Ô tô điện có thể lội nước, nhưng hóa đơn sửa chữa sẽ khiến chủ xe "méo mặt"

Phạm Trung Đức
Xe điện có tiện?

(Dân trí) - Sau khi ô tô điện lội qua vùng nước ngập sâu, cụm pin có thể chết hẳn, phải thay mới với chi phí đôi khi tương đương giá trị còn lại của cả chiếc xe.

Lái ô tô qua vùng nước ngập chưa bao giờ là một ý tưởng hay, dù với xe điện có vẻ dễ thực hiện vì không phải lo nguy cơ thủy kích như xe xăng. Việc ô tô điện lội nước được cần được hiểu theo nghĩa "không chết máy", chứ không phải là không có gì phải lo lắng.

Trong những năm qua, đã có rất nhiều video cho thấy xe Tesla lội băng băng qua vùng nước ngập sâu, thậm chí ngập qua cả nắp ca-pô, mà có vẻ như không hề hấn gì. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là việc không nên làm.

Clip mới nhất đến từ Trung Quốc cho thấy một chiếc Model 3 màu trắng chạy chầm chậm qua vùng nước ngập sâu quá nắp ca-pô mà không bị chết máy. Tình huống này nếu xảy ra với xe động cơ đốt trong thì nước dâng cao lọt vào khoang máy sẽ khiến xe bị thủy kích.

Sự việc được ghi lại trên một tuyến đường cao tốc ở Trung Quốc (Video: Teslaconomics/X).

Giám đốc điều hành Elon Musk của Tesla trước đây đã tuyên bố rằng xe Model S có thể nổi trong thời gian ngắn. Năm ngoái, ông thậm chí còn tuyên bố rằng mẫu Cybertruck sẽ có thể "băng qua sông, hồ và thậm chí cả biển nếu sóng không quá lớn".

Chính những tuyên bố như thế có thể đã khiến chủ chiếc Model 3 trên cho rằng họ có thể lái xe qua vùng nước lũ mà không gặp vấn đề gì.

Mặc dù đúng là chiếc Model 3 đã lội nước thành công, nhưng hoàn toàn có khả năng nước bẩn sẽ lọt vào các bộ phận cơ khí quan trọng của ô tô, dẫn đến hỏng hóc. 

Hồi tháng 4, một người dùng có tên Jason Hughes trên Twitter (nay đã đổi tên thành mạng xã hội X) tiết lộ rằng một khách hàng của anh đã lái xe Tesla qua vùng nước ngập trong vài giây. Chỉ ít lâu sau, chiếc xe không khởi động được, do nước đã ngấm vào cụm pin, khiến nó bắt đầu bị ăn mòn.

Trường hợp khác là chủ một chiếc Tesla Plaid Model S đã chứng minh thực tế xe có thể lội qua vùng nước ngập sâu tới 2 mét. Tuy nhiên sau đó, chủ xe cho biết cả cục máy trước và sau của xe đều bị nước lọt vào và phải thay thế, với chi phí 15.000 USD (khoảng 364 triệu đồng).

Ngoài ra, công-tơ-mét và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) được trang bị sẵn theo xe cũng hỏng.

Đối diện với hóa đơn sửa chữa tốn kém như vậy, nhiều người cho rằng hẳn là chủ xe sẽ "méo mặt" chỉ vì quyết định sai lầm của mình.

Ô tô điện có thể lội nước, nhưng hóa đơn sửa chữa sẽ khiến chủ xe méo mặt - 1

Ảnh cắt từ clip ghi lại cảnh chiếc VinFast e34 lội nước được ví như "tàu ngầm".

Tại Việt Nam, một số người sử dụng xe điện cũng có phần chủ quan khi quá tự tin vào khả năng chống nước của dòng sản phẩm này. Trên mạng xã hội đã xuất hiện không ít video ghi lại cảnh xe điện di chuyển như "tàu ngầm" qua những khu vực nước ngập ngang thân xe.

Theo công bố, VF e34, VF 8 hay một số dòng xe điện khác của VinFast được trang bị khối pin với tiêu chuẩn IP67, tức có khả năng chịu ngập trong vòng 30 phút ở mức nước lên tới 1 mét. Tuy nhiên, nhà sản xuất khuyến cáo rằng người dùng không nên chủ quan khi di chuyển ô tô điện đi đường ngập sâu trong thời gian dài, vượt quá điều kiện cho phép để hạn chế rủi ro.

Với các thiết bị công nghệ, chống nước được xem là một tính năng mở rộng của nhà sản xuất để người dùng an tâm hơn khi sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, thường các lỗi dẫn đến hỏng do bị nước vào sẽ không được bảo hành. Với ô tô điện, không kể phần động cơ và pin thì còn nhiều bộ phận khác có nguy cơ hỏng, rỉ sét, bốc mùi… nếu ngập nước.

Theo www.carscoops.com