Ô tô điện Trung Quốc nối tiếp nhau về Việt Nam trong nửa cuối năm 2024

Nguyễn Lâm

(Dân trí) - "Làn sóng" ô tô Trung Quốc sẽ dâng cao tại Việt Nam trong nửa cuối năm 2024. Trong đó, xu thế chung là xe thuần điện, giá khó rẻ.

Với khách Việt, nửa cuối năm 2024 khá hứa hẹn khi có thông tin lệ phí trước bạ cho các dòng xe lắp ráp có thể được Nhà nước duyệt giảm 50% một lần nữa. Khi đó, các sản phẩm nhập khẩu sẽ phải chịu thêm áp lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, điều này không quá ảnh hưởng đến các hãng xe Trung Quốc, do nhiều sản phẩm dự kiến được giới thiệu là ô tô điện, loại đang được miễn 100% lệ phí trước bạ đến hết tháng 2/2025.

Ngoài ra, vẫn có một số mẫu xe hybrid và thuần xăng có thể được ra mắt trong nửa cuối năm 2024.

BYD

BYD dự kiến sẽ ra mắt khách Việt ngay trong tháng 6, với 3 sản phẩm tiên phong là: Atto 3, Seal và Dolphin. Cả ba mẫu xe này đều được nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc; thông số kỹ thuật và cấu hình các phiên bản chưa được hé lộ.

BYD Atto 3 được định vị ở phân khúc crossover cỡ B+, cạnh tranh với VinFast VF 6 và VF 7, hoặc các mẫu xe xăng cùng cỡ như Toyota Corolla Cross hay Mazda CX-30. Tại Thái Lan, xe có giá quy đổi lần lượt là 742 triệu và 810 triệu đồng. Tùy phiên bản, xe có phạm vi hoạt động tối đa 410km hoặc 480km.

Ô tô điện Trung Quốc nối tiếp nhau về Việt Nam trong nửa cuối năm 2024 - 1

Ba mẫu xe điện của BYD xuất hiện tại Việt Nam, theo thứ tự từ bên trái: Dolphin, Seal và Atto 3 (Ảnh: Ho Sy Quang).

BYD Seal có thể xem là một lựa chọn sedan điện hiếm hoi tại Việt Nam, bên cạnh "rừng" sản phẩm SUV điện. Tuy nhiên, mẫu xe này được định vị ở phân khúc sedan hạng D, cùng cỡ với Toyota Camry hay Mazda6, nên tất nhiên giá bán sẽ khó tiếp cận với số đông người dùng phổ thông.

Tại Thái Lan, giá bán của Seal sau khi quy đổi có mức khởi điểm 906 triệu đồng và cao nhất 1,09 tỷ đồng. Dựa vào những hình ảnh thực tế được hé lộ, xe dành cho thị trường Việt Nam sẽ có ít nhất 2 phiên bản. Còn tại Thái Lan, Seal có 3 biến thể, tương ứng với 3 cấu hình mô-tơ điện và dung lượng pin khác nhau.

Ô tô điện Trung Quốc nối tiếp nhau về Việt Nam trong nửa cuối năm 2024 - 2

Tùy phiên bản, BYD Seal có phạm vi hoạt động dao động trong khoảng 510-650km (Ảnh: BYD).

BYD Dolphin hứa hẹn có giá bán dễ tiếp cận nhất do nằm ở phân khúc hatchback hạng B. Tại thị trường quốc tế, xe có 2 phiên bản, với cấu hình 94 mã lực hoặc 204 mã lực, đi kèm pin LFP 44kWh hoặc 60,48kWh, cho phạm vi di chuyển tối đa 410km hoặc 490km.

Ô tô điện Trung Quốc nối tiếp nhau về Việt Nam trong nửa cuối năm 2024 - 3

Tại Thái Lan, giá quy đổi của BYD Dolphin dao động trong khoảng 478-588 triệu đồng (Ảnh: Wiki).

Lynk & Co 06

Sau màn "chào sân" vào cuối năm 2023, thương hiệu Lynk & Co thuộc Tập đoàn Geely (Trung Quốc) dự kiến sẽ giới thiệu mẫu xe 06 trong nửa cuối 2024, bên cạnh các sản phẩm đã được ra mắt: 01, 05 và 09.

Ô tô điện Trung Quốc nối tiếp nhau về Việt Nam trong nửa cuối năm 2024 - 4

Lynk & Co 06 nằm ở phân khúc SUV đô thị cỡ B, cạnh tranh với những cái tên như Toyota Yaris Cross hay Mitsubishi Xforce khi chính thức được ra mắt (Ảnh: Century Automobile).

Ngoại thất của xe khá bắt mắt và bề thế, với chiều dài, chiều rộng cùng chiều cao lần lượt đạt 4.340mm, 1.820mm và 1.625mm. Chiều dài cơ sở của Lynk & Co 06 đạt 2.640mm, nhỉnh hơn một chút so với Hyundai Creta (2.610mm) hay Honda HR-V (2.610mm).

Phía đại lý cho biết, Lynk & Co 06 sắp mở bán sẽ được trang bị đèn LED trước/sau và la-zăng 18 inch ở bên ngoài.

Trang bị nội thất đáng chú ý có cụm đồng hồ kỹ thuật số 10,25 inch sau vô-lăng, màn hình giải trí có kích cỡ 12,3 inch, cần số điện tử, phanh tay điện tử tích hợp giữ phanh tự động, điều hòa tự động, ghế lái chỉnh điện…

Ô tô điện Trung Quốc nối tiếp nhau về Việt Nam trong nửa cuối năm 2024 - 5

Nội thất của Lynk & Co 06 có thiết kế tối giản, loại bỏ nhiều phím bấm vật lý (Ảnh: Century Automobile).

Về khả năng vận hành, tư vấn bán hàng cho biết, Lynk & Co 06 sẽ được trang bị động cơ 3 xi-lanh, tăng áp, dung tích 1.5L, kết hợp với hộp số tự động ly hợp kép 7 cấp. Cấu hình này sản sinh công suất tối đa 174 mã lực và mô-men xoắn cực đại đạt 265Nm.

Trang bị an toàn của Lynk & Co 06 có một số điểm nhấn là tính năng hỗ trợ người lái, ví dụ như: đèn pha thích ứng, cảnh báo lệch làn đường, hỗ trợ giữ làn, giám sát điểm mù, cảnh báo va chạm…

Omoda E5 và C5

Theo kế hoạch, hãng xe Trung Quốc Chery sẽ trở lại Việt Nam trong năm nay, thông qua 2 thương hiệu con là Omoda và Jeacoo. Trong đó, Omoda E5 EV và C5 sẽ là những sản phẩm đầu tiên được giới thiệu, đều được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia.

Ô tô điện Trung Quốc nối tiếp nhau về Việt Nam trong nửa cuối năm 2024 - 6

Omoda E5 EV là phiên bản thuần điện của C5 (Ảnh: Omoda).

Xét về kích thước, Omoda E5 EV sẽ cạnh tranh trực tiếp với VinFast VF e34 khi chính thức được mở bán. Mẫu xe điện Trung Quốc được trang bị động cơ điện có công suất tối đa 204 mã lực và mô-men xoắn cực đại đạt 340Nm, đi kèm bộ pin 61kWh, có phạm vi hoạt động lên tới 430km sau mỗi lần sạc đầy.

Xe có tính năng sạc nhanh, mất 30 phút để sạc 30-80% với nguồn 110kW.

Ô tô điện Trung Quốc nối tiếp nhau về Việt Nam trong nửa cuối năm 2024 - 7

Tại Indonesia, Omoda E5 EV có giá khởi điểm quy đổi khoảng 778 triệu đồng. Nhiều khả năng khi được ra mắt Việt Nam, xe sẽ chốt giá quanh mốc 800-850 triệu đồng, theo dự đoán của giới chuyên gia (Ảnh: Omoda).

Trong khi đó, Omoda C5 được định vị ở phân khúc SUV đô thị cỡ B, cạnh tranh cùng Mitsubishi Xforce, Toyota Yaris Cross hay Hyundai Creta. Xe sử dụng động cơ xăng, tăng áp, dung tích 1.5L, cho công suất tối đa 150 mã lực và mô-men xoắn cực đại 230Nm.

Ô tô điện Trung Quốc nối tiếp nhau về Việt Nam trong nửa cuối năm 2024 - 8

Trang bị an toàn của Omoda C5 có điểm nhấn là gói công nghệ ADAS với các tính năng như: cảnh báo va chạm trước, đèn pha thích ứng, phanh khẩn cấp tự động, cảnh báo lệch làn đường, hỗ trợ giữ làn đường… (Ảnh: Quỳnh Như).

Haval Jolion

Từng có kế hoạch ra mắt Việt Nam nhưng tạm hoãn, một số nguồn tin cho biết Haval Jolion có thể sẽ được giới thiệu tới người dùng trong tháng 6. Xe được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan với 2 phiên bản; giá khởi điểm hứa hẹn dưới 700 triệu đồng.

Ô tô điện Trung Quốc nối tiếp nhau về Việt Nam trong nửa cuối năm 2024 - 9

Haval Jolion sẽ cạnh tranh trực tiếp với Toyota Corolla Cross và Mazda CX-30 (Motortrivia).

Tương tự "đàn anh" H6, mẫu Haval Jolion chỉ có duy nhất tùy chọn hệ truyền động hybrid, gồm máy xăng 1.5L tăng áp kết hợp với một mô-tơ điện và hộp số tự động ly hợp kép 7 cấp. Cấu hình này tạo ra tổng công suất 190 mã lực và mô-men xoắn cực đại đạt 375Nm.

GAC Aion

Theo công bố trước đó, các dòng xe máy xăng và phụ tùng của hãng xe Trung Quốc sẽ được phân phối tại nước ta thông qua công ty TC Services Việt Nam, thuộc Tan Chong (Malaysia). Đơn vị này từng nắm quyền phân phối xe Nissan và MG trong quá khứ.

Tuy nhiên tại TPHCM, đã có một showroom trưng bày 2 mẫu xe điện của Aion (Y Plus và ES), thương hiệu con của GAC nhưng không liên quan đến TC Services Việt Nam. Một số nguồn tin cho biết, cơ sở này dự kiến bắt đầu hoạt động kinh doanh trong tháng 6.

Ô tô điện Trung Quốc nối tiếp nhau về Việt Nam trong nửa cuối năm 2024 - 10

Aion Y Plus đã được trưng bày tại showroom ở TPHCM. Thiết kế khá giống MPV nhưng lại được định vị ở phân khúc SUV cỡ C, cạnh tranh với VinFast VF 7 (Ảnh: Ho Sy Quang),

Trang bị của bộ đôi Aion Y Plus và ES chưa được hé lộ. Tại Thái Lan, bản cao nhất của mẫu Y Plus được trang bị động cơ điện có công suất tối đa 204 mã lực và mô-men xoắn cực đại đạt 225Nm, đi kèm bộ pin 68,3kWh, cho phạm vi di chuyển 550km.

Cấu hình động cơ điện của Aion ES có công suất 136 mã lực và mô-men xoắn cực đại đạt 225Nm. Khi sạc đầy, xe đi được tối đa 440km.

Ô tô điện Trung Quốc nối tiếp nhau về Việt Nam trong nửa cuối năm 2024 - 11

Aion ES có thiết kế khá khỏe khoắn, nằm ở phân khúc sedan hạng C (Ảnh: Auto Station).

Wuling Bingo và Baojun Yep

Ngay từ đầu năm, nhiều đại lý đã cho biết, TMT Motors sẽ giới thiệu thêm 2 mẫu xe mới là Wuling Bingo và Baojun Yep trong năm nay. Hai mẫu xe này đều là sản phẩm thuộc Tập đoàn SAIC, nhiều khả năng sẽ được nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc.

Baojun Yep thu hút sự quan tâm của khách Việt do cạnh tranh trực tiếp với VinFast VF 3, mẫu minicar "made in Vietnam" đang trong giai đoạn nhận đặt cọc. Xe có thiết kế 3 cửa nhưng vẫn có cấu hình 4 chỗ ngồi, kiểu dáng vuông vức, góc cạnh theo phong cách việt dã.

Xe sử dụng một mô-tơ điện đặt ở cầu sau, sản sinh 68 mã lực và 140Nm. Khi sạc đầy, Baojun Yep đi được tối đa khoảng 300km.

Ô tô điện Trung Quốc nối tiếp nhau về Việt Nam trong nửa cuối năm 2024 - 12

Tại Trung Quốc, Baojun Yep có giá quy đổi khoảng 273-307 triệu đồng. Khi về Việt Nam, giá bán của xe có khả năng sẽ được chốt trong khoảng 350-400 triệu đồng, theo dự đoán của giới chuyên gia (Ảnh: ChinaCrunch).

Wuling Bingo được xem là "đàn anh" của mẫu Mini EV đang bán tại Việt Nam. Xe có thiết kế 4 cửa cùng kích thước ngang một mẫu xe xăng hạng A như Hyundai Grand i10 hay Kia Morning.

Tùy phiên bản, động cơ điện của Bingo sẽ có thông số 41 mã lực/110Nm hoặc 68 mã lực/150Nm.

Tại Trung Quốc, biến thể cao cấp nhất được trang bị bộ pin có dung lượng 37,9kWh, đi được tối đa 410km sau mỗi lần sạc đầy; đây là phiên bản duy nhất có tính năng sạc nhanh DC, sạc 10-80% trong 35 phút.

Ô tô điện Trung Quốc nối tiếp nhau về Việt Nam trong nửa cuối năm 2024 - 13

Giá bán của Wuling Bingo tại Trung Quốc quy đổi khoảng 204-304 triệu đồng (Ảnh: CarNewsChina).

Giới chuyên gia nhận định, việc các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tấn công thị trường Việt Nam bằng xe điện có thể xem là một "canh bạc". Ngoài yếu tố thương hiệu, rào cản của các mẫu xe này đến từ việc khuyết thiếu hạ tầng trạm sạc công cộng.

Hiện tại, VinFast đang là đơn vị duy nhất sở hữu hệ thống trạm sạc độc quyền gần như phủ khắp toàn quốc. Đã có đơn vị thứ 3 bắt tay phát triển hệ thống sạc như EV One, EverCharge, Eboost… nhưng chưa đáng kể; chi phí nạp điện cũng không rẻ, cao nhất lên tới gần 10.000 đồng/kWh.

Thiết kế: Nguyễn Lâm