Kinh nghiệm lái xe từ thực tế:
Ô tô phanh dúi dụi trong tình huống giao thông phổ biến trên "đường làng"
(Dân trí) - Sự việc diễn ra vào chiều tối 15/12 trên đường Trục A, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Theo đó, người đàn ông đi xe máy kéo theo chiếc xe cải tiến phía sau đã bất cẩn lao từ đường nhánh ra đường chính, dù có thể thấy ánh đèn rọi từ xa, báo hiệu có ô tô đang tới gần.
May mắn là vào thời điểm đó, ô tô đang di chuyển với tốc độ chậm nên tài xế kịp đạp phanh, không xảy ra va chạm.
Về quy tắc đường giao nhau, Điều 24 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định:
"Khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và nhường đường theo quy định sau đây:
- Tại nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi đến từ bên phải;
- Tại nơi đường giao nhau có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi bên trái;
- Tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới."
Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy tắc nhường đường tại nơi đường giao nhau, áp dụng theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
Cụ thể, Điểm b Khoản 2 Điều 6 quy định mức phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe máy không giảm tốc độ và nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính.
Mức phạt trên không quá nặng, nhưng có lẽ cũng không phải lý do để người tham gia giao thông vô tư phạm lỗi, mà xuất phát từ sự chủ quan.
"Đây là kiểu đi xe đạp, xe máy điển hình ở đường nhỏ đi qua các khu dân cư. Vì gần nhà, đi lại hàng ngày nên người ta rất chủ quan, cứ thế lao xe thẳng ra đường, nhiều khi xe khác tránh không kịp", tài khoản Quang Hà bình luận sau khi xem video được chia sẻ trên mạng xã hội.
"Bình thường đi từ đường nhỏ ra đường lớn là phải dừng hẳn lại để quan sát hai bên, thấy an toàn mới cho xe ra, đây lại còn là góc cua khuất mà bác đi xe máy lao một phát thẳng sang đường như thế thì sợ thật; nếu gặp ô tô to hơn, đi nhanh hơn một chút thì họ phanh làm sao kịp", tài khoản Minh Đức nêu ý kiến.
"Bác lái xe có "cam" đi quá chuẩn và thận trọng. Ở những nơi có nhiều đường nhánh, ngõ nhỏ kiểu này, tốt nhất là đi chậm để có thể kịp thời xử lý tình huống, vì rất dễ có người đi xe đạp hoặc thậm chí trẻ nhỏ chạy sang đường rất nguy hiểm", tài khoản Hùng Anh bình luận.