Nhà sản xuất ô tô Đức bị kiện vì vụ cháy tàu chở xe điện

Nhật Minh

(Dân trí) - Chiếc tàu chở gần 4.000 ô tô đã bị cháy ở ngoài khơi Bồ Đào Nha và chìm xuống biển. Nguyên nhân hỏa hoạn được cho là bắt nguồn từ cụm pin của một xe điện hạng sang ở trên tàu.

Mitsui OSK Lines, hãng vận hành tàu chở ô tô Felicity Ace bị cháy và chìm cùng với 3.965 chiếc xe vào đầu năm 2022, đã cùng với công ty bảo hiểm Allianz và nhiều nguyên đơn đệ đơn kiện tập đoàn ô tô Volkswagen của Đức.

Nhà sản xuất ô tô Đức bị kiện vì vụ cháy tàu chở xe điện - 1

Tàu kiểu RoRo như Felicity - ô tô tự lăn bánh lên xuống tàu, không dùng cẩu - thường được xếp khá chật, nên chỉ một ngọn lửa nhỏ cũng có thể lan nhanh thành đám cháy lớn (Ảnh: Getty Images).

Vào ngày 10/2/2022, tàu Felicity Ace đã rời cảng Emden ở Đức để đi tới đảo Rhode (Mỹ), chở theo nhiều xe đắt tiền chủ yếu mang các thương hiệu Audi, Porsche, Bentley, và Lamborghini của tập đoàn Volkswagen (VW), trong đó có cả xe điện.

Đến ngày 16/2/2022, chiếc tàu này bốc cháy ở ngoài khơi Bồ Đào Nha. Toàn bộ 22 thành viên thủy thủ đoàn đã rời bỏ tàu và được hải quân Bồ Đào Nha cứu. Nỗ lực cứu tàu bất thành, nó đã chìm xuống biển vào tháng 3.

Theo hãng tin Bloomberg, các bên nguyên đơn cho rằng hỏa hoạn bắt nguồn từ  cụm pin điện áp cao của một chiếc xe điện hiệu Porsche. Nguồn tin này cũng cho biết, VW đã xác nhận rằng có vụ kiện, nhưng từ chối bình luận thêm.

Bloomberg cho biết, các nguyên đơn cho rằng VW đã không thông báo cho họ về mối nguy hiểm và cần có các biện pháp phòng ngừa cần thiết khi vận chuyển xe điện.

Công ty tư vấn rủi ro bảo hiểm Russell ước tính thiệt hại của vụ cháy tàu Felicity Ace có thể vượt mức 400 triệu USD.

Công ty bảo hiểm Allianz trước đây từng nhấn mạnh các mối nguy khi vận chuyển xe điện, khẳng định rằng các vụ cháy tàu chở ô tô thường do hiện tượng đoản mạnh nếu cụm pin 12V không được ngắt kết nối đúng kỹ thuật. Tuy nhiên, hiện tượng đoản mạch cũng có thể xảy ra ở xe dùng động cơ đốt trong.

Ô tô điện có nguy cơ cháy thấp hơn xe động cơ đốt trong, nhưng vấn đề là một khi đã cháy thì rất khó dập lửa, nhất là trong điều kiện thiếu thốn các phương tiện chữa cháy như trên tàu biển.

Theo báo cáo hoạt động năm 2023 của Allianz, cháy là nguyên nhân thứ hai dẫn tới việc mất tàu biển trong năm đó, với 8 vụ mất tàu và 209 sự cố xảy ra - mức cao nhất trong vòng 10 năm.

Việc phải chở nhiều pin lithium-ion hơn, không chỉ để dùng cho xe điện mà còn các thiết bị điện tử gia dụng khác, được coi là nguyên nhân chính gây hỏa hoạn trên tàu.

Allianz cho biết để hạn chế nguy cơ cháy khi vận chuyển xe điện, cụm pin chỉ được để ở mức 30-50%. Với ô tô dùng động cơ đốt trong, quy định hiện tại là chỉ được để 1/4 bình nhiên liệu.

Tuy nhiên, thực tế là chưa có vụ cháy tàu nào được kết luận nguyên nhân là do xe điện, tất cả chỉ là dự đoán, nghi ngờ.

Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm coi các vụ cháy liên quan tới pin là mối nguy ngày càng lớn, và muốn các công ty vận chuyển bằng tàu biển phải có trách nhiệm đánh giá mức độ rủi ro và muốn có tàu chuyên dụng chở xe điện. Việc này chắc chắn sẽ làm tăng chi phí vận chuyển.