiếc tổng hợp từ số liệu của Hiệp hội Ô tô Việt Nam (VAMA), TC Motor và VinFast.
Không chỉ có nhiều cơ hội phát triển thị phần, Việt Nam cũng áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ ô tô. Điển hình là ưu đãi miễn 100% lệ phí trước bạ lần đầu với ô tô điện trong vòng 3 năm từ ngày 1/3/2022, 2 năm tiếp theo mức thu bằng 50% ô tô chạy xăng, theo Nghị định số 10/2022/NĐ-CP.
Chính sách này giúp khách Việt mạnh dạn tiếp cận với các dòng xe điện và cũng là yếu tố khiến nhiều hãng xe Trung Quốc quyết định đưa ô tô thuần điện về nước ta dù chưa phát triển hệ thống trạm sạc công cộng.
So với các dòng xe đến từ Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc, ô tô Trung Quốc dễ tiếp cận với đối tượng khách hàng trẻ hơn nhờ mẫu mã bắt mắt và giá bán hấp dẫn. Không chỉ vậy, các trang bị đi kèm trên xe Trung Quốc cũng đầy đủ hơn so với các đối thủ cùng phân khúc.
Tuy rằng khách Việt đã mở lòng hơn với các sản phẩm đến từ Trung Quốc nhưng phần đông vẫn tồn tại những lo lắng với thương hiệu mới cũng như chính sách hậu mãi bởi dù sao ô tô vẫn là vật phẩm có giá trị cao.
Nhìn chung, các dòng xe ô tô Trung Quốc vẫn sẽ cần thời gian để chứng minh chất lượng cũng như chinh phục "trái tim" của số đông người dùng Việt.