"Nút thắt" với ô tô điện tại Trung Quốc: Nhiều xe nhưng vẫn có cái thiếu
(Dân trí) - Ngành công nghiệp ô tô điện của Trung Quốc đang vượt qua điểm thắt quan trọng trên chặng đường phát triển và có thể mở ra một đợt bùng nổ mới.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Ô tô con Trung Quốc (CPCA), tỷ lệ gia nhập thị trường của các phương tiện năng lượng mới đạt 30,2% trong tháng 10.
Vào nửa cuối năm 2022, trong "Kế hoạch đạt đỉnh phát thải carbon công nghiệp" do Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc phối hợp ban hành, "phương tiện năng lượng mới" đã được đề cập nhiều lần.
Kế hoạch này cũng đặt mục tiêu vào năm 2030, tỷ lệ phương tiện chạy bằng năng lượng mới và năng lượng sạch sẽ chiếm khoảng 40% trong tổng số phương tiện mới. Lượng phát thải khí CO2 từ ô tô chở khách và các phương tiện thương mại sẽ giảm tương ứng 25% và 20% so với năm 2020.
Với việc thúc đẩy sâu chiến lược "carbon kép", thị trường xe ô tô điện của Trung Quốc chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, song song với việc phát triển các phương tiện sử dụng điện thì "nút nghẽn cổ chai" đối với ô tô điện cũng theo đó mà xuất hiện.
"Điểm nghẽn" của ô tô điện tại Trung Quốc
Vấn đề chính hiện nay của ô tô điện tại Trung Quốc chính là sạc. Nỗi lo về quãng đường di chuyển là trở ngại lớn đầu tiên của ngành công nghiệp được xem là non trẻ này.
Việc thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc đã trở thành "nghẽn cổ chai", ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của các phương tiện năng lượng mới. Trong những năm đầu, Trung Quốc đã đưa ra một trong những giải pháp trực tiếp nhất: tăng cường số lượng trạm sạc công cộng.
Năm 2015, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Tổng cục Năng lượng Quốc gia, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị -Nông thôn Trung Quốc đã cùng ban hành "Hướng dẫn Phát triển Cơ sở Hạ tầng Sạc Xe Điện giai đoạn 2015-2020".
Trong đó nêu rõ rằng tỷ lệ xe và trạm sạc phải gần bằng 1:1. Nhưng trên thực tế, vấn đề của trạm sạc không phải là thiếu về lượng mà là phân bố không đồng đều và chưa khoa học.
Lấy ví dụ ở Bắc Kinh, trạm sạc chủ yếu được phân bổ ở những nơi có tỷ lệ sử dụng thấp như bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe văn phòng và khu dân cư. Nó thiếu nghiêm trọng ở bệnh viện, trường học và trung tâm mua sắm với dòng người qua lại đông đúc.
Để giải quyết vấn đề này, có một cách là quy hoạch lại các trạm sạc thu phí, song lại vô cùng khó thực hiện.
Từ góc độ sử dụng đất đô thị tại quốc gia này, các thành phố lớn không khuyến khích sử dụng ô tô cá nhân trên quy mô lớn và số lượng chỗ đỗ xe công cộng đô thị được quy định bởi các tiêu chuẩn khác có liên quan.
Thông thường, số lượng bãi đỗ xe công cộng không vượt quá 10% không gian đô thị, thậm chí ít hơn ở các khu vực trung tâm. Do đó, việc xây dựng lại các trạm sạc xe điện sẽ bị giảm đi tính khả thi.
Phương pháp khác là thiết lập bãi đỗ xe thông minh, cho phép cải thiện tỷ lệ sử dụng tài nguyên bãi đỗ xe đô thị. Hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ của những bãi đỗ xe này sẽ được tăng cường bởi các công nghệ mới như Internet, Big Data và AI.
Nhằm giải quyết các vấn đề bố trí trạm sạc không cân đối và thiếu quỹ đất để xây dựng, từ năm 2015, Trung Quốc đã ban hành hàng loạt chính sách nhằm thúc đẩy phát triển các bãi giữ xe thông minh.
Theo xu hướng thay đổi này, Viện nghiên cứu Qianzhan dự đoán rằng mảng đỗ xe thông minh sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm. Vào năm 2027, quy mô thị trường của ngành đỗ xe thông minh tại Trung Quốc sẽ đạt khoảng 54,6 tỷ nhân dân tệ.
Trạm sạc và bãi đỗ xe thông minh là "thị trường tương hỗ"
Sự phát triển của thị trường cho thấy có sự chồng chéo cao giữa bãi đỗ xe thông minh và nhu cầu chuyển đổi mạng lưới trạm sạc thông minh.
Các phương tiện năng lượng mới được sử dụng hằng ngày sẽ tạo ra một số lượng lớn nhu cầu đỗ và sạc xe. Sự mở rộng của ngành công nghiệp bãi đỗ xe thông minh trong những năm gần đây cũng được cho là sẽ đẩy nhanh quá trình đột phá và giải quyết "nghen cổ chai" về vấn đề sạc.
Từ năm 2017, Thâm Quyến, nơi tiên phong trong công cuộc giảm thải CO2 ở Trung Quốc, đã khởi động dự án thí điểm "bãi đỗ xe thông minh tích hợp trạm sạc".
Theo đó, Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam Trung Quốc (CSG) đã hợp tác với nền tảng đỗ xe thông minh "YiPark" của Thâm Quyến trong việc sử dụng tài nguyên bãi đậu xe bên đường để giải quyết tình trạng thiếu địa điểm sạc cho ô tô điện.
Để thúc đẩy sự phát triển của các phương tiện năng lượng mới, Thâm Quyến đã ban hành quy định rằng ô tô điện có thể đỗ miễn phí một giờ mỗi ngày tại Yipark.
Năm 2019, CSG đã thiết lập các điểm sạc bên đường ở quận Haizhu, Quảng Châu và trang bị các cột đèn thông minh tích hợp sạc nhanh DC để cung cấp dịch vụ sạc thuận tiện cho các chủ phương tiện.
Một bên là nhu cầu sạc thông minh do làn sóng sử dụng xe năng lượng mới mang lại, bên kia là nhu cầu đỗ xe thông minh trong đô thị. Sự kết hợp của cả hai có thể gỡ nút thắt cho ô tô điện tại Trung Quốc.