Ô tô được chạy vượt tốc độ tối đa trên đường cao tốc?
(Dân trí) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang nghiên cứu sửa Thông tư 13 để trong điều kiện đảm bảo an toàn giao thông, ô tô sẽ được phép chạy vượt tốc độ tối đa từ 10-20% mà không bị xử phạt, trong khi mức phí đường cao tốc vẫn được giữ nguyên.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã trao đổi như vậy khi PV Dân trí đề cập đến vận tốc xe lưu thông trên đường cao tốc và mức phí áp thu hiện nay liệu có phù hợp.
Hiện nay các tuyến đường cao tốc đang triển khai đều là đường thiết kế tốc độ từ 80-120km/h. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, về mặt lý thuyết thì tốc độ thiết kế là tốc độ thấp nhất mà ở những đoạn khó khăn nhất phương tiện có thể đi qua được, còn những chỗ khác thì xe có thể chạy với tốc độ cao hơn; nhưng về thực tế, do yếu tố môi trường, ý thức giao thông, yếu tố kỹ thuật… nên đưa ra tốc độ giới hạn cho phép xe chạy để đảm bảo an toàn giao thông.
“Việc chạy tốc độ cao hơn thì Bộ GTVT đang nghiên cứu, đang sửa Thông tư 13 để trong điều kiện đường tốt, xe tốt, đảm bảo an toàn giao thông thì có thể cho phép xe lưu thông vượt tốc độ thiết kế từ 10-20% mà không xử phạt, tức là đoạn đường cao tốc có vận tốc thiết kế là 100km/h nhưng đảm bảo điều kiện an toàn thì xe chạy vượt tốc độ lên 120km/h” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay.
Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Trên thực tế, khi phương tiện được lưu thông với vận tốc thiết kế tối đa thì sẽ phát huy được tối đa hiệu quả đầu tư. Bởi vậy, nghiên cứu nâng vận tốc chạy xe trên cao tốc của Bộ GTVT được cho là điều kiện tốt để góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế khi thác thác đường cao tốc.
Hiện tại, các tuyến cao tốc đang được khai thác đúng với vận tốc thiết kế là cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đang khai thác là 120km/h và cao tốc Nội Bài - Lào Cai với vận tốc tối đa 100km/h. Với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, vận tốc thiết kế là 120km/h nhưng hiện mới chỉ khai thác được với vận tốc 100km/h, lí do là việc xử lý nền đất yếu chưa xong, giải phóng mặt bằng chậm, đường vẫn đang chờ bù lún… Theo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), tới đây sau khi những vấn đề kỹ thuật ổn định và đủ điều kiện thì VEC sẽ làm lớp tạo nhám để đưa vận tốc của tuyến cao tốc này lên 120km/h.
Người dân có thiệt khi bỏ tiền “mua” đường cao tốc?
Mức phí đang áp thu trên các tuyến cao tốc hiện nay là một vấn đề đáng quan tâm, nhiều ý kiến cho rằng khi vận tốc thiết kế là 120km/h mà vận tốc xe chạy thực tế giới hạn 100km/h thì liệu người tham gia giao thông có bị thiệt khi bỏ tiền ra “mua” đường?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Quan điểm của Bộ GTVT về thu phí đường cao tốc là không phải xe chạy với tốc độ tối đa cho phép thì mới được thu mức phí đó, vấn đề chính ở đây là đảm bảo được tốc độ và đảm bảo an toàn, thời gian đi lại. Phí được áp dụng tính cho cao tốc loại A, loại B hay cao tốc loại thường. Hiện nay Bộ đang xây dựng các tuyến cao tốc đều là cao tốc loại A nên mức thu phí giống nhau”.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, mức phí áp thu hiện nay nằm trong khung đã quy định của Bộ Tài chính và đảm bảo đạt tiêu chuẩn về vận tốc cao tốc, trong đó khung áp dụng với từng loại cụ thể: từ 80 - 100km/h và từ 100 - 120km/h. Người dân hoàn toàn không bị thiệt với mức phí đang áp dụng thu trên các tuyến cao tốc, trường hợp nâng vận tốc chạy xe vượt tốc độ thiết kế thì mức phí áp thu vẫn được đảm bảo trong khung quy định.
“Mức phí trên đường cao tốc tính theo cây số, áp dụng từ 1.000 - 1.500 đồng/km. Còn mức phí áp dụng trên những tuyến đường thường được tính theo xe tiêu chuẩn là khoảng 30.000 đồng cho 70km đường, tức là mức phí bằng 1/2 đường cao tốc nhưng hiệu quả thấp hơn đường cao tốc” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường thông tin.
Mức phí thu đối với đường cao tốc hiện nay là 1.500 đồng/km
Trong khi đó, chủ đầu tư của nhiều tuyến đường cao tốc hiện nay tại Việt Nam là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng đưa ra những giải thích cụ thể về phương án phí thu trên cao tốc.
Ông Mai Tuấn Anh - Tổng Giám đốc VEC - cho biết, phương án phí dựa theo các căn cứ cụ thể về phương án tài chính, dự báo lưu lượng xe, phí đầu tư và thời gian hoàn vốn, hông sử dụng tiêu chí vận tốc để xây dựng phương án phí trên cao tốc. Phí đường cao tốc tính theo km và các mức được lấy từ cao xuống thấp để áp dụng phù hợp với từng loại xe.
“Song song với các tuyến đường cao tốc hiện nay đều có các tuyến quốc lộ, vậy nên mức phí trên đường cao tốc được tính toán làm sao thu hút được người tham gia giao thông. Người tham gia giao thông có quyền lựa chọn hoặc đi cao tốc phải nộp phí hoặc đi các tuyến đường quốc lộ cũ và không phải nộp phí. Phương án này được thực hiện đúng theo cơ chế thị trường” - ông Mai Tuấn Anh giải thích.
Khẳng định đường cao tốc rất hấp dẫn và được người tham gia giao thông lựa chọn, ông Mai Tuấn Anh dẫn chứng cụ thể về tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Song song với tuyến này là tuyến Quốc lộ 1 mở rộng với 4 làn xe và không thu phí, nhưng người tham gia giao thông vẫn chọn nộp phí để đi cao tốc.
Sản lượng khai thác trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cao, tốc độ tăng trưởng rất tốt, vì đi dường cao tốc an toàn hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm được thời gian, theo tính toán hiệu quả kinh tế cao hơn 10-15% so với đường ngoài cao tốc. Với cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 245km, chỉ tính riêng về chi phí vận tải trên tuyến cho thấy tiết kiệm được 1.800 tỷ đồng/năm, so với tuyến đường song song thì hiệu quả kinh tế cao hơn 30%.
Châu Như Quỳnh