Nỗi lo thương hiệu Ferrari sẽ bị bình dân hoá

(Dân trí) - Trước thực tế nhu cầu thị trường tăng cao và việc mở rộng đối tượng khách hàng, Ferrari quyết định sẽ nới trần sản lượng do chính hãng đặt ra cách đây vài năm do muốn đảm bảo độ "quý hiếm" cho xe của hãng.

 


Một chiếc Ferrari F12 trong quá trình hoàn thiện trên dây chuyền sản xuất (Ảnh: DesignBoom)

Một chiếc Ferrari F12 trong quá trình hoàn thiện trên dây chuyền sản xuất (Ảnh: DesignBoom)

Theo trang CNBC, Ferrari dự kiến tăng gần 30% sản lượng từ 7.000 lên 9.000 xe/năm.

Hãng siêu xe Ý quyết định nâng trần sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày một tăng cao của các thị trường mới nổi và chính sách mở rộng đối tượng khách hàng.

Từ lâu, Ferrari vốn nổi tiếng là sản xuất xe không kịp để bán; nhưng lãnh đạo công ty lại giới hạn sản lượng hàng năm để đảm bảo độ hiếm cần thiết cho sản phẩm.

Trong nội bộ doanh nghiệp có mâu thuẫn về vấn đề này. Chủ tịch Ferrari khi đó - ông Luca di Montezemolo ủng hộ việc giới hạn sản lượng ở mức 7.000 xe/năm để "giữ giá" cho thương hiệu. Trong khi đó, ông Sergio Marchionne - Giám đốc điều hành Fiat-Chrysler (FCA) muốn đẩy mạnh doanh số. Và việc ông di Montezemolo từ chức cho thấy sự thắng thế của quan điểm Marchionne.

Và có lẽ không phải một sự trùng hợp ngẫu nhiên, tuần này, ông Marchionne đã chính thức đảm nhiệm vị trí chủ tịch Ferrari, với lời hứa sẽ không gây xáo trộn cho thương hiệu siêu xe Ý. Tuy nhiên, ông tự tin khẳng định rằng có thể tăng sản lượng lên mức 10.000 xe/năm mà không ảnh hưởng gì xấu đến Ferrari.

FCA cũng có chính sách tương tự với thương hiệu Maserati, nhưng việc thực hiện đơn giản hơn, không bị phản đối quyết liệt như với Ferrari, với mục tiêu doanh số tăng từ 15.000 lên 75.000 xe chỉ trong vòng 4 năm. Ban đầu, mọi việc có vẻ thuận lợi; với doanh số toàn cầu năm 2014 của Maserati đã tăng 137% nhưng sau đó sụt giảm; trong đó doanh số tại Mỹ giảm tới 34% trong tháng 9 vừa qua và giảm 8,2% nếu tính luỹ kế 3 quý đầu năm.

Dù ông Marchionne hứa hẹn sẽ không gây xáo trộn ở Ferrari, nhưng có vẻ như ít người tin điều đó, trước mắt là bởi chính sách tăng sản lượng mà nhiều ý kiến cho rằng sẽ làm "bình dân hoá" thương hiệu Ferrari.

Sự ra đi của ông Luca di Montezemolo được xem như sự chấm hết cho một kỷ nguyên rực rỡ của Ferrari. Ngoài ý nghĩa về tinh thần, xây dựng hình ảnh thương hiệu, ông là người đứng sau thành công về tài chính của Ferrari dù thực thi chính sách hạn chế sản xuất. Vào thời điểm ông từ chức - ngày 10/9/2014, Ferrari đã thông báo doanh thu cao kỷ lục, với lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm nay tăng 5% lên 185 triệu EUR và doanh số tăng 14% lên 1,35 tỷ EUR.

Liệu Ferrari dưới thời Sergio Marchionne có còn rực rỡ? Câu trả lời vẫn nằm ở phía trước.

Nhật Minh

Nỗi lo thương hiệu Ferrari sẽ bị bình dân hoá - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm