Sau khi ăn rượu nếp bao lâu có thể lái xe mà không bị phạt nồng độ cồn?

Nhật Minh

(Dân trí) - Vào dịp Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch), nhiều người vẫn vô tư "diệt sâu bọ" rồi lái xe mà quên mất rằng trong rượu nếp (còn được gọi là cơm rượu nếp) có cồn.

Theo quy định xử phạt hành chính tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP), người điều khiển ô tô tuyệt đối không được phép sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn; còn đối với xe máy và motor, giới hạn cho phép là không vượt quá 50mg/100ml máu hoặc dưới 0,25mg/1 lít khí thở.

Trong khi đó, rượu nếp lên men tự nhiên là thực phẩm có chứa cồn. Do đó, nếu bạn điều khiển phương tiện ngay sau khi ăn rượu nếp thì chắc chắn sẽ dính lỗi nồng độ cồn.

Sau khi ăn rượu nếp bao lâu có thể lái xe mà không bị phạt nồng độ cồn? - 1

Cơm rượu nếp là món ăn truyền thống của người Việt trong ngày Tết Đoan Ngọ (Ảnh: Linh Võ).

Vậy sau khi ăn rượu nếp bao nhiêu lâu mới có thể lái xe mà không lo bị phạt nồng độ cồn?

Theo các chuyên gia y tế, tốc độ đào thải cồn khỏi cơ thể phụ thuộc nhiều yếu tố, như loại bia rượu, nồng độ cồn trong bia rượu/thực phẩm, uống lúc no hay đói, tuổi tác, giới tính, di truyền, cân nặng của người uống…

Có một điều chắc chắn là càng uống nhiều bia rượu hoặc ăn nhiều rượu nếp thì nồng độ cồn trong cơ thể càng cao.

Ngoài ra, nồng độ cồn còn phụ thuộc vào cơ thể, tình trạng bệnh lý của từng người. Có người ăn uống từ tối hôm trước nhưng sáng hôm sau nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở vẫn còn, nhưng có người thì không.

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một đơn vị uống chuẩn chứa 10g cồn tương ứng với: 1 chén rượu mạnh 40 độ (30ml); 1 ly rượu vang 13,5 độ (100ml); 1 vại bia hơi (330ml); hoặc 3/4 chai (lon) bia 5% (330ml).

Như vậy, để không bị thổi phạt về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, người điều khiển xe máy và motor không nên uống quá 2 đơn vị uống chuẩn, tương đương với 1,5 lon bia hoặc 2 ly rượu. 

Đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường, sau 1 giờ, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn. Tuy nhiên, để hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất thêm 1-2 giờ nữa.

Những người có chức năng gan suy yếu hay có cơ thể chuyển hóa chậm hơn sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Theo tính toán, sau 6-12 giờ vẫn đo được nồng độ cồn trong máu, sau 12-24 giờ vẫn đo được nồng độ cồn trong khí thở, sau 36 giờ vẫn đo được trong nước tiểu, và sau 72 giờ vẫn đo được khi xét nghiệm mẫu tóc.

Hiện nay, cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn dựa trên phương pháp đo bằng ống thở. Như vậy, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, ít nhất 24 giờ sau khi uống rượu bia hoặc sử dụng thực phẩm chứa cồn bạn hãy lái xe.

Với trường hợp nạp ít cồn vào cơ thể, như ăn một bát nhỏ rượu nếp hoặc uống vài chai bia thì cần tối thiểu 12 giờ để cơ thể đào thải cồn.

Mức phạt vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông

Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định cụ thể các mức phạt đối với vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông như sau:

Sau khi ăn rượu nếp bao lâu có thể lái xe mà không bị phạt nồng độ cồn? - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm