Nguy cơ cháy ô tô sau va chạm: Kỹ năng thoát hiểm nhiều người vẫn xem nhẹ

Nhật Minh

(Dân trí) - Sự hoảng hốt, mất bình tĩnh sau va chạm có thể khiến bạn bỏ lỡ thời điểm "vàng" để cứu người, cứu tài sản trước nguy cơ hỏa hoạn; thậm chí hành động sai lầm có thể khiến hậu quả thêm nghiêm trọng.

Nguy cơ cháy ô tô sau va chạm chủ yếu xuất phát từ việc rò rỉ các dung dịch dễ cháy, như dầu phanh, dầu hộp số... hoặc nhiên liệu.

Thông thường các chất lỏng này nằm trong bình chứa an toàn trên xe, nhưng khi xảy ra va chạm, bình chứa hoặc đường ống dẫn có thể bị vỡ hoặc rò rỉ, khiến dung dịch chảy ra ngoài, tiếp xúc với các chi tiết kim loại nóng hoặc tia lửa điện, dễ dẫn tới hỏa hoạn.

Nguy cơ cháy ô tô sau va chạm: Kỹ năng thoát hiểm nhiều người vẫn xem nhẹ - 1

Hình ảnh chiếc Porsche Macan bốc cháy ngùn ngụt sau va chạm mạnh trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào ngày 11/11 (Ảnh chụp màn hình).

Ngay sau khi xảy ra tai nạn, việc đầu tiên cần làm là thoát khỏi chiếc xe một cách an toàn. Do đó, hãy lập tức mở khóa cửa, hạ kính, và mở cửa sổ trời (nếu có) để giảm nguy cơ ngộ độc khói, ngạt khí, và tăng khả năng thoát hiểm cho những người ở trong xe và giúp lực lượng cứu hộ, cứu hỏa dễ dàng tiếp cận, giải thoát nạn nhân nhanh hơn.

Hãy tháo dây an toàn càng nhanh càng tốt vì hỏa hoạn có thể làm cháy phần chốt khóa.

Nếu không thể mở cửa bằng tay, hãy thử dùng hai chân đạp thật mạnh.

Với cửa kính, để phòng các tình huống khẩn cấp, các chủ xe nên để sẵn trên ô tô dụng cụ thoát hiểm. Búa thoát hiểm đa năng sẽ có cả đầu kim loại nhọn và cứng để đập vỡ kính và lưỡi dao để cắt dây an toàn.

Nguyên tắc thoát hiểm quan trọng là phải đảm bảo an toàn cho bản thân trước, thì mới có thể cứu giúp người khác. Hãy cố gắng tự thoát ra khỏi xe và đưa tất cả những người khác, cũng như tài sản quý trên xe tới vị trí an toàn, cách xa chiếc ô tô vừa gặp nạn và xa đường xe chạy để tránh nguy cơ tai nạn nối tiếp tai nạn.

Để phòng nguy cơ cháy xe sau va chạm, cần lập tức tắt máy để ngắt nguồn điện. Nếu phát hiện có mùi khét nhưng chưa có khói và lửa, bạn có thể mở nắp ca-pô để kiểm tra, dội nước để hạ nhiệt hoặc sử dụng bình cứu hỏa.

Tuy nhiên, nếu đã xảy ra cháy ở khoang máy (có khói hoặc lửa), tuyệt đối không mở nắp ca-pô để tránh tăng lượng oxy tràn vào, khiến lửa cháy lớn hơn, thậm chí có thể dẫn tới nổ.

Khi đã xảy ra cháy, hãy dùng bình chữa cháy, nước, cát, vải ướt,… phủ lên nắp ca-pô hoặc cả xe để giảm nhiệt độ và kiểm soát ngọn lửa. Hãy chú ý chữa cháy cho cả lốp vì cao su là vật liệu dễ cháy.

Khi ô tô bốc cháy, mối nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng con người chủ yếu đến từ khói độc (do các vật liệu tổng hợp bị đốt cháy) và từ sức nóng của ngọn lửa. Nhiệt độ của một đám cháy ô tô có thể lên đến hơn 800 độ C.

Ngoài ra, trong quá trình cháy nổ, một số bộ phận trên xe có thể vỡ do nhiệt độ cao, và các mảnh vụn có thể văng xa cả chục mét, trở thành "vũ khí sát thương".

Song song hoặc sau khi nỗ lực hết sức để cứu người và tài sản, hãy liên hệ với các cơ quan chức năng để được trợ giúp.