Những bài học quý cho ngành công nghiệp ô tô Việt

Từ kinh nghiệm của Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc và Ấn Độ, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có thể rút ra bài học cho riêng mình và tìm một hướng đi phù hợp.

Nhìn từ Malaysia

 

Từ năm 1985, chính phủ Malaysia đã đề ra một chính sách kiểm soát gắt gao để bảo hộ sản xuất xe hơi trong nước với tham vọng nắm quyền kiểm soát ngành công nghiệp xe hơi.

 

Sau gần 2 thập kỷ thực hiện chính sách này, Malaysia đã có cho riêng mình nhiều hãng xe, trong đó, đáng kể nhất là những cái tên như Proton hay Perodua.

 

Tuy nhiên, xe do Malaysia sản xuất chỉ có thể tiêu thụ ở thị trường nội địa, với thị phần ngày càng sụt giảm. Tương lai của các hãng xe Malaysia được nhìn thấy trước là hoặc phá sản, hoặc phải chịu sát nhập vào một “đại gia” ô tô nào đó trên thế giới. Hiệu quả của chính sách bảo hộ đã được thấy rõ.

 

Chỉ cách đây hơn 1 năm, tại Kuala Lumpur, những người sở hữu một chiếc Proton hay Perodua luôn cảm thấy mình bị lép vế bên cạnh những người sở hữu một chiếc xe mác ngoại.

 

Mới đây nhất, Chính phủ Malaysia đã quyết định dỡ bỏ chính sách bảo hộ sản xuất xe hơi trong nước, tạo nên một thị trường có sự cạnh tranh cao độ hơn. Người dân là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên từ sự thay đổi chính sách này.

 

Nhìn từ Thái Lan


Những bài học quý cho ngành công nghiệp ô tô Việt - 1

Thái Lan hiện tại đang được coi như một “Detroit của châu Á”, với tư cách là trung tâm cung cấp xe hơi và phụ tùng của nhiều hãng xe lớn ra toàn thế giới.

 

Sản lượng ô tô Thái Lan hiện đạt khoảng 1,2 triệu xe/năm, với hơn nửa trong số đó được xuất khẩu, khiến Thái Lan củng cố vững chắc vị thế nước xuất khẩu xe hơi lớn thứ 3 châu Á, sau Nhật Bản và Hàn Quốc.

 

Thái Lan không làm theo cách mà Malaysia hay Việt Nam đã áp dụng. Cho đến giờ, Thái Lan vẫn chưa có riêng cho mình một mác xe nội địa. Nhưng, họ đã xây dựng được tới 700 nhà sản xuất linh kiện xe hơi và 1.000 nhà sản xuất phụ trợ, khiến nước này trở thành một “cơ sở” cung cấp linh kiện có uy tín đối với hầu hết với các hãng xe lớn trên thế giới.

 

Chưa dừng lại ở đó, Ủy ban đầu tư Thái Lan và Viện ô tô nước này đang ban hành những chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước sản xuất những cụm linh kiện then chốt của xe hơi chưa từng được sản xuất tại Thái Lan như hệ thống phun nhiên liệu điện tử hay hệ thống chống bó cứng phanh (ABS)… rồi hệ thống những trung tâm thiết kế, đào tạo và phát triển nhân lực.

 

Với tất cả “hạ tầng” hoàn thiện như vậy, Thái Lan sẽ giúp các nhà đầu tư giảm chi phí khiến họ hào hứng hơn khi đến nước này.

 

Phát triển đúng hướng với những chính sách hợp lý, ngành công nghiệp ô tô Thái Lan đã phát triển từ vị trí hàng đầu trong ASEAN trở thành một trung tâm sản xuất xe hơi lớn ở châu Á.

 

Thái Lan đã từng là một trong những nước hàng đầu sản xuất và cung cấp xe bán tải cho nhiều nước trên thế giới. Giờ đây, nước này đang có kế hoạch phát triển các mẫu xe thuộc dự án “xe nhỏ tốt nhất”, mang đến cho khách hàng những mẫu xe du lịch giá rẻ, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện môi trường.

 

Có thể nói Thái Lan đã đi đúng hướng trong phát triển công nghiệp xe hơi theo hướng tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, với trọng tâm sản phẩm cụ thể, chứ không phát triển mác xe nội địa bằng mọi giá.

 

Nhìn từ Trung Quốc

 

Hiện tại, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành thị trường xe hơi lớn nhất thế giới. Các hãng xe nước ngoài đổ xô vào đây đầu tư và liên tiếp gặt hái thành công ngoài mong đợi. Các hãng xe nội địa cũng ngày càng phát triển và khẳng định vị thế riêng của mình tại thị trường ô tô đang tăng trưởng chóng mặt này.

 

Phát triển ngành công nghiệp ô tô từng là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Trung Quốc. Gần 30 năm trước đây, công nghiệp ô tô Trung Quốc cũng được bảo hộ chặt chẽ. Nhưng qua bao nhiêu thăng trầm phát triển, kể cả quá trình “đại nhảy vọt”, nước này chỉ có vài doanh nghiệp tạm gọi là lớn. Nhưng với 2.500 công ty ô tô và linh kiện phụ trợ được nhà nước bảo hộ, ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc có tổng doanh thu hàng năm chưa bằng doanh số bán ra của một hãng xe trung bình tại Nhật, Mỹ hay châu Âu.

 

Giữa thập kỷ 80 của thế kỷ 20, chính phủ Trung Quốc thay đổi chính sách theo hướng xóa bỏ những rào cản và có nhiều ưu đãi với nhà đầu tư nước ngoài.

 

Năm 1994, chính phủ Trung Quốc ban hành Chính sách phát triển công nghiệp ô tô, lần đầu tiên “xác nhận” mối llên hệ giữa xe hơi và gia đình, mở ra thị trường phát triển rộng lớn cho xe hơi. Đây được coi là mốc lịch sử đáng nhớ trong sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc.

 

Nhìn từ Ấn Độ

 

Những chiếc xe hơi đầu tiên xuất hiện tại Ấn Độ từ năm 1898. Từ đó đến nay, công nghiệp ô tô Ấn Độ đã trải qua nhiều bước phát triển thăng trầm.

 

Ban đầu, chính phủ quốc gia Nam Á này cũng tiến hành bảo hộ ô tô nội địa. Kết quả là mọi sự đi vào bế tắc. Qua nhiều bước phát triển, đến những năm 2000, chính sách tự do hóa và sự hỗ trợ về thuế của chính phủ Ấn Độ, với việc xóa bỏ nhiều rào cản đầu tư và thương mại, đã tạo điều kiện cho xe hơi phát triển cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu.

 

Những chính sách mới đã “biến” chiếc ôtô từ một mặt hàng sang trọng trở thành thứ hàng hóa phổ thông, với sức tiêu thụ ngày càng tăng.

 

Ấn Độ hiện đang trở thành một “thế lực” ô tô toàn cầu. Nước này hiện đang là nhà sản xuất xe 2 bánh lớn thứ 2 thế giới; đứng thứ 11 trên thế giới trong phân khúc xe du lịch và thứ 13 trong phân khúc xe thương mại. Đây được coi là điểm đến lý tưởng của nhiều “ông lớn” chế tạo xe hơi trên thế giới.

 

Ấn Độ đang tham vọng trở thành trung tâm sản xuất ôtô hàng đầu thế giới vào năm 2016 với việc đặt ra “Kế hoạch hành động về ô tô-APM”, đặt ra nhiệm vụ tăng trưởng doanh số lên 32 triệu xe vào giai đoạn 2015-2016, với tổng đầu tư 35-40 tỷ USD.

 

Song song với việc đề ra và thực hiện chính sách nêu trên, chính phủ Ấn Độ còn chú trọng phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông với quan điểm: Gải quyết vấn đền giao thông bắt đầu từ cơ sở hạn tầng, gia tăng lưu lượng ôtô trên đường.

 

Nước này cũng đã phát triển được nguồn nhân lực trình độ cao. Riêng trong ngành công nghiệp ô tô, số nhân công Ấn Độ lao động tại đây ước tính lên đến 25 triệu vào năm 2016. Các chuyên gia cho biết cứ 1 người làm trong ngành công nghiệp xe hơi sẽ kéo theo 7 việc làm gián tiếp trong các ngành kinh tế khác.

 

Bài học cho ngành ô tô Việt Nam

 

Nhiều người cho rằng Việt Nam chỉ còn 8 năm để phát triển ngành công nghiệp ô tô của riêng mình.

 

Đây không phải là nhận định không có cơ sở. Theo công bố của Bộ Tài chính, các loại thuế suất đánh vào ô tô sẽ phải giảm xuống 70% sau 7 năm gia nhập WTO. Nghĩa là, đến năm 2014, thuế xe nguyên chiếc nhập khẩu từ các nước thành viên WTO sẽ giảm từ 83% hiện tại xuống 70%.

 

Dòng xe có dung tích xilanh từ 2.5 trở lên sẽ giảm thuế suất từ 90% xuống 52% vào năm 2019.

 

Đối với xe nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN, tốc độ giảm thuế sẽ nhanh hơn so với cam kết WTO. Các loại xe chở người đến 9 chỗ sẽ có thuế suất 0% vào năm 2018.

 

Tất cả những điều này là thách thức không nhỏ cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô nước nhà.

 

Theo ông Ngô Văn Trụ, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), nếu chúng ta không nhanh chóng thúc đẩy sản xuất ô tô trong nước thì thâm hụt thương mại trong ngành ô tô sẽ là trên 12 tỷ USD đến năm 2025 (với giá xe trung bình 20.000 USD/chiếc). Cán cân thương mại sẽ cân bằng nếu 80% xe tiêu thụ được sản xuất trong nước, với tỷ lệ nội địa hóa khoảng 70%.

 

Việt Nam có dân số trẻ; thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng; cơ sở hạ tầng ngày càng được mở rộng và phát triển. Đây là những tiền đề hết sức quan trọng để ngành công nghiệp ô tô nước nhà có cơ hội phát triển và cất cánh, nếu như có chính sách phát triển đúng đắn.

 

Theo Tùng Lâm

Vietnam+