Người dân bị từ chối kiểm định ôtô vì chưa nộp 'phạt nguội'
Ban đầu, Cục Ðăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) dẫn thông tư của bộ để làm cơ sở từ chối kiểm định với xe ô tô bị phạt nguội (chưa nộp phạt), nhưng khi bị Bộ Tư pháp “tuýt còi”, cơ quan này dẫn một quy định khác trong nghị định của Chính phủ để tiếp tục áp dụng.
Không vi phạm cũng bị chế tài?
Phản ánh với Tiền Phong, anh Phạm Văn Lợi (Thanh Xuân, Hà Nội) kể, đầu tháng 8 anh đưa ô tô đi kiểm định thì bị cơ quan đăng kiểm từ chối, vì xe bị phạt nguội lỗi lấn làn từ tháng 2/2018, nhưng chưa nộp phạt. Khi đó anh Lợi hết sức lúng túng, vì anh không biết mình phạm lỗi khi nào, cũng không nhận được thông báo xử phạt của Cảnh sát giao thông Hà Nội, đành ngậm ngùi lấy thông báo nộp phạt và đem xe về. Đến khi nhớ lại, anh Lợi mới ngỡ ra ngày xe của anh được cho là vi phạm thì anh đang đi công tác, cho người bạn mượn, nên người phạm lỗi không phải anh.
“Xử phạt là răn đe lái xe, mình không phải người vi phạm, nhưng nếu không nộp phạt không kiểm định xe được. Cảm thấy không công bằng nhưng không làm gì được”, anh Lợi bức xúc. Những trường hợp rơi vào tình cảnh như anh Lợi không hiếm, khi bị phạt nguội nhưng không nhận được thông báo xử phạt. Chỉ khi đưa xe đi kiểm định, cơ quan đăng kiểm từ chối đăng kiểm mới biết.
Trả lời Tiền Phong về cơ sở để đăng kiểm áp dụng hình thức trên, ông Đặng Trần Khanh, Phó trưởng Phòng kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm) cho biết: Căn cứ theo quy định tại Điểm g Khoản 6 Điều 27 Nghị định 63/2016 về Điều kiện kinh doanh dịch vụ đăng kiểm. Theo đó, cơ quan đăng kiểm có trách nhiệm thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác đảm bảo an toàn giao thông, tình trạng kỹ thuật của phương tiện và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Theo ông Khanh, hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị đăng kiểm thường nhận được văn bản từ cơ quan công an, tòa án đề nghị hỗ trợ tạm dừng kiểm định các xe cơ giới là tang vật, công cụ, phương tiện của các vụ án vi phạm pháp luật; các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Cơ sở để từ chối kiểm định với xe chưa nộp phạt nguội được ông Khanh dẫn ra trái ngược hoàn toàn những trả lời trước đó với báo chí của lãnh đạo Cục Đăng kiểm. Khi trước đó, lãnh đạo cơ quan này thường dẫn quy định tại Khoản 6 Điều 4 Thông tư 70/2015 của Bộ GTVT để từ chối kiểm định xe, cụ thể: “Không được thực hiện trong kiểm định xe cơ giới khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định”.
Với trường hợp người lái xe vi phạm nhưng chưa nộp phạt (nguội), chủ xe vẫn bị từ chối kiểm định, trong khi việc xử phạt vi phạm nhằm điều chỉnh hành vi lái xe, ông Khanh đề nghị liên hệ cơ quan ra quyết định xử phạt để có câu trả lời chính xác.
Ðảo quy định vì bị “tuýt còi”
Trao đổi với Tiền Phong, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Kiểm tra Văn bản Quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho hay, cuối năm 2017, khi dư luận có những phản ánh về việc đăng kiểm từ chối kiểm định xe bị phạt nguội chưa nộp phạt, cơ quan này đã vào cuộc rà soát (Tiền Phong từng có nhiều bài viết về vấn đề này - PV). Ngay sau đó, Cục Kiểm tra Văn bản đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT xử lý nội dung việc dừng đăng kiểm do chưa nộp phạt nguội nêu tại Thông tư 70/2015. Theo đó, cơ quan thuộc Bộ Tư pháp cho rằng, quy định tại Điều 4 Thông tư 70 có một số điểm không phù hợp với Luật Giao thông Đường bộ năm 2008.
Cụ thể, luật quy định xe ô tô phải được kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Bộ GTVT phải có trách nhiệm thực hiện. Trong khi Luật Giao thông đường bộ không quy định về trường hợp không kiểm định. Tuy nhiên, Thông tư 70 lại quy định về trường hợp không kiểm định, trong đó có cả lý do không thuộc về kỹ thuật, như không kiểm định với xe chưa nộp phạt nguội theo yêu cầu của cơ quan cảnh sát giao thông. Do đó, quy định trên không đầy đủ căn cứ pháp lý về thẩm quyền.
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng cho rằng, nội dung quy định tại Khoản 6 Điều 4 Thông tư 70 chưa rõ ràng, thiếu minh bạch, như: Không xác định rõ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đề nghị không kiểm định là cơ quan nào? Căn cứ, điều kiện để đề nghị không kiểm định là gì? Không xác định rõ phạm vi nội dung của “xe có vi phạm đã cảnh báo; Không có sự phân biệt để có cách xử lý hợp lý, công bằng giữa trường hợp chủ phương tiện được thông báo và trường hợp chủ phương tiện không được thông báo của cơ quan có thẩm quyền về việc xe có vi phạm trước khi đưa xe đến kiểm định. “Sự thiếu rõ ràng, minh bạch của quy định này gây ra khó khăn, vướng mắc trong việc hiểu và áp dụng thống nhất pháp luật đối với cả cơ quan nhà nước cũng như người dân”, cơ quan của Bộ Tư pháp nhận định.
Cơ quan trên cũng nhận thấy, cơ quan đăng kiểm là kiểm tra, đánh giá về an toàn kỹ thuật của phương tiện, trong khi từ chối kiểm định với lý do chưa nộp phạt không thuộc về kỹ thuật. Do đó, cần cân nhắc, đánh giá thận trọng, nhất là về tác động về kinh tế - xã hội. “Để đảm bảo tính hợp pháp, rõ ràng, minh bạch của văn bản, đề nghị Bộ GTVT xử lý ngay quy định chưa phù hợp tại Khoản 6 Điều 4 Thông tư 70/2015”, Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật đề nghị.
Tuy nhiên, ngay khi việc áp dụng Khoản 6 Điều 4 Thông tư 70 bị “tuýt còi”, lập tức Cơ quan Đăng kiểm lại quay ra giải thích, việc dừng đăng kiểm với xe chưa nộp phạt nguội là thực hiện theo Điểm g Khoản 6 Điều 27 Nghị định 63/2016/NĐ-CP. Với giải thích này, từ đó tới nay cơ quan đăng kiểm vẫn tiếp tục áp dụng từ chối kiểm định với xe chưa nộp phạt nguội.
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho biết, trong Luật Giao thông Ðường bộ cho phép Bộ GTVT và Bộ Công an phối hợp trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Do vậy, theo đề nghị của Bộ Công an, Bộ GTVT đã có thông tư hướng dẫn, nếu chủ phương tiện chưa nộp phạt sẽ chưa được kiểm định. Theo ông Thạch, việc từ chối kiểm định với xe chưa nộp phạt vi phạm cũng là hình thức răn đe, nhắc nhở lái xe chấp hành quy định khi đi trên đường.
Theo Lê Hữu Việt
Tiền Phong