Nhà máy động cơ diesel lớn nhất thế giới chuyển sang sản xuất mô-tơ điện
(Dân trí) - Nhu cầu đối với động cơ diesel giảm xuống, đặc biệt là sau vụ bê bối gian lận khí thải gây chấn động thế giới, đã khiến nhà máy này phải từng bước chuyển sang sản xuất mô-tơ điện.
Nhà máy động cơ diesel lớn nhất thế giới ở Tremery, miền đông nước Pháp sẽ chuyển sang hoàn toàn sản xuất mô-tơ chạy điện. Năm ngoái, nhà máy này đã sản xuất 120.000 mô-tơ điện, dự kiến sẽ tăng lên 180.000 trong năm nay, và mục tiêu cuối cùng là sản lượng 900.000 mô-tơ điện mỗi năm.
Kể từ khi đi vào hoạt động vào năm 1979 đến nay, nhà máy Tremery đã xuất xưởng khoảng 50 triệu động cơ đốt trong. Tuy nhiên, nhu cầu đối với động cơ diesel đã giảm dần đều sau vụ bê bối gian lận khí thải, trong khi các quy định về khí thải được siết chặt đã buộc các nhà sản xuất ô tô phải điện khí hóa danh mục sản phẩm; nếu không sẽ phải nộp phạt rất nhiều.
Bà Laetitia Uzan, một đại diện công đoàn Ủy ban Giao dịch hóa hàng tương lai (CFTC) tại Tremery chia sẻ với hãng tin Reuters rằng: "2021 sẽ là năm bản lề, chứng kiến sự chuyển đổi thực sự lần đầu tiên sang kỷ nguyên xe chạy điện." Tại châu Âu, ít nhất 20 mẫu xe đã không còn bản diesel, từ Volkswagen Polo tới Honda Civic.
Theo dữ liệu của JATO, lượng xe chạy điện đăng ký mới ở EU lần đầu tiên đã vượt xe động cơ diesel vào tháng 9/2020. Trên thực tế, doanh số xe chạy điện đã tăng 122% trong 9 tháng đầu năm 2020, trong khi tổng doanh số thị trường ô tô giảm 29% do đại dịch Covid-19.
Khi nhu cầu đối với xe chạy điện tăng lên, các nhà máy như ở Tremery đối mặt với những vấn đề khác nhau. Lượng linh kiện, phụ tùng của mô-tơ điện chỉ bằng 1/5 động cơ diesel truyền thống, nên việc làm của khoảng 3.000 nhân công nhà máy này đang bị đe dọa.
Bà Uzan thừa nhận vấn đề này, nhưng lạc quan rằng quá trình cắt giảm sẽ diễn ra từ từ, giảm từ từ thông qua việc đến tuổi nghỉ hưu của công nhân, chứ không cần sa thải. Nhà máy nói trên ở Tremery thuộc sở hữu của Stellantis- doanh nghiệp vừa ra đời từ việc sáp nhập Tập đoàn PSA và FCA.