Nhiều mẫu xe Trung Quốc hẹn ra mắt nhưng mãi chưa mở bán tại Việt Nam
(Dân trí) - Những cái tên như Haval Jolion hay Omoda C5 đã được hé lộ từ lâu, thậm chí có sản phẩm đã được tổ chức lái thử, nhưng mãi vẫn chưa chính thức ra mắt thị trường Việt Nam.
Từ đầu năm đến nay, thị trường ô tô Việt Nam vẫn liên tục đón nhận sự gia nhập của nhiều sản phẩm mới. Trong đó, có thể thấy rõ xe Trung Quốc đang dần trở thành một "thế lực" mới.
Tuy nhiên, một số sản phẩm đến từ đất nước tỷ dân dường như đang "rụt rè", mãi chưa ra mắt chính thức, dù đã được nhà phân phối xác nhận.
Haval Jolion
Những thông tin về Jolion được phía đại lý hé lộ từ đầu năm 2024. Sau đó, đại diện của Haval Việt Nam đã nhanh chóng xác nhận sự xuất hiện của mẫu xe này, dự kiến sẽ giới thiệu vào giữa năm.
Thế nhưng đến nay đã là tháng 10, Haval Việt Nam vẫn chưa có động thái gì liên quan đến việc ra mắt sản phẩm mới. Lần gần nhất chia sẻ với phóng viên báo Dân trí, một nhân viên tư vấn bán hàng ở Hà Nội cho biết Jolion sẽ được giới thiệu vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10.
Trước đó, đại diện của hãng cho biết, Haval Jolion sẽ được phân phối với 2 phiên bản, biến thể tiêu chuẩn dự kiến sẽ có giá dưới 700 triệu đồng. Mẫu xe này được định vị ở phân khúc SUV cỡ B+, cạnh tranh với Toyota Corolla Cross và Mazda CX-30.
Tương tự H6 HEV, Haval Jolion chỉ có duy nhất tùy chọn động cơ hybrid, gồm máy xăng tăng áp 1.6L kết hợp với mô-tơ điện, hộp số tự động ly hợp kép 7 cấp và hệ dẫn động cầu trước. Cấu hình này tạo ra tổng công suất tối đa 190 mã lực và mô-men xoắn cực đại đạt 375Nm.
GWM Tank 300
Ngoài Jolion, GWM Tank 300 cũng được Haval Việt Nam xác nhận sẽ ra mắt trong năm nay. Thông tin này được chia sẻ tới giới truyền thông từ đầu năm 2024 nhưng đến nay vẫn chưa được cập nhật thêm; thậm chí, phía đại lý còn không hé lộ gì về mẫu xe này.
Tank 300 là sản phẩm của Tập đoàn Ô tô Trường Thành (Great Wall Motor) - công ty mẹ của thương hiệu Haval.
Dù có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng khi được hé lộ vào đầu năm nay, mẫu xe này vẫn thu hút sự quan tâm của một bộ phận người dùng thích "phượt", đam mê xê dịch nhờ thiết kế góc cạnh, mang đậm phong cách việt dã, gợi liên tưởng đến các dòng Land Rover hoặc Jeep.
Nếu nhập khẩu từ Thái Lan, Tank 300 sẽ khó có giá rẻ khi về Việt Nam. Tại xứ sở chùa Vàng, xe có 2 biến thể với giá bán dao động 1,649-1,799 triệu baht, quy đổi khoảng 1,116-1,218 tỷ đồng. Tầm tiền này đã chạm ngưỡng các mẫu SUV hạng D đang mở bán trên thị trường, như Ford Everest (từ 1,099 tỷ đồng).
Haval là thương hiệu mới, việc phân phối một sản phẩm có giá cao như vậy khó đảm bảo thành công, theo nhận định của giới chuyên gia. Đây có thể là nguyên nhân khiến mẫu xe này mãi chưa được ra mắt.
Tank 300 có giá cao như vậy do tại Thái Lan, xe chỉ có duy nhất tùy chọn động cơ hybrid. Cơ cấu truyền động này gồm máy xăng 2.0L tăng áp, sản sinh 244 mã lực và 380Nm, kết hợp với mô-tơ điện (106 mã lực và 268Nm).
Omoda C5 và E5
Từ năm 2023 đã có thông tin Chery rục rịch quay trở lại Việt Nam thông qua 2 thương hiệu Omoda & Jeacoo. Sản phẩm đầu tiên được hé lộ là Omoda C5, có thể xếp vào phân khúc SUV cỡ B+ dựa trên kích thước.
Đến tháng 4/2024, hai thương hiệu Trung Quốc này và tập đoàn Geleximco của Việt Nam đã ký kết hợp đồng liên doanh và hợp tác xây dựng nhà máy ô tô ở Thái Bình.
Trước mắt, hãng sẽ nhập khẩu xe từ Indonesia để phân phối; Omoda C5 và E5 dự kiến "chào sân" trong quý III, còn Jeacoo 7 và 7 PHEV sẽ được đưa về vào quý IV.
Đến nay, Omoda C5 hay E5 vẫn chưa có lịch ra mắt tại Việt Nam. Trên mạng xã hội, một số tài khoản cá nhân tự xưng là nhân viên tư vấn bán hàng của thương hiệu này cho biết, xe sẽ được giới thiệu trong tháng này. Tuy nhiên, đại diện của hãng vẫn chưa xác nhận.
Trước đó, nguồn tin của phóng viên báo Dân trí cho biết, Omoda C5 sẽ được mở bán với 2 phiên bản. Khác biệt chính giữa 2 biến thể này sẽ nằm ở một số tính năng tiện nghi và an toàn.
Trang bị ngoại thất của 2 phiên bản này sẽ khá tương đồng. Động cơ chỉ có duy nhất tùy chọn là máy xăng 1,5L tăng áp, sản sinh công suất tối đa 150 mã lực và mô-men xoắn cực đại đạt 230Nm.
Khi về Việt Nam, Omoda E5 sẽ tương tự nhiều mẫu xe điện Trung Quốc khác trên thị trường, gặp hạn chế khi không có hệ thống trạm sạc riêng. Hiện tại, đã có đơn vị thứ 3 làm trạm sạc nhưng độ phủ chưa lớn và chi phí chưa rẻ.
VinFast là hãng xe duy nhất sở hữu hệ thống trạm sạc công cộng gần như phủ khắp toàn quốc, nhưng chưa có ý định chia sẻ cho các thương hiệu khác.
Về khả năng vận hành, Omoda E5 được trang bị động cơ điện có công suất 204 mã lực và mô-men xoắn cực đại đạt 340Nm. Bộ pin đi kèm có dung lượng 61kWh, đem lại phạm vi hoạt động tối đa 430km sau mỗi lần sạc đầy; xe có hỗ trợ sạc nhanh, mất 30 phút để sạc 30-80% pin với nguồn 110kW.