Ô tô tạt ngã xe máy rồi tăng ga chạy mất hút khiến cộng đồng mạng phẫn nộ

Nhật Minh

(Dân trí) - Không hiểu vì lý do gì mà tài xế ô tô có vẻ như đã cố tình tạt ngã xe máy đi cùng chiều, rồi sau đó lập tức tăng ga bỏ chạy. Tình huống này vừa khiến cộng đồng mạng phẫn nộ vừa tạo tranh luận sôi nổi.

Clip do camera hành trình của một xe ô tô đi cùng chiều ghi lại cho thấy hai người chở nhau trên xe máy có vẻ như muốn di chuyển sang làn bên trái để chuẩn bị rẽ hoặc quay đầu ở ngã tư. Trong khi đó, chiếc Kia Sedona vượt lên từ làn đường bên phải đã tạt hẳn sang trái, hất ngã người đi xe máy rồi lập tức tăng ga phóng vút đi.

Sự việc xảy ra trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội hướng đi về Ngã tư Sở.

May mắn là tài xế xe có camera hành trình khi đó đang đi chậm lại, cũng vì bị hai xe máy phía trước cản đường, nên đã kịp thời phanh lại, không đâm vào hai người trên xe máy vừa bị chiếc Kia tạt ngã lăn ra đường.

Sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội, clip trên đã thu hút hàng chục nghìn người xem và tham gia bình luận. Đa số ý kiến đều tỏ ra bất bình trước hành vi của tài xế xe Kia. Nhiều người cho rằng tài xế xe Kia đã cố tình tạt ngã xe máy, chứ không phải vô ý.

"Xem clip thì có thể phán đoán là tài xe Kia trước đó chắc xin đường không được nên cay cú, lúc  vượt lên được thì tạt ngã người ta để trả thù vặt. Dù lý do là gì thì cũng không thể chấp nhận hành vi này, cần phải truy tìm và xử phạt tài xế để làm gương", tài khoản Facebook Minh T. bình luận.

"Cần gửi clip cho công an để truy tìm và xử lý tài xế xe Kia. Sao lại có kiểu hành xử coi thường mạng sống của người khác, coi thường pháp luật như vậy được?" - tài khoản Tuấn M. bức xúc bình luận.

Trong khi đó, cũng có một số ý kiến cho rằng kiểu di chuyển của xe máy khá nguy hiểm, dễ gây ra chạm.

"Đây là đoạn gần đến chỗ quay đầu xe ở ngã tư. Nếu xe máy muốn rẽ trái hoặc quay đầu thì cũng cần đi dứt khoát hơn, để xe sau còn biết đường tránh", một ý kiến bình luận.

Theo Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, việc bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm là hành vi bị nghiêm cấm.

Trong khi đó, Điều 5 và Điều 6 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định: Người điều khiển xe ô tô nếu gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn, sẽ bị phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5 đến 7 tháng.

Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với khung hình phạt cao nhất là 10 năm tù và người gây tai nạn còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự đối với người bị gây tai nạn theo quy định của pháp luật.

Điều 38 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao như sau:

Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm bảo vệ hiện trường, giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc UBND nơi gần nhất; bảo vệ tài sản của người bị nạn; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu.