Nhìn lại ngành công nghiệp ô tô năm 2009

(Dân trí) - Không thể phủ nhận rằng 2009 là một trong những năm tệ nhất trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô, không chỉ bởi hai “đại gia” GM và Chrysler rơi vào tình trạng bảo hộ phá sản, cùng với doanh số toàn cầu sụt giảm kỷ lục.

Đã có không ít thương hiệu bị khai tử, như Saturn, Pontiac và sẽ có thể là cả Saab. Nhiều đại lý hoạt động lâu năm buộc phải đóng cửa. Vận may không mỉm cười với những thương hiệu như Toyota. Nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới này không những phải chứng kiến doanh số sụt giảm mạnh, mà còn cả ác mộng thu hồi xe và các vấn đề an toàn.

 

Cũng có những sự sụt giảm doanh số ngoài dự kiến, như với mẫu Insight Hybrid (ảnh dưới) giá 19.800 USD tại Mỹ của Honda.


Nhìn lại ngành công nghiệp ô tô năm 2009 - 1

Theo thông tin từ Automotive News, ban đầu Honda kỳ vọng sẽ bán được 90.000 chiếc trong năm 2009, sau đó giảm mục tiêu xuống còn 60.000 chiếc do tình hình suy giảm kinh tế. Nhưng kể từ ngày ra mắt hồi tháng 3/2009, mẫu Honda Insight chỉ đạt doanh số 17.530 chiếc.

 

Trong khi đó, Edmunds dự báo tiêu thụ xe con và xe việt dã/đa dụng trong năm 2009 chỉ đạt khoảng 10,4 triệu chiếc, mức thấp nhất kể từ năm 1970.

 

Minh họa cho điều này, có thể nhìn vào doanh số trung bình của toàn ngành ô tô trong giao đoạn giữa những năm 2000 là 16 triệu chiếc/năm. Nhưng từ năm 2007 đến 2009, doanh số giảm 36,4%, theo Edmunds.

 

Sự kiện lớn nhất trong ngành công nghiệp ô tô năm 2009 vừa qua là vụ bảo hộ phá sản của hai “gã khổng lồ Detroit” Chrysler và GM. Sau khi ra khỏi tình trạng bảo hộ phá sản, Chrysler có tập đoàn Fiat của Ý trở thành cổ đông chính, còn GM nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ Mỹ.

 

GM thoát khỏi tình trạng bảo hộ phá sản với khoản nợ chỉ còn 17 tỷ USD, trong đó có 6,7 tỷ USD nợ chính phủ Mỹ. Chính phủ đã “bơm” 52 tỷ USD cho GM để đổi lấy việc nắm giữ 61% cổ phần tập đoàn.

 

Doanh số ô tô tháng 11/2009 cho thấy đã bắt đầu có sự phục hồi. Mặc dù tổng doanh số của GM giảm 2,2% so với năm 2008, nhưng doanh số của các thương hiệu chính -Chevrolet, Cadillac, Buick và GMC - đã tăng 5,6%.

 

2009 mặt khác là năm thành công của một số thương hiệu như Hyundai, Kia, Subaru, Buick và Ford.

 

Sau 11 tháng đầu năm 2009, thị phần của Hyundai tại Mỹ đã tăng lên 4,3%, so với mức 3,2% cách đó một năm. Thị phần của Kia tăng từ 2,1% lên 3%. Hyundai ghi điểm với xe Genesis sedan và coupe. Kia có các sản phẩm mới như Forte và Soul. Subaru có mẫu Legacy sedan, Outback wagon, và Forester mới. Trong khi đó, Volkswagen có CC sedan hạng trung, và Jetta động cơ diesel.

 

Thị phần của Subaru tăng từ 1,4% lên 2,1% sau 11 tháng đầu năm 2009. Ford và Buick cũng gặt hái nhiều thành công trong năm 2009.

 

Buick dần xóa bỏ hình ảnh thương hiệu xe dành cho người già, bằng việc tung ra thị trường mẫu LaCrosse thế hệ mới trẻ trung và gợi cảm hơn, với tham vọng cạnh tranh Lexus.

 

Với Ford, dấu ấn của CEO Alan Mulally thể hiện rõ rệt. Ông đã đẩy mạnh đầu tư phát triển ô tô cỡ nhỏ hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn và dồn tập trung vào các thương hiệu Ford, Mercury và Lincoln. Quyết định sáng suốt của ông Mulally đã giúp Ford không phải dùng đến tiền cứu trợ khẩn cấp của chính phủ. Doanh số có dấu hiệu khởi sắc, Ford có xe bán chạy nhất trong nhiều phân khúc thị trường tại Mỹ, đặc biệt là mẫu Ford Fusion.

 

Huy Nghĩa
Theo Post-Gazette