Nồng độ cồn bằng 0 và nỗi lo "mùa" liên hoan, tổng kết cuối năm
(Dân trí) - Với việc cứ có nồng độ cồn trong người mà lái ô tô là sẽ vi phạm nên ngay cả việc "nhấp môi" trong những dịp liên hoan cuối năm cũng làm tôi lo lắng (Độc giả Phan Khải).
Đầu tiên, tôi phải nói rằng mình hoàn toàn ủng hộ việc cơ quan chức năng xử phạt nghiêm các trường hợp người say xỉn, không đủ tỉnh táo mà lại điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, sự nghiêm đến mức tuyệt đối như này phải chăng đang tạo ra sự ngặt nghèo cho cả xã hội, làm thay đổi rất nhiều thói quen của người Việt.
Chẳng hạn đợt này cuối năm, là dịp các cơ quan và đơn vị tổ chức tổng kết hay gặp mặt. Ngồi trong bàn tiệc mà cầm cốc nước ngọt hay nước hoa quả rồi đi cụng ly chúc tụng nhau xem ra không hợp cảnh chút nào. Nhưng với việc lái xe có nồng độ cồn lớn hơn 0 là đã bị xử phạt, thì việc cầm ly rượu và "nhấp môi" thôi là cũng có nguy cơ vi phạm rồi.
Một số món ăn, khi chế biến thì người nấu cũng có thể thêm rượu như một phần gia vị, chẳng hạn bò sốt vang, gà nấu rượu vang…
Có người sẽ hỏi: Biết đi tiệc sao không chọn taxi? Thật sự có những trường hợp sáng vẫn phải đi xe để còn chở con tới trường, trưa hay tối mới liên hoan… Và còn rất nhiều lý do khác mà những ai thực sự trong hoàn cảnh mới hiểu được.
Nhưng xin nhắc lại là tôi không ủng hộ và không nêu ra lý do nhằm bao biện cho việc tài xế say xỉn mà vẫn lái xe. Tôi chỉ thấy rằng 0 độ tuyệt đối đang tạo ra sự ngặt nghèo quá mức cho người dân mà bên trên là một ví dụ.
Ví dụ khác là hôm trước liên hoan cơ quan, có uống bia rượu và đi lại bằng taxi. Nhưng hôm sau đi làm bằng xe riêng, cá nhân tôi và tôi tin rằng cũng sẽ có người giống mình, vừa đi vừa lo lắng liệu rằng nếu thổi thì có lên nồng độ cồn, bởi với quy định hiện nay thì kết quả là 0,01 cũng là vi phạm rồi.
Vấn đề tôi muốn nêu ra ở đây là ủng hộ việc lực lượng chức năng mạnh tay xử lý "ma men". Tuy nhiên với quy định nồng độ cồn bằng 0 như hiện nay đang tạo ra những bất cập nhất định, thậm chí ảnh hưởng tới cả tình hình kinh doanh của một số ngành nghề, một số công việc…
Lời giải tốt hơn cho vấn đề này là gì, tôi mong các độc giả Dân trí cùng đóng góp, cả xã hội cùng chung tay để tạo sự hài hòa.
Mấu chốt là xử phạt thật nặng những người say xỉn không đủ điều kiện mà vẫn tham gia giao thông, nhưng đừng làm khó nhưng người tỉnh táo nếu không muốn nói là xử phạt cả những người tỉnh táo vì những số đo kiểu 0,01…
Tôi hiểu rằng những quy định và mức xử phạt mà cơ quan chức năng đưa ra về sâu xa đều nhằm mục đích vì một xã hội tốt lên. Tuy nhiên, có những điều đi vào cuộc sống mới bộc lộ ưu điểm, hạn chế… bởi thế mới cần lắng nghe ý kiến phản biện để xem xét, điều chỉnh.
Trước khi có những thay đổi phù hợp hơn, tôi và mọi người hãy cùng nhau chấp hành nghiêm chỉnh luật.
Với cá nhân, dịp liên hoan và tổng kết cuối năm này thực sự với tôi là nỗi lo, sợ không dám "nhấp môi" theo đúng nghĩa là nhấp môi, và sợ cả việc uống hôm trước mà hôm sau tỉnh táo nhưng không chắc đã "bay" hoàn toàn hơi men.
Độc giả Phan Khải
Bài viết này thể hiện quan điểm của độc giả, không nhất thiết trùng với ý kiến của báo Dân trí.